Ước nguyện thăm nước Lào mười năm về trước của tôi đã thành hiện thực trong những ngày Xuân Kỷ Hợi.
Tôi chọn đường bộ để có nhiều cơ hội tham quan nhiều tỉnh thành của đất nước Lào. Sáng sớm, tôi có mặt cửa khẩu Hoa Lư ở Bình Phước để làm thủ tục quá cảnh Stung Treng của Cambodia, trước khi đến Lào bằng cửa khẩu Nongnokkheane thuộc tỉnh Champasak.
Cũng chính vì đi bằng đường bộ nên chúng tôi có ngày ăn cơm ba nước, ăn sáng ở Bình Long (Bình Phước), ăn trưa tại Strung Treng (Cambodia), ăn tối ở Pakse - Champasak (Lào).
Chùa Phusa |
Lào là đất nước đa số theo Phật giáo, mọi người đều xem việc xây dựng tôn tạo chùa chiềng là trách nhiệm của mình nên đền, chùa ở khắp nơi.
Ngoài những ngôi chùa cổ kính, người dân Lào gìn giữ được những thắng cảnh tuyệt đẹp làm cho những du khách đến Lào từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác.
Đó là thác Khone Phapheng thuộc dòng sông Mekong thuộc tỉnh Champasak gần biên giới Cambodia. Thác khá lớn và có dòng chảy rất mạnh. Bảo tháp mạ vàng Pha That Luang, Chùa Si Muong - ngôi chùa linh thiêng nhất thủ đô Vientiane... là những di tích quan trọng, niềm tự hào của người dân đất nước Lào.
Thác Khone Phapheng – thác nước lớn nhất Đông Nam Á |
Du khách đến Lào đều viếng các chùa và được các nhà sư “làm phép” cột dây may mắn vào hai tay. Đó là những sợi dây lụa có nhiều màu sắc khác nhau tượng trưng cho những sắc cầu vòng đem lại may mắn, hạnh phúc cho những người đeo nó.
Du khách Việt Nam được nhà sư chùa Phusa Lào “làm phép” sắc màu may mắn. |
Nước Lào không có biển nhưng được thiên nhiên ưu đãi có đoạn sông Mekong chảy dài theo chiều dọc từ Bắc chí Nam. Nguồn nước ngọt và phù sa sông Mekong đã sản sinh ra một lượng lương thực, thực phẩm dồi dào nuôi sống 7 triệu dân.
Tuy nguồn lương thực - thực phẩm phong phú nhưng người Lào ăn uống khá giản dị, thức ăn chủ yếu là gạo nếp với khô động vật. Đó là khô cá basa, cá trèn...
Các loại khô được bày bán bên đường xuyên Á 11 (nối liền từ các tỉnh phía Nam của Lào đến Vientiane) |
Bên dòng sông Mekong |
Suốt đoạn đường gần 1.300 cây số chạy qua các tỉnh Champasak, Saravane, Savannakhet...tới Vientiane, chúng tôi phải vượt qua những cánh rừng khô, cỏ cháy nóng rát, nhiệt lên đến trên 40 độ nhưng những cây Champa (Việt Nam gọi là cây sứ) trụi lá đã bắt đầu “khai hoa nở nhuỵ”. Hoa champa sẽ nở rộ vào tháng Tư hằng năm đúng vào dịp Tết Bun Pimay.
Với cánh hoa có màu sắc giản dị, có mùi hương thoảng nhẹ, thân cây chịu được mùa nắng nóng và nở rộ vào dịp tết Bun Pimay, chính điều này hoa champa được xem là hoa tiêu biểu cho người dân Lào.
Muốn nhanh thì phải từ từ!
Từ lâu, con voi đã là biểu tượng của nước Lào, vì đất nước này có nhiều voi hơn các nước khác. Hơn nữa, hình ảnh con voi hiền lành bước đi chậm chạp, khoan thai như người dân Lào.
Đây là chú voi con bằng xi măng tại khách sạn Savantakhet |
Có sự trùng hợp là thủ đô của đất nước “Triệu Voi” là Vientiane, người Việt đã Việt Nam hoá thành “Vạn Tượng” (tương tự Malaysia thành Mã Lai, Thailand thành Thái Lan...). Thế nhưng có điều đáng tiếc là trong suốt 6 ngày ở Lào, tôi chưa được dịp gặp chú voi nào, theo số liệu thống kê hiện nay đất nước “Triệu Voi” chỉ còn khoảng 800 con.
Tuy vậy, Lào đã từng bước hội nhập thế giới. Về kinh tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam, đã xây dựng nhiều nhà máy tại Lào, đường sá được mở rộng thông thoáng, đường xuyên Á 11 (AH11) xe ô tô có thể chạy với vận tốc 100km/h.
Nhà cửa xây dựng tốt hơn, đời sống người dân ổn định hơn. Tiềm năng về kinh tế của Lào rất lớn.
Lào có phong cảnh đẹp, món ăn ngon, con người hiền hoà... có nhiều cơ hội để phát triển ngành du lịch.
Ước gì có một ngày nào đó được ngồi trên bờ sông Mekong ăn cơm nếp với khô cá trèn, nhâm nhi gỏi ba khía cùng với bia Lào. Tất nhiên phải được nhắm nhìn cô gái Champa dể thương với trang phục truyền thống Lào duyên dáng và được cài hoa Champa thuần khiết!...