Tại sao có công ty từng rất lớn mạnh bỗng lao dốc không phanh, còn công ty khác vẫn phát triển bền vững bất chấp biến động kinh tế? Câu trả lời nằm ở bốn chữ: “Làm cái mình giỏi”.
>Bảo hộ mía đường, người dùng thiệt hại hàng ngàn tỷ |
Kỷ luật đầu tư của Masan và Thiên Long
Nói đến vai trò của kỷ luật đầu tư đối với sự tăng trưởng của một công ty, không thể không nhắc tới Masan Group. Nguyên tắc bất di bất dịch của Hội đồng quản trị công ty là không bao giờ đầu cơ, “lướt sóng” ngắn hạn.
Vào những thời điểm thị trường đất đai và chứng khoán lên cơn sốt, vô số doanh nghiệp chen chân tìm kiếm lợi nhuận, Masan vẫn kiên quyết lắc đầu với những dự án tuy hấp dẫn, song không phải ngành nghề cốt lõi của mình.
Theo phân tích của ông Trần Vinh Dự, Tổng Giám đốc TNK Capital, thế mạnh của Masan là sở hữu dòng tiền bền vững. Khái niệm “dòng tiền bền vững” của Masan được công ty này định nghĩa rõ ràng là “không tham gia hoạt động mua bán tài sản, chẳng hạn như mua quỹ đất hoặc tham gia đầu cơ ngắn hạn”.
Trong lúc các doanh nghiệp tư nhân như Mai Linh, Bianfishco lao đao vì sa lầy nợ xấu, đất đai, Masan kiên định theo đuổi chiến lược “không đầu tư tiền mặt nhàn rỗi để mua bán bất động sản”, dù họ có đủ tiềm lực tài chính.
Việc thành lập công ty thành viên mới của Masan Group là Masan Consumer Holdings (MCH – Tập đoàn Hàng tiêu dùng Masan) mới đây cũng thể hiện tính kỷ luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân có giá trị vốn hóa 3 tỉ USD này. Đó là chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi truyền thống: ngành hàng tiêu dùng, cụ thể là thực phẩm và đồ uống.
Ông Trần Vinh Dự, TNK Capital cho biết, trong bất cứ nền kinh tế nào, đây là điểm mấu chốt để tạo dựng nên các doanh nghiệp tạo ra dòng tiền tốt, không mua bán tài sản hay đầu cơ ngắn hạn.
Trong khi ấy, bản chất của nền kinh tế Việt Nam là dễ tổn thương trước những biến động của kinh tế vĩ mô, cho nên thị trường rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp có năng lực tạo ra dòng tiền ổn định như vậy.
Tiến sĩ Alan Phan, người rất am hiểu mô hình hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, từng kể một câu chuyện cũ nhưng đầy tính thời sự về nguyên tắc quản trị bền vững của Công ty Thiên Long.
Năm 1993, lần đầu ông đến Việt Nam và có cuộc gặp với ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long. Đây vốn là một cơ sở sản xuất bút bi được ông Thọ (sinh năm 1958) lập nên năm 1981, đến năm 1996 trở thành Công ty Thiên Long.
Việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán (2010) và đặc biệt là kỷ luật trong đầu tư được đặt lên hàng đầu trong lịch sử phát triển của công ty, đã biến Thiên Long trở thành nhà sản xuất văn phòng phẩm lớn nhất nước. Tính đến ngày 30/7/2013, vốn hóa thị trường của Thiên Long đạt 762 tỉ đồng, tăng 40% so với khi lên sàn năm 2010.
Trở lại câu chuyện của ông Alan Phan. Theo phân tích của nhà đầu tư lão luyện này, bí quyết tạo nên thành công cho Thiên Long chính là sự tập trung và chuyên sâu trong kinh doanh.
Suốt 32 năm qua, kể từ khi còn là cơ sở sản xuất nhỏ, Thiên Long chỉ tập trung sản xuất các loại bút và đồ văn phòng phẩm. Không thiếu cơ hội giàu lên nhanh chóng nếu nhảy sang địa ốc, chứng khoán, thủy điện, khoáng sản nhưng Cô Gia Thọ vẫn nhất mực chung thủy với ngành cốt lõi của công ty mình.
Doanh nghiệp sản xuất văn phòng phẩm này chưa từng lấn sân vào bất cứ dự án đầu tư nào ngoài ngành nghề cốt lõi của họ. Theo báo cáo thường niên năm 2012 của Thiên Long, sản phẩm chủ lực của công ty là bút viết (chiếm tới 54,59% trong tổng doanh thu thuần năm 2012).
Còn lại là sự đóng góp của các sản phẩm văn phòng phẩm khác gồm: dụng cụ văn phòng (27,27%), dụng cụ học sinh (9,41%), dụng cụ mỹ thuật (8,73%). Chỉ thế, nhưng công ty gia đình này có doanh thu trên 1.200 tỉ đồng và tỉ suất lợi nhuận trung bình 20%.
Ông Phan ví ông Thọ như “ngọn laser, dồn tất cả nguồn lực vào việc phát triển Thiên Long”. Khả năng sáng tạo cũng là một đặc điểm nổi bật ở Cô Gia Thọ. Ông chủ Thiên Long cũng tỏ ra biết mình biết người khi từng bước chinh phục thị trường nội địa một cách vững chắc, sau đó mới vươn dần ra ngoài biên giới Việt Nam với tỉ trọng xuất khẩu tăng dần.
Mai Linh tự sa vào ổ gà
Rất nhiều người ngạc nhiên khi biết tin “đại gia” vận tải và taxi Mai Linh có thời điểm mở rộng cơ cấu công ty lên đến… 72 ngành nghề kinh doanh, phủ kín 50 tỉnh, thành cả nước.
Theo công bố của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (MLG), 6 tháng đầu năm 2012, chi phí lãi vay của MLG trong 6 tháng đầu năm 2012 là hơn 272 tỉ đồng, gấp đôi chi phí quản lý doanh nghiệp, gấp 4 lần chi phí bán hàng và tương đương 67% lợi nhuận gộp.
Danh mục đầu tư của Mai Linh còn có hơn 23 tỉ đồng dành cho “cá nhân và tổ chức khác” nhưng không rõ đây là hoạt động đầu tư nào, có phải ngành cốt lõi là vận tải hay không?
Vào cuối tháng 6/2013, tại Đại hội cổ đông của Mai Linh, con số lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2012 được công bố là 1,86 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi hợp nhất toàn hệ thống Mai Linh thì lại lỗ đến 33 tỉ đồng!
Chỉ trong vòng 5 năm từ 2007-2012, Mai Linh lỗ tới 380 tỷ đồng. Tính cả năm ngoái, doanh nghiệp này phải gánh khoản nợ khủng khiếp 1.000 tỉ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế (trước hợp nhất) chỉ đạt 1,86 tỉ đồng.
Mặc dù đã giảm được 150 tỉ đồng nợ vào năm 2012, nhưng khoản nợ 850 tỉ đồng vẫn là gánh nặng cực lớn đối với Mai Linh. Theo thông tin từ Mai Linh, hiện nay công ty này đang triển khai chiến lược kinh doanh mới mang tên “Một Mai Linh”, trong nỗ lực cơ cấu lại bộ máy.
Nói cách khác, đó là giải pháp tích hợp toàn bộ hệ thống Mai Linh xoay xung quanh trục dọc một văn phòng, một bộ máy điều hành, một nguồn tài chính chung và một người quản lý. Nói cách khác, “Một Mai Linh” là quay trở về cốt lõi của công ty, cụ thể là lĩnh vực taxi.
Tập đoàn này sẽ thực hiện thoái vốn và bán bớt tài sản trong những lĩnh vực trái ngành như: thương mại, xây dựng, bất động sản, giáo dục… Ngay cả vận tải đường dài là Mai Linh Express cũng không loại trừ.
Một nguồn tin riêng trong giới kinh doanh địa ốc nói với Doanh Nhân, trước đây Mai Linh đã từng góp vốn với Công ty cổ phần Địa ốc MB (MBLand) để phát triển một dự án căn hộ cao cấp có tên Golden Palace tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội.
Vào thời điểm cách nay hơn 2 năm, khi công trình còn chưa được khởi công, trên thị trường đã xuất hiện những lời mời chào mua căn hộ tại dự án này với mức giá lên tới hơn 2.000 USD/m2. Tuy nhiên sau đó, những khó khăn nội tại của Mai Linh đã khiến Công ty này phải thoái vốn khỏi dự án Golden Palace.
Làm cái mình giỏi sẽ thắng!
Có một hiện tượng lý thú trong ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam, đó là sự thắng thế của các doanh nghiệp nội địa. Theo một bản báo cáo về các ngành hành tiêu dùng mới, do Công ty Bain & Company ấn hành, cú hích từ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam dẫn đến mức chi tiêu bán lẻ được dự báo sẽ gia tăng trong tất cả các loại hình bán lẻ, đặc biệt là tạp hóa hiện đại, các loại hàng hóa cá nhân và mang tính giải trí.
Tại Việt Nam, “các nhà vô địch bán lẻ bản địa” vốn đã thống trị trong các mô hình như tạp hóa hiện đại, đồ trang sức và đồ điện tử. Một nghiên cứu của Euromonitor chỉ ra rằng, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam là nguyên nhân dẫn tới gia tăng chi tiêu trong ngành bán lẻ.
Theo dự tính của Euromonitor, quy mô toàn thị trường bán lẻ Việt Nam có thể sẽ đạt xấp xỉ 34 tỷ USD vào năm 2016. Trong khi tổng quy mô thị trường bán lẻ thực vào năm 2011 của Việt Nam là 29 tỷ USD.
Các chuyên gia Euromonitor cũng nhận định rằng, các lĩnh vực bán lẻ hàng đầu Việt Nam vào năm 2016 sẽ bao gồm hàng may mặc, điện tử, tạp hóa hiện đại, y tế và làm đẹp, hàng hóa cá nhân và giải trí… Xu hướng bán lẻ thông qua các kênh hiện đại cũng sẽ diễn ra mạnh hơn và dần dần thay thế hình thức tạp hóa truyền thống, vốn tồn tại lâu đời ở Việt Nam gắn với tập quán sinh hoạt, tiêu dùng của người dân.
Riêng trong năm 2011, phân ngành tạp hóa truyền thống ở Việt Nam đạt quy mô 11 tỷ USD toàn thị trường, dự báo đến năm 2016, quy mô này sẽ giảm xuống còn 10,7 tỷ USD (giảm 1%). Ngược lại, nếu như năm 2011 mô hình tạp hóa hiện đại mới đạt quy mô toàn thị trường 1,6 tỷ USD, thì đến năm 2016 dự tính sẽ tăng lên 2,8 tỷ USD (tăng 12%).
Từ các phân tích của Bain, có thể lý giải phần nào nguyên nhân tại sao những doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn nhất của Việt Nam như: Masan, Vinamilk, Trung Nguyên, Tân Hiệp Phát… lại có thể giành phần thắng trước những ông lớn đa quốc gia, vốn rất mạnh về vốn liếng và hệ thống phân phối. Tuy nhiên, nhìn sâu xa hơn, có lẽ yếu tố then chốt tạo nên những Vinamilk, Masan, Tân Hiệp Phát chính là các doanh nghiệp này chỉ làm cái họ giỏi.
Rất rõ để liệt kê các sản phẩm cốt lõi của Vinamilk, bao gồm các sản phẩm đa dạng về sữa, sữa chua, sữa đậu nành. Thực ra, trước kia Vinamilk cũng “mon men” sản xuất bia Zorok và cà phê Moment, tuy nhiên thất bại từ các lĩnh vực trái ngành này đã khiến nhà sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam nhanh chóng rút lui khỏi các trận địa trên.
Tháng 3/2009, Vinamilk buộc phải chạy khỏi liên doanh sản xuất bia với SabMiller bởi không thành công. Tương tự, do gặp khó với dự án tham vọng Cà phê Moment, Vinamilk đã quyết định từ lúc đó chỉ tập trung làm cái họ giỏi là sữa. Ngày nay ai cũng biết giá trị vốn hóa đạt 3 tỉ USD và tổng doanh thu 27.000 tỉ đồng (2012) của công ty này.
Tương tự, Tân Hiệp Phát vươn lên nhanh chóng như một công ty tư nhân hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất nước giải khát. Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên từ trước đến nay cũng chỉ đầu tư duy nhất một ngành là cà phê. Các công ty này chỉ dồn lực làm cái họ giỏi, nên kết quả là họ giỏi cái họ làm!
Mô hình đầu tư cốt lõi, tăng trưởng bền vững và những giá trị thặng dư mà các công ty của Việt Nam như Thiên Long, Vinamilk, Masan, Tân Hiệp Phát, Trung Nguyên… đang tạo ra cho nền kinh tế rất cần được Chính phủ tạo điều kiện phát triển nhiều hơn nữa. Những doanh nghiệp đã, đang và có thể sẽ sa đà vào đầu tư ngoài ngành cốt lõi trước hết cần học thuộc những bài học thành công lẫn thất bại trên thương trường từ người đi trước.
Những yếu tố then chốt tạo nên thành công cho doanh nghiệp nội địa 1. Quy mô bản địa, được hiểu là quy mô hoạt động lớn nhưng cân bằng tại thị trường nội địa, quan trọng hơn quy mô quốc gia/toàn cầu; mang lại sự thuận tiện về giá trị cho khách hàng – chất lượng của địa điểm đóng vai trò then chốt; lợi thế lớn về tiềm năng của người đi trước mà doanh nghiệp nội có được. 2. Khả năng dẫn dắt về giá cả: Giá là yếu tố mang tính nhạy cảm đối với người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi như Việt Nam; Doanh nghiệp nội dùng chiến lược hàng hóa “đủ tốt” với các mức giá cạnh tranh; Khả năng quản lý chi phí của doanh nghiệp nội tốt và là yếu tố quan trọng để họ dẫn dắt giá. 3. Yếu tố địa phương hóa: Sự ưa thích của khách hàng khi mua sắm là tính “địa phương” (am hiểu văn hóa bản địa); dải sản phẩm đa dạng, phù hợp với sự yêu thích địa phương của khách hàng… |