Lòng tham và rủi ro ủy thác đầu tư

Gia Lê| 02/03/2020 09:00

Vụ việc ông Phan Hoàng Nam - đồng tác giả cuốn sách Cỗ máy in tiền, Giám đốc Công ty TNHH Nobel Global, mới đây bị nhóm 51 nhà đầu tư gửi đơn tố cáo sau khi gây thiệt hại gần 53 tỷ đồng một lần nữa gây rúng động thị trường và làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư.

Lòng tham và rủi ro ủy thác đầu tư

Thông tin ban đầu cho thấy, nhiều nhà đầu tư đã ủy thác hơn 71 tỷ đồng cho ông Nam quản lý và đầu tư chứng khoán phái sinh, cam kết trả lợi nhuận từ 2-4% mỗi tháng và sẽ chia lợi nhuận khi lãi 5%/tổng vốn, và trường hợp rủi ro tỷ lệ chia lỗ (cắt lỗ) là 20% trên tổng vốn, quá 20% thì ngừng giao dịch. Tuy nhiên, theo nhóm các nhà đầu tư tố cáo thì ông này đã dùng hơn 80% số tiền được ủy thác giao dịch trên sàn giao dịch ngoại hối tại nước ngoài và lỗ nặng, gây thiệt hại đến 53 tỷ đồng cho khách hàng.

Ủy thác đầu tư không mới, khi đây là nghiệp vụ phổ biến trên thị trường tài chính quốc tế, theo đó nhiều ngân hàng, quỹ đầu tư nhận vốn ủy thác từ khách hàng để đầu tư đại trà hoặc đầu tư vào một thương vụ cụ thể theo chỉ định của khách hàng. Tuy nhiên theo quy định tại Việt Nam, chỉ có những công ty quản lý quỹ do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép và quản lý mới được thực hiện nghiệp vụ này.

Dù vậy, hiện nay việc cá nhân kêu gọi khách hàng và tự mình nhận vốn ủy thác đầu tư không còn là điều hiếm hoi, dù chưa có văn bản pháp lý nào cho phép. Thử dạo qua các diễn đàn đầu tư chứng khoán, các nhóm chat Zalo, Viber, không ít lời kêu gọi tham gia các nhóm đầu tư chứng khoán do một người chịu trách nhiệm quản lý giao dịch, thường là các tay môi giới tại các công ty chứng khoán, nhà đầu tư được cho là chuyên nghiệp và có kinh nghiệm, với lợi nhuận cam kết từ 5-10%/ tháng.

Link bài viết

Trong bối cảnh chính sách nới lỏng tiền tệ, lãi suất thấp và tiền rẻ được bơm ra trongnhiều năm qua, nhiều nhà đầu tư tiếp cận được nguồn vốn dồi dào và luôn tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư có suất sinh lợi cao để tối ưu hóa dòng tiền. Ngược lại, với kiến thức và kinh nghiệm đầu tư ít nhiều bị hạn chế, nhiều người lựa chọn hình thức ủy thác đầu tư với lợi suất cam kết ở mức hấp dẫn, dù không ít trường hợp phi thực tế và chẳng khác nào một cái bẫy dụ dỗ người ta chui đầu vào.

Không chỉ trên thị trường chứng khoán, nhiều sự việc tương tự ở các lĩnh vực khác cũng xảy ra những trường hợp tương tự. Đơn cử như một chủ condotel đình đám hồi cuối năm ngoái đã đơn phương phá vỡ cam kết trả lãi cho khách hàng, khiến nhiều người thiệt hại nặng nề khi đã trót vay tiền ngân hàng mua loại bất động sản này.

Cũng đến từ niềm tin ủy thác đầu tư nên nhiều người mua các đồng tiền ảo để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư mới. Đáng lưu ý là những đồng tiền ảo ấy thường thu hút được lượng lớn người tham gia vì lợi suất cam kết ở mức rất hấp dẫn, lên tới hàng chục phần trăm, thậm chí tính bằng lần theo năm.

Quay lại với vụ việc của ông Phan Hoàng Nam, trước những cáo buộc lừa đảo, ông Nam cho rằng khách hàng ủy thác vốn cho ông là hoàn toàn tự nguyện. Ông Nam nói: “Không có cam kết gì hết, ngay cả hợp đồng cũng không có. Nếu nhà đầu tư nói như thế, thì hãy cho tôi thấy một văn bản nào đó được ký kết giữa người ủy thác (là nhà đầu tư) và người nhận ủy thác (là Nam)”.

Sự thật rồi sẽ dần hé lộ, nhưng để ngăn chặn kiểu “đánh trống bỏ dùi”, các nhà đầu tư nên có giải pháp để tự bảo vệ đồng tiền của mình khi muốn góp vốn hay ủy thác. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lòng tham và rủi ro ủy thác đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO