Trời nắng chang chang, chờ mạ tôi vào chợ Đông Ba đã hai chục phút, tôi khát khô cổ, dù đã dựng xe ở chỗ có bóng râm. May thay, một o bán trà đá đi ngang. Tôi liền gọi mua. Uống xong ly trà đá, đỡ khát hẳn. Mấy anh xích lô, xe thồ, bốc vác và mấy mệ, mấy o tiểu thương cũng kêu o bán trà đá lại để mua. Trà đúng là "cứu tinh" cho cơn khát giữa trưa hè nóng 40oC.
Có lần, một người bạn thời đại học đang làm việc ở Quảng Bình vào Huế có công chuyện, tiện thể "í ới" điện thoại gặp bạn bè. Thế là nhà văn Lê Vũ Trường Giang (công tác tại Tạp chí Sông Hương) và tôi cùng lên ga Huế đợi đón bạn tại một quán có bán nước trà kèm mè xửng. Nhìn dòng người qua lại trong cái lạnh cắt da cắt thịt của đêm đông, hai chúng tôi không ai bảo ai, áp ly trà nóng vào hai bàn tay. Nó như một cái lò sưởi thu nhỏ, không những sưởi ấm được lòng bàn tay mà uống vào còn ấm cả người.
Cách đây không lâu, tôi ngồi uống trà với chú Nguyễn Xuân Hiển, hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế, tại tư gia của chú. Lần đầu tiên tôi được uống trà trong một cái chén cổ có hoa văn rất đẹp. Lạ nhất là nước trà được ngâm đọt chè non hái trong vườn. Cái vị của nó thật khó tả, vừa thơm vừa chát, lại ngọt... Không thể uống nhanh được. Phải từng ngụm, từng ngụm để thưởng thức sự thanh tao, mới mẻ lần đầu đối với một người không thật rành trà như tôi.
Ở Huế, quán bán đồ ăn, thậm chí là cơm hến gánh, thường kèm theo ấm chè xanh cho khách uống. Như ngày nắng nóng, quán bún bò tôi thường ăn luôn có hai ấm chè, một nóng, một cho nước đá. Ngày mưa và lạnh thì cả hai ấm đều là chè nóng, có mấy lát gừng. Ở Huế, quán cà phê luôn mang nước trà cho khách uống trước.
Trà nguyên là một vị thuốc, sau nó trở thành thức uống giải khát. Trà bắt nguồn từ Trung Quốc như ghi chép trong cuốn Trà kinh của Lục Vũ. Rằng, Thần Nông là ông tổ của cây trà. Chuyện kể rằng: Một hôm, Thần Nông cùng vợ con lên núi, giữa đường, đang khát nước thì ngay lúc đó một chiếc lá rơi xuống cạnh chân. Thần Nông lượm lên và vò nát, chất nhựa từ chiếc lá dính vào tay, lại có mùi thơm hắc, ngài nếm thử.
Vị đăng đắng cho Thần Nông biết nó có dược tính và cảm thấy cơn khát dịu bớt. Thần Nông bèn hái lá ấy sắc lên, nước có màu xanh lợt, ngả vàng, hơi sánh, mùi thơm dễ chịu. Nếu đúng vậy thì Thần Nông là người đầu tiên của loài người biết uống trà. Lại có truyền thuyết nói Thần Nông đun nước dưới một gốc cây lớn, lá cây ấy rụng vào nồi. Nước trong nồi có màu vàng xanh, hơi chát, uống vào hết khát.
Ngài bèn đem thứ lá ấy truyền bá trong dân gian, rồi nó trở thành một thứ nước uống phổ biến. Tuy nhiên, nhiều tài liệu lại chứng minh rằng uống trà lại có nguồn gốc từ Ấn Độ rồi lan sang Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Anh... Năm 1657, lần đầu tiên trà được bán tại các quán cà phê ở nước Anh và nó mau chóng trở thành loại thức uống thông dụng ở đảo quốc này.
Ở nước ta, sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn (1726-1784) ghi ở Mục IX về Phẩm vật: "Trà là một loại cây quý ở phương Nam, cây như qua lô, lá như chi tử, hoa như tường vi trắng, quả như tinh biền lư, nhị như đinh hương, vị hàn".
Ở Huế, thời nhà Nguyễn có loại trà gọi là trà Cung đình. Người xưa kể rằng, để pha trà cho vua, vào buổi chiều tối, thị nữ trong cung chèo thuyền ra hồ Tịnh Tâm, cho trà vào giữa những búp sen, sáng sớm hôm sau lại chèo thuyền ra hồ sen lấy trà ướp hương sen pha dâng lên vua.
Một lớp dạy trà đạo ở Nhật |
Dân gian còn lưu truyền chuyện hứng sương trên lá sen để lấy nước pha trà cho vua. Ở Huế ngày nay cũng có trà Cung đình với thành phần gồm nhiều loại thảo dược như hoa cúc, hoa hồi, hoa lài, hoa hòe, cỏ ngọt, hoài sơn, đẳng sâm, đại táo, hồng táo, cam thảo bắc, thảo quyết minh, khổ qua, kỷ tử, vối nụ, tim sen, có tác dụng bổ khi huyết, thanh nhiệt, giảm độc, mát gan.
Để thưởng thức loại thức uống đế vương này, du khách có thể tìm đến quán cà phê Vĩ Dạ xưa, quán cà phê Nam Giao Hoài cổ hoặc quán cà phê Lầu tứ phương vô sự bên trong Hoàng thành Huế. Du khách còn có thể mua trà Cung đình để sử dụng hằng ngày, có thể uống với nước đá hoặc để tủ lạnh uống dần trong những ngày hè nắng nóng.
Uống trà theo kiểu cung đình Huế thì phải có một bộ đồ trà đúng kiểu. Người rành trà ở Huế không chỉ có một bộ đồ trà mà có đến bốn loại dành cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nghệ nhân nghề thêu Lê Văn Kinh (đường Phan Đăng Lưu, thành phố Huế) đang sở hữu trên 50 bộ ấm trà như vậy.
Trong đó quý nhất là ba bộ Thế đức, Lưu bội, Mạnh thần. Theo ông Lê Văn Kinh, cách thưởng trà của người Huế xưa khác so với cách thưởng trà của người Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản. Người Hoa khi uống trà thường một tay cầm tách, một tay che miệng.
Người Nhật dùng hai tay nâng xoa tách trà. Người Việt nói chung và người Huế nói riêng khi uống trà, tách trà được nâng bằng tay phải, ngón trỏ và ngón cái ôm lấy miệng tách, ngón giữa đỡ trôn, hai ngón khác co lại. Lúc uống trà, cổ tay xoay vào để mu bàn tay và tách trà che miệng, thể hiện sự lịch sự với người đối diện.
Uống trà ở Nhật Bản được tôn lên là trà đạo. Trà đạo gắn liền với thiền, có trà thất (phòng uống trà), trà viên (sân vườn trà) với đầy đủ dụng cụ phức tạp phục vụ việc uống trà. Người chế biến trà và uống trà cũng trở thành "trà tượng".
Học giả Nhật Bản Kakuzo Okakura (1862-1913) đã viết cuốn Trà thư giới thiệu trà đạo của xứ Phù Tang với thế giới. Geisha (nghệ sĩ vừa có tài ca múa, vừa có khả năng trò chuyện) từ lúc nhỏ đã được huấn luyện bài bản về trà đạo để chiều lòng khách.
"Nhân loại đã gặp nhau trong một chén trà. Mặc dù Kakuzo Okakura từng khẳng định trong Trà thư, rằng, đông là đông, tây là tây, không bao giờ gặp nhau" - Thạc sĩ Phan Nguyễn Phước Tiên (Đại học Khoa học - Đại học Huế), nhận định.
Việt Nam không có trà đạo như ở Nhật Bản, nhưng người uống trà, uống nước chè xanh ngày một nhiều. Cũng có nhiều người chưa hẳn là già vẫn rất cầu kỳ trong việc uống trà, thưởng trà, dù không đến mức thành nghi lễ như trà đạo. Khách đến nhà thường được mời uống trà, nhưng nước trắng, nước chè xanh đều quý. Quan trọng nhất vẫn là tình cảm.