Vụ việc này như là “giọt nước tràn ly” trong mối quan hệ của các “ngôi sao” trong đội tuyển và VTF.
"Ngôi sao" ăn cơm hộp và nghỉ phòng tồi tàn tại Davis Cup
Sự việc này xảy ra sau khi đội tuyển quần vợt Việt Nam để thua sát nút 2-3 đội tuyển quần vợt Indonesia ngay trên sân nhà, tại vòng play-off Davis Cup nhóm II thế giới.
Sau thất bại, các tuyển thủ chủ lực như Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang cũng đã gửi lời xin lỗi và cảm ơn đến người hâm mộ trên các đơn vị truyền thông và mạng xã hội. Cũng từ đây, một số tuyển thủ cho rằng họ chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của VTF lẫn ngành thể thao Việt Nam.
“Chúng tôi chỉ nhận được mỗi sự quan tâm của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hải Đăng và người thân. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thua thiệt về mọi thứ ngay tại sân nhà như thế. Nhưng trong suốt thời gian từ lúc tập trung cho đến khi giải kết thúc, chúng tôi không than phiền. Tất cả thành viên đội tuyển đều im lặng, cùng nhau linh hoạt thích ứng trong hoàn cảnh thua thiệt và nỗ lực thi đấu, cống hiến hết khả năng vì màu cờ sắc áo”, tay vợt Lý Hoàng Nam chia sẻ.
Liệt kê cho công tác chuẩn bị tệ hại này, Hoàng Nam cho biết thêm là tuyển quần vợt Việt Nam lại không có tình nguyện viên hỗ trợ đội tuyển, không có xe đưa đón đội đi tập luyện và thi đấu. Thậm chí không nhận được sự chuẩn bị về thức ăn nước uống trước, trong và sau trận đấu... đến nỗi buộc phải ăn cơm hộp và nghỉ ngơi tại khách sạn giá rẻ, chưa đúng tầm của các vận động viên đại diện cho quần vợt nước nhà thi đấu tại một giải đấu lớn.
Giọt nước thực sự tràn ly và hậu việc ly kỳ
Tổng thư ký VTF Đoàn Thanh Tùng |
Đỉnh điểm của cuộc “rạn nứt” là những chia sẻ của Tổng thư ký VTF Đoàn Thanh Tùng trong cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Việt Nam: “Đội tuyển quốc gia không trực thuộc VTF. Do đó, việc ăn ở, đi lại, tập luyện, thi đấu như thế nào là trách nhiệm, quản lý của Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) và Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TP.HCM”.
Những câu nói này như “thêm dầu vào lửa”, đẩy cơn thịnh nộ của các vận động viên, người hâm mộ trở thành phản ứng. Thậm chí, “ông bầu” Thái Trường Giang của Câu lạc bộ Hải Đăng Tây Ninh lên tiếng sẽ “cấm” hai tuyển thủ quần vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam và số 2 Trịnh Linh Giang thi đấu (đây là hai vận động viên thuộc Câu lạc bộ Hải Đăng Tây Ninh).
“Lịch thi đấu trận play-off đã được xác định từ lâu, việc quyết định tập trung muộn là lỗi của VTF đã không báo cáo, hoàn thành trách nhiệm với Tổng cục TDTT để dẫn đến quyết định ra trễ. Ngay cả việc có trễ thì cũng không thể bắt những vận động viên bảo vệ màu cờ sắc quốc gia phải ứng tiền. Vai trò của VTF ở đâu? VTF không có tiền để lo cho đội tuyển Việt Nam ăn uống? Về chỗ ở, tại sao đội tuyển Indonesia ở khách sạn 5 sao, còn chỗ ở của đội tuyển Việt Nam rất kém? Nếu VTF và ngành không lo được chỗ ở đàng hoàng cho đội tuyển Việt Nam thì sao không lên tiếng, xã hội sẽ chăm lo...”, ông Giang bực bội phản ứng.
Thậm chí, Chủ tịch Tập đoàn Hải Đăng Thái Trường Giang còn khẳng định, nếu vấn đề này không được giải quyết thỏa đáng thì không có vận động viên nào của Câu lạc bộ Quần vợt Hải Đăng Tây Ninh tham gia đội tuyển.
Quyết định này sẽ gây tổn thất lớn cho đội tuyển quần vợt Việt Nam tại SEA Games 32 khi Lý Hoàng Nam sẽ nộp đơn từ chối bảo vệ danh hiệu huy chương vàng của mình. Trong lá đơn gửi Tổng cục TDTT Việt Nam cùng Liên đoàn Quần vợt Việt Nam mới đây, Câu lạc bộ Quần vợt Hải Đăng Tây Ninh đã yêu cầu rút cây vợt số 1 Việt Nam là Lý Hoàng Nam, HLV Trần Quốc Phong và chuyên gia Ivan Miranda khỏi danh sách đội tuyển quần vợt Việt Nam tham dự SEA Games 32.
Dù nguyên nhân mà Câu lạc bộ Quần vợt Hải Đăng Tây Ninh đưa ra là để tạo cơ hội cho Lý Hoàng Nam giành suất tham dự vòng loại các giải Grand Slam danh giá trong năm 2023, tuy nhiên nhiều người thừa hiểu lý do Hoàng Nam không dự SEA Games thực sự là gì.
Không có Lý Hoàng Nam, mục tiêu của môn quần vợt Việt Nam tại SEA Games 32 cũng bị hạ xuống, bộ môn không được giao chỉ tiêu giành huy chương vàng.