Bản tin tổng hợp

Bản tin trưa 18/7: TP.HCM đặt mục tiêu thu hút 20 - 21 tỷ USD đầu tư; Nhiều chợ truyền thống vắng khách

Hưng Nhật 18/07/2025 11:50

Tin tức nổi bật trưa 18/7: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm Thụy Sĩ, Morocco và Senegal từ ngày 22/7; TP.HCM đặt mục tiêu thu hút 20 - 21 tỷ USD đầu tư vào các khu công nghiệp giai đoạn 2025 - 2030; Trước 1/8, phải hoàn tất chương trình nâng cao kỹ năng số và giao tiếp hành chính cho cán bộ cấp xã; TP.HCM tổng rà soát tiến độ dự án nút giao An Phú và kênh Tham Lương... và một số tin tức đáng chú ý khác

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm Thụy Sĩ, Morocco và Senegal từ ngày 22/7

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 17/7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 tại Thụy Sĩ và thực hiện chuyến thăm chính thức Morocco, Senegal từ ngày 22 đến 30/7.

Chuyến công tác được thực hiện theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Tổng thư ký IPU, Chủ tịch Hạ viện Morocco và Chủ tịch Quốc hội Senegal.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội thế giới
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: CP

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới diễn ra từ ngày 29 - 31/7 tại Geneva là diễn đàn cấp cao do IPU và Liên Hợp Quốc phối hợp tổ chức, quy tụ lãnh đạo nghị viện toàn cầu nhằm thúc đẩy hợp tác và chủ nghĩa đa phương.

Việt Nam và Thụy Sĩ thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1971. Kim ngạch thương mại năm 2024 đạt hơn 811 triệu USD. Thụy Sĩ hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 tại Việt Nam.

Morocco và Senegal là hai đối tác truyền thống của Việt Nam tại châu Phi, với kim ngạch thương mại song phương năm 2024 lần lượt đạt hơn 302 triệu USD và 81 triệu USD.

TP.HCM đặt mục tiêu thu hút 20 - 21 tỷ USD đầu tư vào các khu công nghiệp giai đoạn 2025 - 2030

Ngày 17/7, ông Trần Việt Hà - Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM cho biết, sau quá trình sáp nhập, TP.HCM hiện đang sở hữu hệ thống khu chế xuất và khu công nghiệp lớn nhất cả nước với 66 khu, tổng diện tích đạt 27.000 ha.

Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM dự kiến phát triển lên đến 105 khu chế xuất, khu công nghiệp với quy mô khoảng 49.000 ha, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp hàng đầu của Việt Nam.

Các khu công nghiệp TPHCM kỳ vọng thu hút 21 tỷ USD vốn đầu tư trong 5 năm tới | Vietstock

Trong giai đoạn 2025 - 2030, các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đặt mục tiêu thu hút tổng vốn đầu tư từ 20 - 21 tỷ USD, với suất đầu tư bình quân 8 - 10 triệu USD/ha. Dự kiến, khoảng 70% tổng vốn đăng ký sẽ được giải ngân thực tế.

Ông Hà nhấn mạnh, TP.HCM sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chủ lực có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và thân thiện với môi trường, tiêu biểu như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, máy học và dữ liệu lớn.

Hướng đến mô hình phát triển bền vững, thành phố đang triển khai đề án thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong đó, Khu công nghiệp Hiệp Phước sẽ được chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cộng sinh và từng bước tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn.

Trước 1/8, phải hoàn tất chương trình nâng cao kỹ năng số và giao tiếp hành chính cho cán bộ cấp xã

Theo Công điện số 110 ngày 17/7 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các bộ, ngành và địa phương được yêu cầu khẩn trương triển khai nhiều nội dung trọng tâm liên quan đến cải cách hành chính, quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như bảo đảm điều kiện hoạt động cho các trung tâm phục vụ hành chính công, y tế và giáo dục.

Một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh là việc xây dựng và hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công nghệ, kỹ năng quản lý hành chính hiện đại và kỹ năng giao tiếp hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Chương trình này nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và năng lực số, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, xã đảo, nơi điều kiện triển khai còn nhiều hạn chế. Thời hạn hoàn thành được ấn định trước ngày 1/8.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện sắp xếp tổ c

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức tập huấn chuyên môn, cập nhật kiến thức và thông tin một cách thường xuyên, ưu tiên thực hiện ngay trong giai đoạn vận hành bộ máy mới. Các lĩnh vực trọng yếu bao gồm: thuế, đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, tư pháp, y tế và giáo dục.

Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, cung cấp điện cho các thôn, bản còn thiếu điện trên toàn quốc, đảm bảo hoàn thành trước ngày 1/10.

Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ theo dõi và đôn đốc tiến độ thực hiện kế hoạch “xóa các điểm lõm sóng”, giúp các thôn, bản đủ điều kiện tiếp cận công cuộc chuyển đổi số. Mục tiêu hoàn thành cũng được ấn định trước ngày 1/10.

TP.HCM tổng rà soát tiến độ dự án nút giao An Phú và kênh Tham Lương

Trước tình trạng chậm tiến độ tại hai dự án hạ tầng trọng điểm gồm nút giao An Phú và cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu rà soát toàn diện và xử lý nghiêm các vi phạm.

an_phu.png

UBND TP.HCM giao Ban Giao thông và Ban Hạ tầng kiểm tra, làm rõ nguyên nhân chậm trễ, báo cáo Sở Xây dựng trước ngày 19/7. Sở Xây dựng chủ trì kiểm tra thực tế, tham mưu giải pháp đẩy nhanh tiến độ và đề xuất cơ chế kiểm soát, chế tài mạnh để xử lý các vi phạm, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng.

Dự án nút giao An Phú có hơn 24 gói thầu, hơn 20 nhà thầu tham gia nhưng đến tháng 6/2025 mới đạt 68% tiến độ. Dự án cải tạo kênh Tham Lương với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng có 10 liên danh xây lắp với 68 đơn vị, nhưng sau 2,5 năm thi công chỉ đạt hơn 52% tiến độ. Chủ đầu tư đã 27 lần gửi văn bản vi phạm hợp đồng đến 15 nhà thầu chính.

Đồng Nai điều chỉnh quy hoạch, bảo tồn biệt thự trăm tuổi ven sông

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu du lịch và dân cư Bửu Long (phường Trấn Biên, TP. Biên Hòa), nhằm bảo tồn biệt thự cổ Võ Hà Thanh, công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, còn gọi là nhà lầu Ông Phủ.

Theo quyết định, hơn 2.900m² đất công viên cây xanh được điều chỉnh sang đất giao thông; khoảng 438m² đất giao thông chuyển sang đất di tích - tôn giáo; và 311m² đất nghỉ dưỡng ven sông cũng chuyển sang đất di tích - tôn giáo. Việc điều chỉnh nhằm "nắn" tuyến đường ven sông Đồng Nai để tránh đi qua phần chính của biệt thự cổ.

biet-thu-co-vo-ha-thanh-17527494.png
Biệt thự cổ Võ Hà Thanh (còn gọi là nhà lầu Ông Phủ) nằm trên trục đường ven sông Đồng Nai. Ảnh: Hà Mi

Tuyến kè và đường ven sông Đồng Nai dài 5,2km (từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỉ đồng, khởi công cuối năm 2021. Theo quy hoạch ban đầu, biệt thự Võ Hà Thanh sẽ bị giải tỏa khoảng 9m.

Sau kiến nghị của giới chuyên môn, UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Xây dựng đề xuất phương án bảo tồn. Phương án điều chỉnh tuyến đường đã được lựa chọn nhằm giữ lại nguyên vẹn công trình di sản này.

Nhiều chợ truyền thống tại TP.HCM vắng khách, nhiều sạp tạm ngưng hoạt động

Nhiều chợ truyền thống nổi tiếng tại TP.HCM như An Đông, Tân Bình, Bà Chiểu… đang trong tình trạng mua bán ảm đạm, lượng khách giảm mạnh kéo dài. Ghi nhận tại các chợ sỉ lớn cho thấy, nhiều quầy sạp đóng cửa, không khí buôn bán trầm lắng, một số khu vực gần như không có hoạt động giao dịch.

Từ ngày 1/6/2025, theo quy định của ngành thuế, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên bắt buộc sử dụng máy tính tiền kết nối trực tiếp với cơ quan thuế để xuất hóa đơn điện tử. Quy định này đang trong quá trình triển khai tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM.

Nhiều chợ truyền thống TP.HCM tổ chức, sắp xếp lại khu buôn bán để phòng dịch Covid-19

Tại chợ An Đông, nhiều quầy hàng tạm ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi công năng thành nơi lưu trữ hàng hóa. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại các chợ Tân Bình, Bà Chiểu và một số chợ đầu mối khác.

Mặc dù quy định mới về hóa đơn điện tử đang được phổ biến và hướng dẫn thực hiện, nhưng thực tế tại nhiều chợ cho thấy hoạt động kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, lượng giao dịch chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Hơn 5.591 tỷ đồng đầu tư tuyến đường ven biển qua Đồng Tháp, kết nối vùng ĐBSCL

Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Đồng Tháp, dài hơn 25km, đang được chuẩn bị khởi công với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 5.591 tỷ đồng. Dự án có vai trò quan trọng trong việc kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương hoàn tất thủ tục để trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư trong tháng 7/2025.

Hơn 5.591 tỉ đồng làm đường ven biển qua Đồng Tháp, kết nối liên vùng ĐBSCL - Tuổi Trẻ Online
Tuyến đường bộ ven biển đi qua tỉnh Đồng Tháp dự kiến sẽ có chiều dài hơn 25km. Ảnh: Mậu Trường

Theo phương án đã thống nhất, tuyến đường có chiều dài khoảng 25,73km, bắt đầu từ tỉnh lộ 871B (xã Gia Thuận), vượt sông Cửa Tiểu và kết nối với cầu Cửa Đại (tỉnh Vĩnh Long). Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, tốc độ 80km/h.

Giai đoạn 1 sẽ xây dựng 2 làn xe, sau đó mở rộng thành 4 làn ô tô và 2 làn xe thô sơ, cùng 5 cây cầu mới. Tuyến đường sẽ liên kết với quốc lộ 50 và các tuyến tỉnh lộ, góp phần phát triển công nghiệp, du lịch và hạ tầng vùng phía đông Đồng Tháp.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố lộ trình triển khai cơ chế CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố kế hoạch triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) đối với thị trường chứng khoán cơ sở, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro và đảm bảo thanh toán giao dịch.

Theo lộ trình, từ quý III/2025 đến quý I/2026, UBCKNN sẽ phối hợp với Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) và các đơn vị liên quan chuẩn bị thành lập công ty con thuộc VSDC để thực hiện chức năng CCP.

Giai đoạn quý I - II/2026, UBCKNN phối hợp với VSDC dự kiến ban hành Thông tư thay thế Thông tư 119/2020/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký và thanh toán giao dịch chứng khoán.

Đồng thời, từ quý III/2025 đến quý IV/2026, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán sẽ phối hợp ban hành Thông tư thay thế Thông tư 89/2019/TT-BTC, hướng dẫn kế toán cho các nghiệp vụ liên quan đến cơ chế CCP.

Dự kiến, chậm nhất đến quý I/2027, cơ chế CCP sẽ chính thức được triển khai trên thị trường chứng khoán cơ sở tại Việt Nam.

TP.HCM tăng gần 40.000 học sinh trong năm học 2025 - 2026

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, năm học 2025 - 2026, thành phố dự kiến có khoảng 2,6 triệu học sinh từ mầm non đến THPT, tăng gần 40.000 em so với năm học trước. Trong đó, bậc mầm non có hơn 478.000 học sinh, tiểu học hơn 939.000, THCS hơn 759.000 và THPT hơn 352.000 học sinh.

Để đáp ứng nhu cầu tăng dân số học đường, TP.HCM sẽ đưa vào sử dụng 1.287 phòng học mới, sử dụng nguồn vốn ngân sách. Toàn bộ học sinh sinh sống trên địa bàn được đảm bảo có chỗ học với đầy đủ cơ sở vật chất.

Công tác tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 sẽ được thực hiện trực tuyến tại địa chỉ: https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn, với dữ liệu xác thực từ hệ thống dân cư quốc gia. Dự kiến tuyển sinh 113.417 trẻ lớp 1 và 124.108 học sinh lớp 6.

Trong khi đó, tuyển sinh lớp 10 có 109.720 học sinh đăng ký dự thi từ tổng số 129.382 học sinh tốt nghiệp lớp 9, trong đó hơn 1.000 học sinh được tuyển thẳng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản tin trưa 18/7: TP.HCM đặt mục tiêu thu hút 20 - 21 tỷ USD đầu tư; Nhiều chợ truyền thống vắng khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO