Bảng hiển thị kết quả bỏ phiếu cho nghị quyết ủng hộ cơ chế để Nga bồi thường chiến tranh cho Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ảnh: Reuters |
Nghị quyết này do Ukraine, Canada, Hà Lan và Guatemala đề xuất. Trong cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) gồm 193 thành viên vào hôm qua, nghị quyết được 94 nước ủng hộ, 73 nước khác bỏ phiếu trắng, trong khi 14 nước bỏ phiếu chống.
Nghị quyết khuyến nghị các nước thành viên hợp tác với Ukraine và tạo ra một sổ đăng ký quốc tế để ghi lại bằng chứng và lời tuyên bố chống lại Nga. Nga, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên và Iran nằm trong số các nước bỏ phiếu chống. Trong số các nước bỏ phiếu trắng có Ấn Độ, Israel và Brazil.
Trích dẫn nghị quyết, đài RT nêu rõ: "Một cơ chế quốc tế nhằm bồi thường thiệt hại, mất mát hoặc thương tích phát sinh từ các hành động của Nga ở Ukraine cần phải được thiết lập". Theo đó, Nga "phải chịu hậu quả pháp lý của tất cả hành vi quốc tế sai trái của mình", gồm cả việc bồi thường thiệt hại đã gây ra vì đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Dù không mang tính ràng buộc thực thi, nghị quyết cũng có sức nặng chính trị, theo Reuters và RT. Đồng thời, Nghị quyết này có thể dẫn tới việc Ukraine đưa ra yêu sách với số tài sản trị giá hàng trăm tỷ USD của Nga - vốn bị Mỹ và các đồng minh châu Âu đóng băng sau khi chiến sự bùng phát.
Sau phiên bỏ phiếu, cựu tổng thống Dmitry Medvedev - hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ngay lập tức viết trên Telegram rằng sau khi thông qua nghị quyết về bồi thường của Nga cho Ukraine, Đại hội đồng LHQ giờ nên kêu gọi Mỹ bồi thường thiệt hại chiến tranh liên quan đến Triều Tiên, Việt Nam, Iraq, Nam Tư và các nước khác.
Ông Medvedev mỉa mai sự tham gia của Đại hội đồng LHQ rằng "có vẻ như đây là sự khởi đầu cho sự thống khổ của LHQ với tư cách là một thể chế quốc tế quan trọng trong hòa giải. Kết cục sẽ gây đau đớn cho toàn thể cộng đồng quốc tế".
Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Medvedev bình luận nghị quyết này nhằm hợp pháp hóa các kế hoạch của phương Tây trong việc sử dụng các tài sản bị đóng băng của Nga.
Trong khi đó, đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cáo buộc Ukraine và phương Tây đang tìm cách "biện minh cho hành vi tịch thu các tài sản bị phong tỏa để dùng kéo dài và làm trầm trọng thêm cuộc xung đột".
Gọi đây là tài liệu không quan trọng về mặt pháp lý, ông Nebenzia cảnh báo: "Đồng thời, các tác giả của nghị quyết không nhận ra rằng việc thông qua một nghị quyết như vậy sẽ kéo theo những hậu quả có thể tác động ngược lại họ".
Nhà ngoại giao Nga cho rằng việc thông qua nghị quyết có thể là "boomerang" đáp trả những người khởi xướng. Theo ông Nebenzia, quyết định như vậy sẽ chỉ làm gia tăng bất ổn và căng thẳng trên thế giới.
Một chung cư tại thành phố Zaporizhzhia, Ukraine hư hại sau khi Nga tập kích tên lửa ngày 9/10. Ảnh: Reuters. |
Theo giới chức Ukraine, nước này chịu thiệt hại gần 1.000 tỷ USD, gấp 5 lần GDP hàng năm của quốc gia này trước khi chiến sự bùng phát hồi cuối tháng 2. Nhiều doanh nghiệp Ukraine không thể hoạt động hết công suất hoặc chỉ làm việc vài giờ mỗi ngày, khiến nước này thu được ít ngân sách hơn trước.
Dù cắt giảm mạnh chi tiêu của chính phủ, Ukraine vẫn thâm hụt khoảng 4,9 tỷ USD/tháng sau khi chiến sự bùng phát. Mức thâm hụt dự kiến trong năm 2023 là 3,4 tỷ USD/tháng.