![]() |
Trong hoạt động kinh doanh ngày nay, “chiến lược” là một trong những từ được sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, không phải nhà lãnh đạo nào cũng dễ dàng hiểu hết ý nghĩa của từ này và vạch ra được một chiến lược hiệu quả cho doanh nghiệp của mình.
![]() |
Michael Porter sẽ đến Việt Nam vào đầu tháng 12/2008 |
Trong một buổi nói chuyện với chủ đề “Tại sao những nhà lãnh đạo giỏi vẫn gặp sai lầm khi hoạch định chiến lược?”, Michael Porter - “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh - đã chỉ ra rằng, hầu hết những sai lầm về chiến lược đều bắt nguồn từ chính doanh nghiệp đó. Theo Michael Porter, những lỗi mà các nhà lãnh đạo thường gặp nhất là:
Cạnh tranh “thụt lùi”
Rất nhiều nhà lãnh đạo cho rằng, để chiếm lĩnh được vị trí hàng đầu thì công ty của họ phải vượt trội tất cả đối thủ về mọi mặt, từ tiếp thị, cung ứng cho tới phát triển sản phẩm. Thế là họ lao vào cuộc cạnh tranh “mặt đối mặt” với đối thủ của mình, cố gắng tìm cách “hạ gục” đối thủ bằng việc hạ giá hoặc cắt giảm chi phí. Nhưng rồi chính họ lại là người bị tổn thương và đẩy cả hai bên vào tình thế “cạnh tranh thụt lùi”.
Theo Michael Porter, đây là do các nhà lãnh đạo đã hiểu sai về các khái niệm “tốt nhất” trong cạnh tranh. Đó là một khái niệm rất khó xác định. Ví dụ, thật khó để trả lời câu hỏi: Loại xe hơi nào tốt nhất hiện nay? Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi này, tùy vào sở thích và túi tiền của khách hàng. Do đó, đỉnh cao của chiến lược cạnh tranh không phải là cố gắng trở nên tốt hơn đối thủ về mọi mặt, mà là xác lập được một lợi thế cạnh tranh độc đáo, một vị trí độc tôn trên thị trường.
Rơi vào “Tam giác Bermuda chiến lược”
Michael Porter dùng khái niệm này để chỉ những công ty bị cuốn vào áp lực phải gia tăng giá trị cổ phần. “Trong hàng thập kỷ, người ta đã đánh đồng khái niệm “hiệu quả hoạt động” với “giá trị cổ phần”. Thực ra, hiệu quả hoạt động đến trước, giá trị cổ phần chỉ là hệ quả đến sau”. Đôi khi, áp lực từ cổ đông khiến nhà lãnh đạo phải đưa ra những quyết định trái với các nguyên tắc kinh tế cơ bản.
Thực ra, một chiến lược tốt không nhất thiết phải là chiến lược làm cho giá cổ phiếu của công ty trên thị trường chứng khoán tăng vọt. Để thoát khỏi “tam giác Bermuda” này, các nhà lãnh đạo cần hiểu rõ mục tiêu thực sự của mình là gì hơn là cứ chạy theo những con số và sự hài lòng của cổ đông.
Không hiểu thị trường
Để minh họa cho sai lầm phổ biến này, Michael Porter dùng Sysco Corp. - nhà cung cấp thực phẩm hàng đầu Bắc Mỹ làm ví dụ. Nếu các nhà lãnh đạo Sysco cho rằng hoạt động của công ty mình chỉ đơn giản là phân phối thực phẩm, rất có thể họ sẽ vạch ra một chiến lược sai. Bởi thị trường của họ gồm hai đối tượng khách hàng rất khác nhau. Nhóm thứ nhất gồm các nhà hàng nhỏ và các công ty. Nhóm thứ hai là các chuỗi cửa hiệu thức ăn nhanh như McDonald. Không thể dùng chung một chiến lược cho cả hai nhóm đối tượng này được.
Lãnh đạo và chiến lược
Michael Porter đã khẳng định vai trò mạnh mẽ của nhà lãnh đạo trong hoạch định chiến lược. “Việc xác định chiến lược không phải là một quy trình đi từ dưới lên và đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả mọi người như một số quy trình khác. Thực tế cho thấy những công ty có chiến lược tốt đều được lãnh đạo bởi một CEO rất cương quyết, dám lựa chọn, dám ra quyết định”. Hoạch định chiến lược là một công việc đầy thách thức. Chỉ một nhà lãnh đạo cứng cỏi mới có thể kiên định trước những ý tưởng lôi kéo họ đi chệch khỏi chiến lược đã vạch ra ban đầu. “Nhà lãnh đạo đó còn phải thực sự tự tin, có khả năng thuyết phục người khác và kỹ năng giao tiếp tốt”.
Trong nhiều năm trước đây, chiến lược được xem là một bí mật mà chỉ ban giám đốc cấp cao mới được biết, bởi các công ty sợ rằng đối thủ sẽ nắm lấy thông tin đó để tấn công họ. Nhưng ngày nay, mọi thành viên của tổ chức đều cần được biết về chiến lược và biết cách áp dụng tinh thần của chiến lược trong mỗi công việc hàng ngày của mình. Sự minh bạch, rõ ràng thậm chí còn giúp doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả hơn. “Sẽ thật tuyệt vời nếu đối thủ của ta cũng hiểu về chiến lược. Bởi một khi hiểu ra, họ sẽ nỗ lực tìm một con đường khác thay vì cứ cố gắng đẩy cả hai vào một cuộc cạnh tranh “thụt lùi”.
Michael Porter được xem là “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh, là nhà tư tưởng chiến lược vĩ đại nhất của thế giới, và ông đứng đầu danh sách 50 “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới (theo bình chọn của “50 Thinkers” vào năm 2005). Ông sẽ đến Việt Nam theo lời mời của Học viện Giám đốc PACE vào ngày 1/12/2008 để chủ trì một hội thảo quốc tế về cạnh tranh toàn cầu. Dự kiến hội thảo sẽ quy tụ khoảng 1.000 người tham dự là các doanh nhân hàng đầu, những nhà hoạch định chính sách vĩ mô, những nhà lãnh đạo cấp tỉnh/thành, các học giả, các nhà nghiên cứu kinh tế... của Việt Nam và các nước trong khu vực. |