Đi tìm triết lý thành công riêng

LAWRENCE CHONG - Giám đốc Điều hành Consulus| 17/05/2013 04:44

Thay vì vội vàng áp dụng những phương pháp có vẻ hấp dẫn, như Chiến lược đại dương xanh hay 6Sigma, các doanh nghiệp (DN) cần nghiên cứu sâu vào nội bộ tổ chức và từ đó phát triển cách thức vận hành của riêng DN mình.

Đi tìm triết lý thành công riêng

Thay vì vội vàng áp dụng những phương pháp có vẻ hấp dẫn, như Chiến lược đại dương xanh hay 6Sigma, các doanh nghiệp (DN) cần nghiên cứu sâu vào nội bộ tổ chức và từ đó phát triển cách thức vận hành của riêng DN mình.

Đọc E-paper

Các phương pháp như Chiến lược đại dương xanh và 6 Sigma vẫn được xem là "bí quyết" được nhiều CEO châu Á áp dụng vào vận hành DN nhằm trở thành những nhà vô địch. Thậm chí, một số còn cố gắng áp dụng hết phương pháp này đến phương pháp khác.

Giống như xây dựng một ngôi nhà mà không có bản thiết kế tổng thể, các chiến lược trên chỉ đem đến một mớ bòng bong những ý tưởng kém khả thi.

Thay vì vội vàng áp dụng ngay những phương pháp có vẻ hấp dẫn này, các DN cần nghiên cứu sâu vào nội bộ tổ chức và phát triển cách thức vận hành của riêng DN mình, đồng thời hãy cân nhắc một số yếu tố trước khi áp dụng, như: phong cách lãnh đạo, bản chất công việc dựa trên hiệu suất hay sự sáng tạo, cách thức quản trị nhân tài, mức độ năng động của tổ chức, chất lượng tài năng trong tổ chức, lộ trình phát triển của tổ chức.

Chỉ khi hiểu rõ hệ điều hành đặc trưng của DN, bạn mới có thể tìm kiếm triết lý thành công cho DN mình. Các bí quyết dưới đây có thể giúp bạn:

1. Phát hiện những nhân viên chủ chốt dựa trên hiệu quả công việc. Hãy tổ chức công ty của bạn dựa trên sự tìm hiểu sâu sắc cách thức từng nhân viên tiếp cận công việc. Phương pháp này giống như việc những huấn luyện viên dành thời gian quan sát các cầu thủ trước khi quyết định thế trận của đội bóng. Chúng tôi đã phát hiện ra những đặc điểm của từng cấp độ nhân viên trong một tổ chức như sau:

* Hậu vệ, là những người chú tâm tới các chi tiết và làm việc hiệu quả nhất khi được cung cấp chỉ dẫn cụ thể. Họ không quan tâm tới vai trò hỗ trợ và luôn tránh việc mạo hiểm. Họ có thể là những nhân viên hành chính hoặc liên quan đến kiểm định chất lượng. Bạn sẽ cần họ trong các phòng ban để đảm bảo mọi việc luôn hoàn thành.

* Tiền vệ, là những người giỏi tổ chức công việc, nhạy cảm và hiểu sự năng động của tổ chức. Họ có thể giúp những người khác hiểu rõ bản chất các quy trình làm việc và có những lời khuyên tốt cho những ai làm việc với họ. Bạn sẽ cần họ như những giám đốc, người lên kế hoạch, điều phối, có thể giúp tăng quy mô tổ chức.

* Tiền đạo, là những người không ngừng cố gắng trong những dự án có tính thách thức. Họ hiểu rõ bản chất công việc nhưng luôn mong muốn tìm ra những cách thức ngắn nhất và hiệu quả nhất. Bạn cần họ để sẵn sàng mạo hiểm, vượt qua những ranh giới và tạo ra sự tăng trưởng. Những nhân viên này sẽ tốt cho sự phát triển mới, nhưng bạn cần biết cách để quản lý tính khí của họ một cách tốt nhất.

* Huấn luyện viên, đây là những người dự phòng cho đội nhóm quản lý. Họ nhìn thấy cả bức tranh lớn và hiểu về luật chơi của thị trường. Họ có thẩm quyền để đưa ra những quyết định mạo hiểm dựa trên những gì quan sát.

Nếu như dành nhiều thời gian hơn để đào tạo nhân viên, họ sẽ tối đa hóa được ảnh hưởng của mình đối với việc hình thành một tổ chức thành công. Không có những tổ chức giống nhau, và khi cơ cấu tổ chức dựa trên một sự hợp nhất riêng biệt, bạn sẽ có được cách thức tạo ra giá trị hoàn toàn khác.

2. Tìm kiếm một lý do đấu tranh. Bước tiếp theo trong phát triển triết lý thành công cho một DN là xác định mục đích rõ ràng. Trong khi nhận dạng một mục đích bền vững của tổ chức, bạn cần làm những điều sau:

* Định nghĩa một tuyên ngôn mục đích thực sự phù hợp. Một tuyên ngôn mục đích là một triết lý có ý nghĩa dẫn dắt mỗi thành viên trong DN tạo ra giá trị kinh doanh mỗi ngày.

* Đảm bảo tuyên ngôn mục đích đó sẽ trường tồn. Đừng giới hạn tuyên ngôn mục đích trong một giai đoạn hay một mốc thời gian. Tuyên ngôn đó nên đóng vai trò như một la bàn cố định dẫn đường cho tất cả những nguồn lực của bạn nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của thị trường.

* Thường xuyên đánh giá, rà soát. Bạn cần phát triển một cơ chế nội bộ để nhận dạng và nhấn mạnh những biểu hiện tốt có thể phản ánh tuyên ngôn đã được xác định. Hãy tạo cơ chế khen thưởng cho những người có thể nhận dạng mục đích của DN và tạo ra giá trị từ việc nhận dạng mục đích đó.

3. "Luôn luôn khát khao, luôn luôn khờ dại". Không có một triết lý nào là phù hợp mãi mãi. Chúng ta cần phải không ngừng quan sát, học hỏi từ những hoạt động của chính DN mình và không ngừng luyện tập để trở nên tốt hơn.

Những người lãnh đạo cấp cao trong một DN phải là người có đủ khôn ngoan và dũng cảm để đưa ra những quyết định thay đổi, cắt bỏ và đánh dấu lại khi mọi thứ không như dự kiến.

Việc giữ sự cân bằng vững chắc giữa học tập và áp dụng chính là triết lý phù hợp nhất cho các DN để xây dựng các thương hiệu châu Á có thể hình thành trật tự thế giới mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đi tìm triết lý thành công riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO