Cảnh báo khủng hoảng nhân lực nếu cơ cấu kinh tế không đổi

23/09/2011 08:34

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhu cầu cấp bách” tại TP.HCM vào ngày 22/9 cho rằng muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì thành phố không phải chỉ mở ra nhiều trường đại học, cao đẳng mà nên tập trung vào việc thay đổi cơ cấu kinh tế.

Cảnh báo khủng hoảng nhân lực nếu cơ cấu kinh tế không đổi

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhu cầu cấp bách” tại TP.HCM vào ngày 22/9 cho rằng muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì thành phố không phải chỉ mở ra nhiều trường đại học, cao đẳng mà nên tập trung vào việc thay đổi cơ cấu kinh tế.

Ông Trần Đình Thiên (phía ngoài bên phải), đang có ý kiến trong hội thảo ngày 22/9. Ảnh: Thanh Thương

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên, TP.HCM là địa phương đi đầu trong phát triển mọi mặt, nhưng với cơ cấu kinh tế còn chú trọng đến các ngành thâm dụng lao động như may mặc, giày da…thì chắc chắn, lao động được đào tạo từ cao đẳng, đại học sẽ không có chỗ tiếp nhận, trong khi lao động phổ thông tìm đỏ mắt cũng không có.

Một khi cơ cấu kinh tế thay đổi, thì đòi hỏi về chất lượng nguồn nhân lực cũng sẽ phải thay đổi, tạo động lực cho việc đào tạo, cung ứng sao cho phù hợp.

Theo tiến sĩ Lê Thanh Mai, Đại học Quốc gia TP.HCM, nếu căn cứ quy mô đào tạo của các trường đại học và dự báo cân đối nguồn cầu lao động Đông Nam bộ thì đến năm 2015, với số lượng 100% sinh viên tốt nghiệp đại học thì cầu nhân lực của các doanh nghiệp chỉ có 17%. Vì nhu cầu chính của doanh nghiệp trong các năm tới vẫn chủ yếu là lao động phổ thông, số lượng lao động có trình độ chiếm số nhỏ trong cơ cấu lao động của họ.

Ông Đinh Sơn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận định sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay cũng là một vấn đề thành phố cần tính đến. Khi doanh nghiệp yếu cả thế và lực so với doanh nghiệp các nước thì việc chảy máu chất xám là dĩ nhiên. Các yếu tố kinh tế vĩ mô không thuận lợi đang khiến doanh nghiệp đối diện với quá nhiều khó khăn, vì thế, doanh nghiệp chỉ tuyển lao động giá rẻ để hạ chi phí. Nếu chỉ tập trung đào tạo mà không tính đến khó khăn của doanh nghiệp thì việc dư thừa lao động có trình độ là điều dễ xảy ra.

Bà Lê Thanh Mai của Đại học Quốc gia TP.HCM cũng cho rằng các trường hiện chạy theo các ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn, nhưng không hề có tính toán dự báo xem trong vài năm nữa, liệu các ngành này có cần thêm nhân lực hay không? Như thống kê của bà Mai thì trong 280 ngành đang được các trường đào tạo thì quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, kế toán đang được thí sinh đăng ký nhiều nhất.

Trong khi đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán không có việc làm hiện nay rất cao. “Nếu các trường vẫn tiếp tục đào tạo theo xu hướng của hiện tại để cung cấp lao động cho tương lai thì đến 10 năm nữa, cung cầu lao động sẽ vẫn lệch nhau”, bà Mai nói.

Theo Sở lao động Thương binh Xã hội TP.HCM, thành phố cũng nên có các chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực cho yêu cầu phát triển của thành phố, trong đó có những nhân lực đang học tập ở nước ngoài. Đồng thời cũng nên tìm cách đào tạo lao động cao cấp theo nhu cầu của doanh nghiệp, để tránh tình trạng các doanh nghiệp phải sử dụng lao động nước ngoài với mức lương cao ngất.

Có mặt tại hội thảo sáng nay, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM cho biết thành phố sẽ tìm cách kết nối cung cầu lao động, và sẽ có các chính sách để đãi ngộ nhân tài, nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển của TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cảnh báo khủng hoảng nhân lực nếu cơ cấu kinh tế không đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO