Lạm phát vẫn ám ảnh trong những năm tới

HẢI VÂN thực hiện| 18/12/2013 09:38

Quốc hội quyết định nâng trần bội chi, Chính phủ sẽ phát hành thêm trái phiếu 170 ngàn tỷ đồng trong 3 năm tới. Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nói: "Nếu xử lý không tốt trong năm 2014, lạm phát chắc chắn sẽ lại bùng lên trong năm 2015".

Lạm phát vẫn ám ảnh trong những năm tới

Quốc hội quyết định nâng trần bội chi, Chính phủ sẽ phát hành thêm trái phiếu 170 ngàn tỷ đồng trong 3 năm tới. Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nói: "Nếu xử lý không tốt trong năm 2014, lạm phát chắc chắn sẽ lại bùng lên trong năm 2015".

Đọc E-paper

* Nhìn lại diến biến lạm phát của năm 2013, ông nhận định như thế nào?

- Lạm phát năm 2013 có diễn biến giống hệt năm 2012 bởi các yếu tố tác động giống nhau, đồng thời mức độ biến động cũng thấp hơn. Như vậy, lạm phát của năm 2013 thấp hơn so với năm 2012 là hoàn toàn có thể dự tính được.

Trong điều hành, các nhà quản lý đã rút kinh nghiệm không ồ ạt tăng giá vào một thời điểm nên tác động ít hơn đến mặt bằng giá chung của cả nước. Đây là bài học cho chuyện sẽ điều chỉnh như thế nào và quản lý thị trường giá cả ra sao trong 2 năm 2014 và 2015.

* Vậy theo ông cần rút kinh nghiệm như thế nào?

- Cái được của năm 2012 - 2013 chủ yếu liên quan đến chính sách tiền tệ. Thị trường tiền tệ, ngoại tệ, tỷ giá, lãi suất được giữ ổn định. Tốc độ bơm tín dụng ra rất thấp, đều dưới 10%/năm, trong khi các năm trước đều ở mức 30 - 40%/năm. Yếu tố này quyết định cho việc giữ được lạm phát dưới 7% của năm 2012 và 2013, còn giá chỉ là yếu tố bổ sung.

Lạm phát là vấn đề của chính sách tiền tệ, yếu tố giá chỉ là một phần. Cho nên nếu nói đến giá cả, người ta chỉ quan tâm đến chuyện công khai minh bạch và tính thuyết phục của những lần tăng giá.

* Quốc hội quyết định nâng trần bội chi, tới đây, Chính phủ cũng sẽ phát hành thêm trái phiếu. Trong bối cảnh đó, ông dự báo thế nào về lạm phát năm 2014?

- Lạm phát năm 2014 sẽ tương tự như năm 2013, với các điều kiện như hiện nay sẽ không có đột biến. Nhưng nếu trong năm 2014, cả hai chính sách tài chính và tài khóa được nới lỏng sẽ gây hệ quả cho năm 2015.

Đáng ngại nhất là chính sách nới lỏng tiền tệ, phát hành trái phiếu chính phủ và nới lỏng chính sách tài khóa do liên quan đến đầu tư, để đẩy mạnh tăng trưởng. Đó có thể là những yếu tố liên quan đến lạm phát. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, cũng phải từ năm 2015 mới có tác động.

* Lạm phát năm 2014 có giảm thấp hơn 2013 không?

- Năm tới, tăng trưởng tín dụng đang được đặt mục tiêu là 14 - 15%, tiền được bơm ra để xử lý nợ xấu, rồi phát hành trái phiếu chính phủ, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, đẩy thâm hụt ngân sách lên. Như vậy tình hình làm sao giống năm 2013 được?

Trong trường hợp trái phiếu chính phủ được phát hành, cũng chưa tác động ngay tới lạm phát năm 2014 nhưng sẽ tác động đến lạm phát của năm 2015. Về nguyên tắc, lạm phát sẽ xảy ra khi bỏ ra 100 đồng mà chỉ tạo ra sản phẩm trị giá 50 đồng.

Như vậy, 50 đồng kia sẽ đòi hỏi một lượng hàng hóa dịch vụ khác tương ứng, có thể là trong nước, có thể là ngoài nước. Đầu tư tốt không bao giờ gây lạm phát. Vì thế, lạm phát sẽ không có vấn đề gì ngay cả khi năm 2014 đầu tư mạnh hơn, bởi vì lượng tiền đấy chưa rút ra khỏi vòng quay đầu tư để chi phí vào việc khác. Thế nhưng nó sẽ gây hệ quả cho năm 2015.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lạm phát vẫn ám ảnh trong những năm tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO