Từ khi có livestream trên mạng xã hội thì khoảng cách địa lý dường như bị xóa nhòa, sự kết nối không giới hạn được thu hẹp lại đáng kể, sự tương tác trực tiếp cũng tăng lên rất nhiều. Nhất là nhiều tháng qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị yêu cầu người dân giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc, gây lây lan dịch bệnh. Vì vậy nhiều sự kiện văn hóa, xã hội, du lịch, thể thao, kinh tế... chuyển sang tổ chức bằng hình thức livestream.
Đây là cơ hội để các cá nhân, tổ chức sử dụng tối đa hiệu quả, tính năng của tiện ích này. Từ bán hàng, quảng cáo sản phẩm, tổ chức sự kiện, dạy học, gặp gỡ gia đình - bạn bè; đặc biệt người nổi tiếng, nghệ sĩ, doanh nhân đều dễ dàng giao lưu với người hâm mộ, đồng nghiệp, đối tác qua livestream. Livestream còn mang lại cơ hội để mọi người tiếp cận thông tin, kết bạn, chia sẻ, động viên tinh thần, từ thiện, truyền cảm hứng và năng lượng sống tích cực... trong đại dịch Covid-19.
Là một tiện ích truyền thông đang "hot", hình thức livetream khi phát sóng luôn thu hút người xem bởi các yếu tố: người quen biết, tò mò, lĩnh vực cá nhân quan tâm; nếu sự kiện có "vấn đề” sẽ khiến đoạn video trở nên "nóng" và lan rộng. Thời gian qua và hiện nay, có không ít người, trong đó có cả người nổi tiếng hay có tên tuổi, địa vị xã hội đã lợi dụng livestream để phát ngôn gây "sốc", "bóc phốt" và xúc phạm tổ chức, cá nhân khác với những lời lẽ thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa, gây nên sự bất bình, bức xúc cho nhiều người theo dõi hay vô tình xem video.
Dù rằng, livestream là quyền tự do của mỗi người dùng mạng xã hội, song mạng xã hội tuy là "đời sống ảo" nhưng các hệ lụy xảy ra lại ở đời sống thật. Đã và đang có đơn thư tố cáo, kiện tụng; những lời đe dọa, những cuộc chửi rủa đầy thù hằn hay các hành vi thiếu kiểm soát nhằm vào cá nhân, tổ chức sau các buổi livestream đầy rẫy phát ngôn quá khích.
Theo quy định của pháp luật thì "lợi dụng livestream trên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, gây ảnh hưởng hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự". Khi dùng mạng xã hội để livestream, thách thức lớn nhất đối với người dùng là tự điều khiển cảm xúc và hành vi của chính mình.
Trở thành một người tham gia mạng xã hội thông thái, biết lựa chọn thông tin để tiếp nhận, không nhầm lẫn giữa "cái tôi/sự cá tính" với thái độ "ngông cuồng/lối cư xử vô văn hóa" khi sử dụng livestream là góp phần tạo nên một xã hội văn minh, công bằng. Hãy tỉnh táo không biến mình thành công cụ bị lợi dụng để câu like, câu view cho một người hay nhóm người nào đó.
Được biết, theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 72 (đưa ra lấy ý kiến từ tháng 7/2021), các tài khoản livestream trên mạng xã hội phải đăng ký thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT); các nội dung livestream vi phạm pháp luật phải gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ TTTT... Khi dự thảo được thông qua, chắc chắn những hành vi lợi dụng livestream để phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa sẽ bị xử lý nghiêm.