![]() |
Trái lựu được xếp vào hàng “cao tuổi” trong các loại cây trái. Các nhà khảo cổ Hy Lạp đã chứng minh điều đó khi tìm thấy bốn trái lựu có tuổi đời 2.500 năm đặt trong một cái bình bằng đồng ở thành phố cổ Corinth.
Mời các bạn theo dõi Món ăn bài thuốc "Lửa lựu" do Bảo Chiêu trình bày.
![]() |
Điều kỳ diệu là bốn trái lựu còn nguyên vẹn, bởi chiếc bình được đóng rất chặt và lớp đồng đã ngăn không cho thời gian trôi qua “tuổi đời” của chúng. Hiện các nhà khoa học đang bảo vệ chúng bằng những kỹ thuật hiện đại, và những gì chưa biết về lựu còn đang ở phía trước.
Cây lựu được trồng nhiều ở châu Âu và châu Á để lấy trái ăn và làm thuốc. Ở Pháp người ta dùng vỏ, rễ thân cây lựu để chiết xuất làm thuốc tẩy giun sán. Người phương Tây xem lựu là loại trái cây rất quý hiếm, thường dùng để pha chế các loại cocktail. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã liệt kê quả lựu vào danh sách các nguồn cung cấp kali, vitamin C và chất chống oxy hóa. Trái lựu có thể giúp ngừa ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc làm chậm sự phát triển căn bệnh này.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Wisconsin (Mỹ) đã phát hiện trong trái lựu có hợp chất polyphenolic chứa chất chống ôxy hóa cao hơn rượu vang đỏ và trà xanh. Khi kết hợp các tế bào ung thư tuyến tiền liệt với hợp chất kể trên thì thấy rằng, hợp chất này làm ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư.
Ngoài ra, hợp chất trên còn giúp chống bệnh ung thư da và nhiều dạng ung thư khác. Các nhà khoa học chứng minh rằng các chất chống oxy hóa trong nước lựu có thể hạn chế mảng bám tích tụ trên thành mạch và làm giảm sức ép oxy hóa trên các tế bào niêm mạc của mạch máu, giúp chúng sản sinh oxit nitric nhiều hơn. Oxit nitric làm giãn và điều hòa huyết mạch. Ngoài ra, một nhóm chất chống oxy hóa tích cực trong quả lựu là polyphenol cũng có thể làm giảm sức ép oxy hóa lên thành mạch.
![]() |
Ở nước ta, cây lựu được trồng khá phổ biến, nhất là trồng làm kiểng ở đình chùa và vườn nhà, bởi cây lựu có dáng thanh mảnh và trổ bông rực rỡ vào mùa hè. Có nhiều giống lựu: giống bông trắng, giống bông vàng, phổ biến nhất là giống bông đỏ. Bông lựu đỏ khi nở đỏ rực như màu lửa, nên mới có tên gọi lửa lựu.
Trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, màu đỏ lửa ấy của bông lựu đã “rực cháy” hơn khi "đấng nam nhi" Thúc Sinh chiêm ngưỡng “tòa thiên nhiên” nàng Kiều: “Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”.
Trước đây, trái lựu không phải là loại trái cây thông dụng, trẻ con thường hái những trái lựu còn xanh và tách những hột lựu mọng nước để ăn như một trò giải trí, lựu sống có vị chát, không ngon. Trái lựu chín, hột có mùi vị chua chua, ngọt ngọt, rất hấp dẫn. Nhiều bộ phận của cây lựu được dùng làm thuốc trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian. Ngoài công dụng trị sán, vỏ rễ và vỏ thân còn dùng làm thuốc ngậm trị đau răng, trị bệnh lỵ. Để trị bệnh lỵ, người ta thường dùng vỏ trái.
Vỏ thân và rễ lựu có độc, khi dùng phải cẩn thận, không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em, tốt nhất là nên theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.