Cột cờ Lũng Cú |
Cột cờ Lũng Cú
Vùng Tây Bắc vào những ngày Tết khá lạnh. Để đến Lũng Cú (Hà Giang), chúng tôi phải vượt qua những đoạn đường thót tim. Một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, trước mặt là sương mù dày đặc chặn mất tầm nhìn. Ai cũng lo lắng nhưng đều tin vào kinh nghiệm của bác tài. Bù lại, những cung đường có sương mù lại rất đẹp với núi rừng trùng điệp mà không phải ai cũng có cơ hội thưởng lãm.
Từ xa, chúng tôi đã nhận ra cột cờ Lũng Cú. Lá cờ có diện tích 54 mét vuông (biểu tượng cho 54 dân tộc Việt Nam). Trên độ cao 1.470 mét so với mực nước biển, dưới bóng cờ Lũng Cú, say sưa ngắm nhìn một vùng biên ải với núi non hùng vĩ, chúng tôi càng tự hào Tổ quốc mình “non sông nghìn thuở vững âu vàng”.
Gà chín cựa |
Gà chín cựa
Điểm dừng chân đầu tiên gần đền Hùng (Phú Thọ), cũng là nơi ăn trưa của đoàn chúng tôi. Ai cũng muốn “lên núi” để xem gà chín cựa như giới thiệu của hướng dẫn viên Công ty TST tourist. Nói lên núi cho oai chứ thực ra là lên một ngọn đồi cao chưa quá 10 mét để tận mắt thấy những con gà chín cựa được nhốt trong lồng. Thực ra không phải con nào cũng chín cựa, nhưng lần đầu tiên tôi thấy những con gà có sáu bảy cái cựa - một loại gà có thịt rất ngon, chỉ có một vài nơi ở phía Bắc, nhất là khu vực gần đền Hùng.
Với cái nhìn của doanh nhân, tôi nghĩ đầu tư lập trang trại nuôi “gà chín cựa đền Hùng” là có cơ hội làm giàu, nhất là nuôi ở ngoại vi những thành phố lớn.
Thác Bản Giốc
Bản Giốc - thác nước biên giới lớn thứ tư thế giới |
Trước mặt chúng tôi là thác nước cao sừng sững đổ nước trắng xóa. Mọi người nao nao xuống thuyền, tiếp cận gần chân thác để lưu lại những bức ảnh thác đổ, lung linh hơi nước. Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới, trong những thác nước nằm trên đường biên giới giữa hai quốc gia (sau thác Iguazu giữa Brasil - Argentina, thác Victoria giữa Zambia - Zimbabwe, thác Niagara giữa Canada - Mỹ). Thác Bản Giốc do ngành du lịch Việt Nam và Trung Quốc cùng khai thác.
Theo số liệu của ngành du lịch Cao Bằng, năm 2019, khách đến Cao Bằng ước đạt 1,5 triệu lượt người. Trong các điểm đến của Cao Bằng thì thác Bản Giốc luôn là sự lựa chọn đầu tiên của du khách. Năm 2015 chỉ có 186.000 lượt du khách đến thác Bản Giốc, thì năm 2018 khu du lịch này đã đón trên 417.000 lượt người. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tại đây còn nhiều hạn chế, dịch vụ còn nghèo nàn, cần được đầu tư bài bản để xứng đáng là thác nước top 4 của thế giới.
Cao nguyên đá Đồng Văn và xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc |
Những ngày ở rẻo cao Tây Bắc tuy ngắn ngủi, chúng tôi được hưởng cái lạnh khắc nghiệt của Cao nguyên đá Đồng Văn - Công viên Địa chất Toàn cầu, được người H’Mông với trang phục rực rỡ trong những ngày Tết cổ truyền tiếp đón nhiệt tình.
Tây Bắc có nhiều đặc sản như thắng cố, thịt trâu hun khói, thịt lợn gác bếp, cháo ấu tẩu... xa lạ đối với dân Sài Gòn nhưng khá hấp dẫn đối với những người thích khám phá. Với tôi, hấp dẫn nhất là xôi ngũ sắc. Với màu trắng, vàng, tím, đỏ, xanh được làm từ một loại gạo nếp thơm, dẻo với mấy loại lá rừng, xôi ngũ sắc không những đẹp mắt, ngon miệng mà còn là biểu tượng về sự hòa hợp của các dân tộc, các vùng miền trên đất nước.
Đồng bào các dân tộc anh em ở Cao nguyên đá Đồng Văn phải đối diện với cái lạnh cắt da của mùa đông, cái nóng nung người của mùa hạ để mưu sinh nhưng tinh thần lạc quan thì có thừa. Họ đã “truyền lửa” cho chúng tôi trong những ngày “trốn Tết” trên rẻo cao nên chúng tôi không những xả được “xì trét” mà còn nạp đầy năng lượng để bước vào năm mới với bao hy vọng...
Thung lũng Mai Châu
Phong cảnh thung lũng Mai Châu nhìn từ trên cao |
Mai Châu nằm ở phía tây của tỉnh Hòa Bình cách Hà Nội khoảng 120km, giáp với Mộc Châu (Sơn La) và Quan Hóa (Thanh Hóa).
Đến Mai Châu ngày Xuân, chúng tôi được tham gia những phiên chợ Xuân, chợ Tết vô cùng náo nhiệt và ấm áp, cùng chung vui vào những lễ hội hoa, hái quả đặc sắc nơi Mai Châu hiền hòa. Trước khi đến đây, nhiều người đã “rỉ tai”, nhất định bạn đừng bỏ sót chân đèo Thung Khe hay các bản làng hoặc khám phá và chinh phục các hang động xa xưa như: hang Chiều, hang Mỏ Luông... Không khí thiên nhiên núi rừng trong lành, những thửa ruộng bậc thang thơm mùi lúa chín đã mang lại cho chúng tôi cảm giác ngày Xuân khoan khoái và tận hưởng không khí trong lành của đất trời bao la. Và càng thú vị hơn khi được cùng chung sống, sinh hoạt với những người dân bản địa để có thể hiểu thêm về phong tục, về những nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.
Kết thúc những ngày đến Mai Châu, ấn tượng không thể quên còn là văn hóa ẩm thực tinh tế của dân tộc Thái, là sự kết hợp giản dị nhưng hài hòa linh khí của đất trời, của núi sông, của rừng với các món đặc sản nổi tiếng như: Cơm lam Mai Châu, gà nướng, cá suối nướng, cá suối ướp chua, thịt lợn xiên nướng, xôi nếp Mai Châu, nhộng ong rừng rang măng chua, rươu Mai Hạ, thịt ướp chua, món rau xôi nộm tổng hợp, ve sầu chiên, nước lá phao,...