Giáo trưởng Trường Đông Kinh nghĩa thục
Lương Văn Can (1854-1927) sinh tại làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Cụ từng hai lần thi hương, thi hội nhưng không đỗ hạng cao. Khi triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm giáo thụ Hoài Đức rồi đến thực dân Pháp cử vào Hội đồng thành phố Hà Nội, cụ đều từ chối. Cụ tự nhận không thích hợp chốn quan trường nên chỉ muốn ở nhà dạy học.
Ba nhân vật quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX là cụ Lương Văn Can, cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Châu Trinh. Đông Kinh nghĩa thục được xem như là một cuộc vận động cải cách tư tưởng - văn hóa với mục đích tạo ra những con người Việt Nam có tư tưởng hợp thời và làm chủ thời cuộc trong xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc. Mục đích căn cốt của Trường Đông Kinh nghĩa thục là khai trí cho dân bằng cách mở những lớp dạy học không lấy tiền và tổ chức những cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng cùng cổ động dân chúng. Trường dạy cả chữ Quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn, theo học có cả nam sinh và nữ sinh.
Sự mến phục của nhân sĩ, trí thức cùng thời đối với cụ không chỉ bởi vì cụ là người tài đức mà còn xuất phát từ sự phụng hiến đối với sự nghiệp khai dân trí, nên Lương Văn Can được cử làm giáo trưởng của Trường Đông Kinh nghĩa thục. Ngôi nhà số 4 Hàng Đào, Hà Nội của gia đình cụ được sử dụng làm nơi dạy học. Con gái cụ trở thành giáo viên đứng lớp. Trong những lúc Trường Đông Kinh nghĩa thục gặp khó khăn, vợ cụ là bà Lê Thị Lễ đã bán hiệu buôn Quảng Bình An ở phố Hàng Ngang để lấy 7.000 đồng đưa cho chồng duy trì hoạt động của trường.
Khi Đông Kinh nghĩa thục ra đời, cụ Lương Văn Can đã trên 50 tuổi nhưng vẫn sẵn sàng tiếp nhận cái mới, mở rộng tư duy với tân học, rồi sau đó thay đổi cách dạy và phương pháp sư phạm. Sự biến chuyển đó là kết quả của quá trình đi từ tri nhận đến tri ngộ về tri thức. Chính vì lựa chọn học tập không ngừng, chủ động tương tác và luôn dấn thân góp sức giải quyết những vấn đề của đất nước đã giúp cụ Cử Can trở thành một nhà nho cấp tiến.
Trường Đông Kinh nghĩa thục mở ra một năm thì bị tịch thu giấy phép, phải đóng cửa nhưng sự ra đời của nó là cuộc cách mạng giáo dục đầu tiên ở Việt Nam. Trường Đông Kinh nghĩa thục còn thổi bùng lên tinh thần yêu nước, cổ vũ phong trào nhà nho làm kinh tế.
Chữ “đức” trong quan điểm về thương nghiệp của Lương Văn Can
Cháu đời thứ tư của cụ Lương Văn Can - ông Lương Tiến (người thứ ba từ trái sang) đã đại diện gia đình tham dự Tuần lễ Doanh nhân và Sách, đồng thời nhận vinh danh cụ Lương Văn Can tại sự kiện |
Cụ Cử Can xứng đáng là người đầu tiên gây dựng và truyền bá “đạo làm giàu”, mở ra truyền thống “làm ăn”, kinh doanh cho doanh nhân Việt Nam. Kim cổ cách ngôn và Thương học phương châm là hai tác phẩm của cụ viết về thương nghiệp, là một bộ sách giáo khoa cho những người muốn học nghề kinh doanh, thương mại. Sự ra đời của bộ sách này là cột mốc khởi nguồn trong lịch sử kinh doanh hiện đại của Việt Nam.
Cụ Lương Văn Can viết sách bằng kinh nghiệm kinh doanh của gia đình với tâm thế của một nhà nho yêu nước, với khát vọng canh tân nền thương nghiệp Việt Nam. Trong Kim cổ cách ngôn và Thương học phương châm, cụ Lương Văn Can nhìn ngành kinh doanh từ góc độ của một nhà nho cấp tiến, có tham gia vào thương mại. Chính cụ cùng với con gái Lương Thị Trí, con dâu Nguyễn Thị Hồng Đính lập ra các hiệu buôn ở Nam Vang, khi cụ bị thực dân Pháp đày biệt xứ. Vì vậy, đối với những vấn đề về thương mại và phát triển thương nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn Pháp thuộc, cụ nhìn nhận khá toàn diện.
Điểm đáng chú ý đầu tiên trong sách dạy thương nghiệp của Lương Văn Can là cụ đánh giá cao đóng góp của thương nghiệp đối với sự phát triển của xã hội và đất nước. Trong phần Tựa của sách Thương học phương châm, cụ viết “Tục ngữ có câu rằng “Phi thương bất phú”, các đại quốc do thông thương mà làm được phú cường, các nhà đại tư bản do kinh thương mà phú gia địch quốc, thế thì sự buôn cũng không nên câu nệ như xưa mà chẳng lưu tâm nghiên cứu”, và “vậy ta nay phải xoay về nghề buôn bán, bởi tự cái phong trào thương giới các nước tràn sang ta, bắt ta không theo không được”.
Chữ “nhân” mà cụ theo đuổi là “vị người”, chứ không phải “vị ta”. Vì vậy, khi thương nhân vượt lên mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận chỉ để chăm lo cho bản thân, sử dụng một phần lợi nhuận để phục vụ xã hội thì kinh doanh mới lâu dài.
Thứ hai, cụ Cử Can nhận diện và nêu bật những căn nguyên khiến nền thương mại Việt Nam kém phát triển trong suốt hàng nghìn năm, đó là “Người mình không có thương phẩm, không có thương hội, không có tín thực, không có kiên tâm, không có nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao thiệp, không biết tiết kiệm, không nội hóa”.
Với việc khuyến khích phát triển thương nghiệp, cụ Lương Văn Can thể hiện mong muốn nâng cao vị trí của người Việt trong xã hội và kinh tế Việt Nam.
Để phát triển thương mại thì người Việt Nam không chỉ phải thay đổi quan điểm về nghề buôn mà trước hết phải nhìn thấy được những cơ hội trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Nhưng nghề buôn là một nghề phức tạp, đòi hỏi nhiều kiến thức nên muốn làm nghề thì phải học.
Cụ Lương Văn Can nhận định sự học còn nông mà dấn thân vào con đường kinh doanh cốt để kiếm lợi nhuận thì làm nghề sẽ không bền. Cụ cho rằng người làm kinh doanh không chỉ cần tài, đức, phải học tập mà quan trọng hơn hết là phải trung thực, tín nghĩa. Cụ viết: “Trong đám thương giới cần nhất là sự tín dụng. (...) sau này còn phải lưu tâm cẩn thận đừng để việc gì thất tín”.
Theo cụ Lương Văn Can, mục đích tối thượng của thương nhân là phụng sự sự phát triển của xã hội. Chữ “nhân” mà cụ theo đuổi là “vị người”, chứ không phải “vị ta”. Vì vậy, khi thương nhân vượt lên mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận chỉ để chăm lo cho bản thân, sử dụng một phần lợi nhuận để phục vụ xã hội thì kinh doanh mới lâu dài. Một điểm tiến bộ khác của cụ Lương Văn Can là quan niệm về “nhân”, “trung”, “tín” và “đức - tài” trong “đạo kinh doanh” của cụ không có sự phân biệt về địa vị của cá nhân trong quan hệ xã hội.
Chuẩn mực về chữ “nhân”, “tín”, “đức” trong “đạo kinh doanh” của cụ Cử Can còn gắn liền với giá trị tinh thần truyền thống cao nhất của người Việt Nam là tinh thần yêu nước. Là một nhà nho cấp tiến tiếp thu tân học, cụ Lương Văn Can thể hiện mình là một con người theo đuổi sự phụng hiến đất nước với khát vọng về một Việt Nam giàu mạnh. Vì vậy, dù là khi làm nghề giáo hay khi viết sách về thương nghiệp, cụ Cử Can luôn nhấn mạnh đến trách nhiệm của cá nhân đối với sự phát triển xã hội và vận mệnh đất nước.
* Bài viết này được trích một phần từ tham luận của tác giả gửi tham gia Hội thảo Tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Trường ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến tổ chức vào cuối năm 2021
------------------------------------------------
Tại "Tuần lễ Doanh Nhân và Sách" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn khởi xướng, phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam (Văn phòng đại diện phía Nam) và Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM tổ chức từ năm 2020, ban tổ chức đã giới thiệu hai cuốn sách "Kim cổ cách ngôn" và "Thương học phương châm" của cố danh nhân Lương Văn Can - người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam.
Triết lý kinh doanh của cụ qua hai cuốn sách này ra đời đã gần 100 năm nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cụ Lương Văn Can đã nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của kinh doanh trong phát triển kinh tế và mong muốn mọi người phải học cách làm giàu chân chính. Kinh doanh phải trung thực và hiếu nghĩa. Cũng tại sự kiện này, ban tổ chức đã tổ chức vinh danh cố danh nhân Lương Văn Can và các tổ chức, cá nhân đã có công tái bản hai cuốn sách mang nhiều ý nghĩa lịch sử này.