Làng khô cá lóc làm không đủ bán Tết

Trương Thanh Liêm| 23/01/2020 01:00

Tết đến rất gần. Không khí mua bán tại làng khô cá lóc Thới An Đông (Cần Thơ) lại càng tất bật hơn bao giờ hết.

Làng khô cá lóc làm không đủ bán Tết

Có thể nói rằng, làng khô cá lóc phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ hiện là làng nghề duy nhất làm khô cá lóc với hơn 40 hộ dân làm nghề quanh năm. Do làng nghề này nằm trên quốc lộ 91B nên khá thuận lợi cho việc mua bán. Tết năm nay, tiến độ kinh doanh đã gia tăng đột biến với nhiều nguyên nhân.

Ông Thái Quang Toản - một chủ cơ sở kinh doanh tại đây cho biết: “Tết này do giá thịt heo quá cao, đi kèm là thịt gà, vịt, bò cũng tăng theo nên rất nhiều người tiêu dùng quay sang chọn mua khô cá lóc về chuẩn bị cho các ngày Tết. Nếu như trước đây, mỗi ngày tôi bán khoảng 40kg/ngày, thì mấy ngày giáp Tết đã tăng lên 70-80 kg. Không chỉ có riêng tôi, mà hầu hết người dân làng nghề này đều bán rất “chạy” mặt hàng này”.

Khẩn trương chọn lựa để mua 5kg khô về làm quà cho người thân ở Rạch Giá, chị Nguyễn Hồng Thủy, ngụ tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Năm nào về quê ăn Tết, tôi cũng ghé đây mua khô cá lóc về tặng gia đình, người thân. Khô ở đây làm rất ngon, vị ngọt tự nhiên, không sử dụng phẩm màu và hóa chất nên người dùng rất yên tâm. Đặc biệt nhất là ở đây không có chuyện nói “thách” như nơi khác. Được thì mua, không thì thôi, khỏi phải ngã giá cho mất thời gian”.

Nhiều lao động tại đây kể rằng, làng nghề làm khô cá lóc này chỉ mới có từ khoảng 10 năm nay, ban đầu chỉ xấp xỉ 10 hộ, nay đã tăng đến 40 hộ sống ven quốc lộ. Nguồn nguyên liệu trước đây là cá lóc đồng tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay cá đồng quá khan hiếm nên người làm chuyển sang làm khô cá lóc nuôi trong ao, nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn: không sử dụng thuốc tăng trưởng; thức ăn kết hợp giữa đầu cá biển xay nhuyễn và thức ăn công nghiệp với tỷ lệ 50/50. Thị trường tiêu thụ lớn nhất là Cần Thơ, An Giang và các tỉnh ĐBSCL. Cạnh đó, vài năm trở lại đây, mặt hàng này còn “du lịch” sang các nước lân cận như Trung Quốc, Campuchia...

Thông thường, cá sau công đoạn sơ chế được tẩm thêm gia vị như tỏi, đường, muối, bột ngọt và được phơi trên các tầm vĩ bằng tre hay lá dừa. Nếu thời tiết nắng tốt thì sau 2 ngày có thể xuất bán, vào mùa mưa hay những ngày ít nắng, phải sau 4-6 ngày thì mới đạt tiêu chuẩn. Gần đây, để hạn chế khói bụi trên quốc lộ, nhiều người còn dùng bạt ni lông che bên trên để vẫn đảm bảo hấp thu nhiệt lượng của mặt trời vừa đảm bảo vệ sinh cho sản phẩm khô cá lóc. Bình quân cứ 10kg cá tươi sẽ làm được từ 3-3,2kg khô. Nhiều hộ đã trang bị máy đánh vảy cá để tiết kiệm sức lao động và tăng nhanh sản lượng. Bình quân mỗi ký khô cá lóc bán ra, người bán lãi từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Không những bán trực tiếp cho khách đi đường, người tiêu dùng cần mua với số lượng nhiều hoặc thương lái còn có thể đặt hàng qua điện thoại và sẽ được các cơ sở giao hàng tận nơi.

Bà Nguyễn Thị Thắm - tiểu thương chợ Long Xuyên cho biết: “So với khô cá lóc của một số địa phương thì khô cá Thới An Đông ngon hơn nhiều, lại đảm bảo an toàn cho người dùng, giá cả hợp lý. Cứ khoảng một tuần là tôi đặt từ 100-200kg, họ giao hàng tận nơi rất nhanh chóng. Tết này, tôi bán “chạy” gấp đôi năm trước. Giá năm nay tăng nhẹ khoảng 10%. Khô loại 1 bán ra khoảng 220.000 đồng/kg; loại 2 khoảng 180.000 đồng; loại 3 khoảng 140.000 đồng”.

Tết đến rất gần. Không khí mua bán tại làng khô cá lóc Thới An Đông lại càng tất bật hơn bao giờ hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làng khô cá lóc làm không đủ bán Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO