Quản trị nhân sự: Khi máy dần thay thế con người…

TRƯƠNG TRÍ DŨNG - Giám đốc R&D, Công ty L&A/DNSGCT| 12/05/2015 06:52

Cần bao nhiêu MBA để quản lý một nhà máy toàn robot?

Quản trị nhân sự: Khi máy dần thay thế con người…

Edward D. Hess, một tác giả tại Mỹ có hơn mười đầu sách về chủ đề học hỏi trong môi trường doanh nghiệp, mới đây có một bài báo trên tạp chí SHRM, bắt đầu từ câu hỏi của một sinh viên: “Cần bao nhiêu MBA để quản lý một nhà máy toàn robot?”. Với Hess, câu hỏi này không tầm thường, mà có tính dự báo rất cao.

Đọc E-paper

Cụ thể, với những tiến bộ cực nhanh của công nghệ, rồi đây nguồn nhân lực trong doanh nghiệp sẽ thay đổi ra sao? Nhiều doanh nghiệp hiện cũng đã có một môi trường hỗn hợp giữa con người cùng làm việc với robot rồi.

Ông dẫn nghiên cứu năm 2013 của Carl Frey và Michael Osborne từ Đại học Oxford về 702 loại công việc tại Mỹ, có gặp rủi ro tiềm ẩn là công nghệ sẽ thay thế con người trong từ 10 đến 20 năm nữa. Kết quả có 47% nhân viên làm các công việc đó sẽ gặp rủi ro cao và 19% sẽ gặp rủi ro ở mức trung bình. Với những con số ấy, Hess nêu ra những ý tưởng mới cần quan tâm:

Đâu là sứ mệnh mới của nhân sự?

Khi mà “nguồn nhân lực” ngày một “teo” dần như dự báo trên thì sứ mệnh mới của người làm nhân sự sẽ là gì? Theo Hess, đã đến lúc cần phải biết một cách bản chất về những loại công việc mà chỉ có con người mới làm được còn máy móc thì bó tay.

Những công việc đó đòi hỏi sự nhận thức, thích ứng nhanh, tư duy sáng tạo, đổi mới, giải quyết vấn đề phức tạp, phán đoán mang tính luân lý cao và trong công việc đòi hỏi cần có chỉ số cảm xúc và xã hội cao. Những đòi hỏi mới này không phải có được một cách dễ dàng theo con đường lĩnh hội kỹ năng công việc như trước đây, mà cần cách làm mới.

Có hai thách thức sẽ gặp, về phát triển con người và về môi trường làm việc.

Thách thức về phát triển con người

Hess cho là kết quả nghiên cứu trong 25 năm gần đây của khoa học về thần kinh, tâm lý học, kinh tế học hành vi và giáo dục đã phác thảo ra chân dung người nhân viên mới cần có nói trên. Phát triển được mẫu nhân viên như vậy là khó.

Qua lời Daniel Kahneman, giải Nobel kinh tế 2002 là: “Tính lười biếng đã là thâm căn cố đế trong chúng ta mất rồi”. Làm chúng ta bị mù trước những ý tưởng thách thức và suy nghĩ thì bị giới hạn theo hướng là luôn muốn hợp lý hóa thông tin nhận được có mâu thuẫn với niềm tin và thiên kiến của chúng ta.

Ông cũng nêu thêm rằng cảm xúc của chúng ta là một trở lực khác. Theo góc độ cảm xúc, chúng ta luôn tìm cách từ chối, tự bảo vệ và né tránh những thách thức đang xuất hiện.

Nỗi lo sợ là một cảm xúc hầu như ai cũng có khi phải suy nghĩ đột phá và đổi mới, kể cả lo sợ thất bại, sợ dáng vẻ thảm hại của mình và sợ mất việc. Hess gút lại rằng sứ mệnh mới của nhân sự là giúp con người khắc phục được những gì “người” nhất đang thể hiện ở dạng nêu trên.

Những biện pháp đào tạo, cố vấn, huấn luyện cá nhân và góp ý phản hồi được doanh nghiệp chú ý áp dụng, tất nhiên là tốn thời gian, khó làm, nhưng được tin là bài thuốc hiệu nghiệm.

Thách thức từ môi trường làm việc

Học hỏi cách suy nghĩ đột phá và sáng tạo, có tinh thần hợp tác, cảm thông, biết góp ý và nhận phản hồi, có được sự bình an thay vì phản ứng quyết liệt, đòi hỏi phải tổ chức môi trường làm việc đặc biệt hơn.

Sao cho có kết nối văn hóa, cấu trúc tổ chức, quy trình, lãnh đạo, kết quả công việc và tưởng thưởng nhằm khuyến khích hành vi và nếp nghĩ mới từ mọi người. Đó cũng là một sứ mệnh mới của nhân sự.

Ví dụ, những sai lầm trong công việc trước đây vẫn chỉ xem là nhược điểm, nay còn được xem là cơ hội học hỏi, qua đó con người sẽ sáng suốt hơn khi biết mình thiếu hiểu biết điều gì và bổ sung ngay những điều còn thiếu ấy.

Đáp lại sứ mệnh mới

Đã xuất hiện những nơi thành công với sứ mệnh mới này. Nhân viên, kể cả quản lý cấp cao, tham gia vào việc thường xuyên mổ xẻ vấn đề triệt để hơn, đẩy suy nghĩ đến mức độ nhìn nhận được vấn đề khách quan nhất, mà không để cảm xúc can thiệp vào.

Nghĩa là ở một số công việc, do công nghệ ngày càng tiến bộ, máy móc sẽ làm thay con người, nhưng con người sẽ thay đổi, phát triển mình để phù hợp với những công việc mà máy móc bó tay.

Vấn đề mới là ở từng doanh nghiệp cụ thể, làn ranh của những loại công việc này ra sao và ai sẽ là người xác định chúng. Đây là việc sống còn mang tính chiến lược của doanh nghiệp và sứ mệnh mới của nhân sự hé ra dần…

>Robot: Nguồn nhân sự chủ chốt trong tương lai Nhật Bản
>Người Anh có nguy cơ mất việc vì robots

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản trị nhân sự: Khi máy dần thay thế con người…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO