Luật Đầu tư công đang trở thành “rào cản” cho các dự án sửa chữa, nâng cấp?
Tại phiên chất vấn sáng 6/11, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã có cuộc tranh luận gay gắt về những bất cập của Luật Đầu tư công 2014 trong việc chi ngân sách vào các sử dụng vốn công tại nhiều địa phương.
Được biết, Luật Đầu tư công có nội dung quy định về tính chất của dự án đầu tư công dẫn tới nhiều người hiểu nhầm rằng, toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp… đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công.
Do đó, ông Phớc nhận định, Luật Đầu tư công 2014 đang “trói” tất cả dự án sửa chữa, nâng cấp mở rộng tài sản công không phân biệt giá trị dự án bao nhiêu tiền. Ngoài ra, nếu dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì không được chi, gây bế tắc trong việc đầu tư và tiến hành thực hiện.
Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm phải phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn cả giai đoạn, nếu không sẽ vi phạm. Vì vậy, chi phí làm quy hoạch, chi phí chuẩn bị đầu tư, và các vấn đề hỗ trợ lãi suất cũng đưa vào luật đầu tư công.
Điều này dẫn tới thực trạng, Nhà nước đang nợ 2.200 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại nhưng chưa bố trí kinh phí được để hỗ trợ các ngân hàng chính sách. Hoặc nhiều cơ sở vật chất tại địa phương bị hỏng mà không có kinh phí sửa.
Vì thế, ông Phớc đề nghị phải giải quyết vấn đề này để đảm bảo kinh tế phát triển, không vướng cho cán bộ làm, không sai phạm khi làm theo chỉ đạo.
Trước đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã có 3 lần trình vấn đề nghị quyết đặc thù sử dụng khoản chi thường xuyên cho hoạt động nâng cấp, sửa chữa, tháo gỡ vướng mắc tại luật Đầu tư công nhưng đều bị "bác" nên mệt quá mới nói "từ nay không nói vấn đề này nữa" chứ không phải là đồng ý.
Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét, vướng mắc trong việc chi đầu tư không hẳn do Luật Đầu tư công, mà có vướng mắc ở Luật Ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, ông Dũng cho rằng, việc sửa chữa, nâng cấp các dự án tài sản công hiện triển khai bình thường, không vướng mắc, chỉ dự án xây mới thì phải thực hiện quy trình theo Luật Đầu tư công. Ông Dũng cũng nhận định, nguyên nhân dẫn đến thất thoát trong vấn đề đầu tư công có thể từ khâu lựa chọn dự án.
Ngoài ra, có thể do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu, công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí. Hoặc có thể từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công.
Sau khi nghe trình bày từ hai bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, vấn đề nằm ở tính chất của các khoản chi chứ không phải là giá trị của các khoản chi. Vì thế, không có vướng mắc gì trong luật Đầu tư công và Chính phủ đang rà soát lại xem có vướng mắc trong Luật Ngân sách nhà nước hay không.
Cho đến nay sau khi rà soát, kết luận bước đầu là không có vướng mắc về luật Ngân sách nhà nước. Đó cũng là lý do Quốc hội đưa việc giải quyết Nghị quyết đặc thù chi thường xuyên, đầu tư ra khỏi chương trình, dù Chính phủ trình 3 lần.
“Vấn đề này đã tranh luận nhiều, tại diễn đàn Quốc hội, tôi nhớ Bộ trưởng Tài chính nói “từ nay không nêu lại vấn đề này”, hôm nay Bộ trưởng lại nói lại. Vì đã 3 lần chúng tôi đã trả lại văn bản này cho Chính phủ. Có liên quan gì đến Luật Ngân sách Nhà nước hay không trong lần rà soát này, Bộ Tài chính cũng không nói có vấn đề gì phải rà soát”, Chủ tịch Quốc hội trả lời.