Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), số cổ phiếu (CP) đăng ký giao dịch của SGB là 308 triệu, giá trị đăng ký giao dịch 3.080 tỷ đồng, giá chào sàn trong ngày giao dịch đầu tiên 25.800đ/CP. Được biết, Saigonbank là ngân hàng thứ 3 đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM trong năm 2020, sau ngân hàng Bản Việt và Nam Á.
Thành lập năm 1987, Saigonbank là ngân hàng TMCP đầu tiên của TP.HCM và của cả nước. Hiện, vốn điều lệ của ngân hàng đạt 3.080 tỷ đồng, tăng từ 650 triệu khi mới thành lập. Đến tháng 6/2020, mạng lưới hoạt động của ngân hàng gồm Hội sở, 33 chi nhánh, 55 phòng giao dịch, 1 trung tâm kinh doanh thẻ và 1 công ty con là Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản.
65% cổ phần do 4 cổ đông nắm giữ
Tính đến 29/5/2020, Saigonbank có gần 2.200 cổ đông, gồm cả cá nhân lẫn tổ chức và 3 cổ đông nước ngoài. Trong đó, riêng 4 cổ đông lớn nhất chiếm 65,25% vốn điều lệ của ngân hàng.
Cụ thể, Văn phòng Thành ủy TP.HCM giữ 18,18% vốn, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận giữ 16,64%, Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa 16,35% và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) 14,08%.
Riêng tỷ lệ sở hữu của 3 cổ đông nước ngoài là 4,94%, tương đương 15,2 triệu CP (1 tổ chức) và 0,053%, tương đương 164.257 CP (2 cá nhân).
Tuy nhiên, cần biết rằng, Thành ủy TP.HCM cho biết sẽ lui về vai trò giám sát và không làm kinh tế nữa. Như vậy, với chủ trương trên, trong thời gian tới, Thành uỷ TP.HCM có thể sẽ đẩy mạnh việc thoái vốn tại doanh nghiệp (DN), nhất là trong lĩnh vực ngân hàng. Trước đó, các cổ đông lớn đã thoái vốn khỏi ngân hàng có Vietcombank và Vietinbank, lần lượt thoái hết 4,3% và 5,48% vốn tại Saigonbank để đáp ứng quy định của Thông tư 36.
Nguồn: Báo cáo bạch Saigonbank. |
Tình hình kinh doanh
Sau hơn 3 thập niên năm hoạt động, Saigonbank đã có nhiều năm tích lũy đầu tư vào các bất động sản toạ lạc ở nhiều vị trí vàng tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành dùng làm Hội sở, chi nhánh, phòng giao dịch. Đơn cử như khách sạn Riverside, tại số 18-19-20 mặt tiền đường Tôn Đức Thắng; Hội sở chính tại số 2C Phó Đức Chính; ngôi nhà ở số 40 Nguyễn Thái Bình…
Trong 5 năm gần đây, kết quả hoạt động kinh doanh của Saigonbank trồi sụt và có nhiều biến động. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2019, lợi nhuận sau thuế (LNST) của ngân hàng đạt lần lượt 43 tỷ, 139 tỷ, 54 tỷ, 41 tỷ và 144 tỷ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, ngân hàng thu về 100 tỷ đồng LNST, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ LNST, tổng tài sản của Saigonbank cũng trồi sụt trong những năm gần đây. Giai đoạn 2015-2017, tổng tài sản tăng trưởng đều đặn ở mức 7%/năm. Nhưng đến năm 2018, tổng tài sản giảm 4%, xuống còn 20.373 tỷ đồng, sau đó tăng 12% vào năm 2019. Tính đến 30/6/2020, tổng tài sản của Saigonbank ở mức 20.569 tỷ đồng, giảm gần 10% so với hồi đầu năm.
Báo cáo tài chính quý II/2020 của Saigonbank không có bản thuyết minh chi tiết nên chưa xác định được quy mô các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, theo bản cáo bạch, thời điểm 31/3/2020, ngân hàng có 378 tỷ đồng nợ xấu, tương đương tỷ lệ nợ xấu 2,64%. Ngoài ra, tính đến cuối năm 2019, Saigonbank còn nắm giữ 800 tỷ đồng trái phiếu do VAMC phát hành.
Tổng giám đốc Saigonbank Trần Thanh Giang nhận quyết định về việc đưa cổ phiếu SGB lên sàn UPCoM. Ảnh: Báo Đầu tư/Dũng Minh |
Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Saigonbank, ngân hàng dự kiến có doanh thu thuần là 1.858,2 tỷ đồng trong năm 2020, LNST đạt 104 tỷ đồng.
Đại diện ngân hàng cho biết, trong thời gian tới sẽ tận dụng tối đa lợi thế để tiếp cận, khai thác mạnh nguồn vốn giá rẻ thuộc thị phần tiềm năng của tổ chức DN Đảng bộ TP.HCM và các DN trực thuộc chính quyền thành phố, cũng như khai thác nguồn vốn huy động từ dân cư bằng hình thức truyền thống.