Doanh nhân xưa

Kỹ sư Lưu Văn Lang: Sáng lập viên Công ty Tín dụng An Nam

Thanh An (tổng hợp) 09/06/2024 7:00

Nổi tiếng với biệt danh “Bác vật Lang”, kỹ sư Lưu Văn Lang không chỉ được biết đến là một thành viên sáng lập Việt Nam Ngân hàng - ngân hàng tư nhân đầu tiên của người Việt tại Nam kỳ, mà ông còn có công lớn trong phát triển khoa học - kỹ thuật nửa đầu thế kỷ XX, đặc biệt là lĩnh vực cầu đường.

Kỳ 2: Thành viên sáng lập Việt Nam Ngân hàng

Việt Nam Ngân hàng còn có tên gọi khác là Công ty Tín dụng An Nam (Societe Annamite de Credit) được Lưu Văn Lang và một số doanh nhân, điền chủ và trí thức, nhà báo thành lập vào ngày 8/11/1926 trong cuộc họp của Hội Kỹ nghệ gia và Doanh nhân An Nam (Association des Industriels et Commercants Annamite) tại trụ sở của Hội ở số 76 rue La Grandiere (nay là đường Lý Tự Trọng, TP.HCM).

thumbnail-674-tr32.jpg
Quảng cáo của Việt Nam Ngân hàng - Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn

Các thành viên sáng lập đã đưa ra điều lệ sau một vài sửa đổi chi tiết. Trong đó, số vốn đầu tiên là 250.000 đồng từ 10.000 cổ phần, mỗi cổ phần 25 đồng. Bắt đầu từ ngày 1/3/1927, Tín dụng An Nam đã kêu gọi công chúng hùn vốn mua cổ phần qua tài khoản ở Ngân hàng Đông Dương, các chi nhánh Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng và Phnôm Pênh, coi đây là công ty thuộc người dân Việt Nam với tôn chỉ “Làm vẻ vang cho xứ sở mình”. Nhà in Imprimerie de l’Union của ông Nguyễn Văn Của chịu trách nhiệm nhận tiền mua cổ phần rồi sau đó cho vào tài khoản của người mua ở Ngân hàng Đông Dương.

Ngày 24/8/1927, tại đại hội lần thứ hai, Tín dụng An Nam chính thức hoạt động tại trụ sở 54 Pellerin Sài Gòn (nay là đường Pasteur). Đến ngày 30/6/1928, sau 10 tháng hoạt động Công ty đã lời 18.192 đồng. Tiền ký gửi của khách hàng được lãi 4% và tiền tiết kiệm lãi 5% mỗi năm. Chính vì thế, Tín dụng An Nam đã trở thành ngân hàng đầu tiên của người Việt. Điều hành hội đồng, cố vấn Công ty chủ yếu là ba ông Huỳnh Đình Khiêm (Chủ tịch danh dự), Trần Trinh Trạch (Chủ tịch hội đồng), Nguyễn Văn Của (Phó chủ tịch). Ngoài ra còn sự tham gia của nhiều điền chủ, trí thức của Nam kỳ.

Những năm 1930, Tín dụng An Nam hoạt động thành công và phát triển tốt đẹp. Có lúc Công ty quảng cáo dưới tên gọi là Việt Nam Ngân hàng. Đầu năm 1939, công ty mua lại tòa nhà ở góc đường Charner và Ohier của công ty Pháp Societe Marseillaise d’Outre-Mer với số tiền 120.000 đồng, trong đó 78.000 đồng là mua đất và nhà, 41.500 đồng là dùng để tu bổ và trang bị lại tòa nhà. Công ty sau đó dời trụ sở từ số 54 đường Pellerin đến trụ sở mới số 117 đường Charner. Chỉ trong vòng chưa đầy 12 năm, từ số vốn thành lập ban đầu vào năm 1927 là 250.000 đồng, Tín dụng An Nam đã tăng trưởng hơn 5 lần, có hơn 1 triệu đồng trong tài khoản khách hàng.

Trong thời gian khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, Việt Nam Ngân hàng đã có nhiều biện pháp thắt chặt quản lý để ứng phó với thời điểm khó khăn, như đóng cửa chi nhánh ở Vĩnh Long năm 1931 và đình lại đề án thành lập Công ty Việt Nam Bất động sản trong năm 1932 khi đã kêu gọi được một lượng vốn nhất định. Điều này dẫn đến lợi nhuận của Công ty trong thời kỳ khủng hoảng bắt đầu đi xuống. Tuy nhiên trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải phá sản, thua lỗ nhưng việc kinh doanh của Việt Nam Ngân hàng vẫn thu về lợi nhuận, đã cho thấy sức sống của tổ chức này cũng như khả năng lèo lái vượt qua khủng hoảng của ban quản trị Việt Nam Ngân hàng.

Kể từ năm 1942, Việt Nam Ngân hàng trải qua sự thay đổi rất lớn sau khi ông Trần Trinh Trạch qua đời. Lúc này quân phát xít Nhật đã vào Đông Dương. Sau năm 1943, hoạt động của Việt Nam Ngân hàng đã không còn thuận lợi như trước. Vào thời điểm đó, Lưu Văn Lang cùng Hội đồng quản trị của Công ty gồm các ông Nguyễn Tấn Văn, Thái Văn Lan, Hà Quang Biên đã cố gắng đưa Việt Nam Ngân hàng vượt qua thời điểm khó khăn. Do đó, Việt Nam Ngân hàng vẫn tiếp tục hoạt động ở Nam kỳ sau khi chế độ thuộc địa kết thúc vào năm 1945.

Về Bác vật Lang, năm 1940, ông xin nghỉ hưu và tích cực tham gia vào phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ tại Sài Gòn và các tỉnh. Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9/3/1945, ông được vua Bảo Đại mời ra tham gia nội các Trần Trọng Kim để giữ chức Bộ trưởng Bộ Công chánh, nhưng ông đã từ chối để thể hiện sự bất hợp tác với chính quyền mà ông cho chỉ là một công cụ của người Nhật.

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, Việt Minh giành chính quyền, ông thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình với Chính phủ Hồ Chí Minh. Khi người Pháp tái chiếm Nam bộ, họ đã mời ông tham gia Hội đồng Tư vấn Nam kỳ của Chính phủ Nam Kỳ quốc do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng, Lưu Văn Lang đã trả lời thẳng thắn: “Je suis trop vieux pour servir de valet!”(Tôi đã quá già để làm đầy tớ).

Đến khi thực dân Pháp tái chiếm Sài Gòn, Lưu Văn Lang luôn thể hiện sự phản đối đối với chính quyền được cho là “bù nhìn” và công cụ của người Pháp nhằm chia rẽ người Việt. Tháng 5/1947, Bác vật Lang cùng với bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng và giáo sư Đặng Minh Trứ vận động gần 400 trí thức ở Sài Gòn ký tên vào bản kiến nghị đòi chính phủ Pháp đàm phán với chính phủ kháng chiến để chấm dứt chiến tranh.

Năm 1948, Lưu Văn Lang chấp nhận lời đề nghị của chính phủ kháng chiến làm cố vấn Hội trưởng Hội Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn vừa được thành lập. Tháng 6/1949, một lần nữa ông cùng hàng trăm tri thức Sài Gòn ký tên vào bảng tuyên ngôn đòi thực dân Pháp phải thương thuyết với Chính phủ Hồ Chí Minh để chấm dứt chiến tranh. Vào ngày 12/1/1950, ông là một trong những người dẫn đầu đoàn biểu tình trong đám tang Trần Văn Ơn - một học sinh trường Pétrus Ký bị chính quyền Pháp bắn chết trong phong trào biểu tình đòi tự do của học sinh, sinh viên Sài Gòn.

Sau Hiệp định Genève, Lưu Văn Lang tham gia sáng lập Phong trào Hòa bình đòi thì hành Hiệp định, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, được bầu làm chủ tịch danh dự. Tháng 11/1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt giam ông cùng một số trí thức lãnh đạo phong trào, nhưng rồi phải thả ông ra vì uy tín quá lớn của ông.

Tháng 7/1955, một lần nữa Lưu Văn Lang cùng với Phong trào Hòa bình kêu gọi thi hành tổng tuyển cử. Mặc dù phong trào bị đàn áp khốc liệt nhưng Lưu Văn Lang không bị bắt giam mà chỉ bị chính quyền Ngô Đình Diệm quản thúc chặt chẽ cho đến tận năm 1958. Thời gian sau đó cho đến cuối đời, không trực tiếp tham gia các hoạt động chính trị nữa, nhưng Lưu Văn Lang vẫn liên hệ bí mật với Ban Trí vận Trung ương Cục Miền Nam và phổ biến các văn kiện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ngay giữa Sài Gòn.

Bác vật Lang qua đời tại Sài Gòn ngày 3/6/1969, hưởng thọ 89 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỹ sư Lưu Văn Lang: Sáng lập viên Công ty Tín dụng An Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO