Tăng trưởng hai con số, Thanh Hóa trở thành tâm điểm thu hút đầu tư
Giai đoạn 2021 - 2025 đánh dấu bước chuyển mình vượt bậc của tỉnh Thanh Hóa với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân ước đạt 10,24%/năm, thuộc nhóm cao nhất cả nước.
Đây là kết quả của quá trình nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, cũng như phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Thành tựu này không chỉ giúp nâng tầm vị thế kinh tế của Thanh Hóa trong khu vực Bắc Trung Bộ mà còn đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
GRDP năm 2025 của Thanh Hóa được dự báo đạt khoảng 357.760 tỷ đồng, tăng gần 1,9 lần so với năm 2020. Với quy mô này, tỉnh vươn lên xếp thứ 8 toàn quốc và tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Đặc biệt, xét về tốc độ tăng trưởng GRDP trung bình trong giai đoạn 5 năm, Thanh Hóa hiện đứng thứ 4 cả nước và thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành có quy mô kinh tế lớn nhất (tính theo địa giới hành chính trước khi sáp nhập).

Song song với tăng trưởng quy mô, mô hình kinh tế của tỉnh đang chuyển dịch mạnh mẽ từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng đến hiệu quả và tính bền vững.
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới phương thức quản lý, cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã góp phần nâng cao năng suất lao động toàn xã hội.
Giai đoạn 2021 - 2025, năng suất lao động bình quân của tỉnh ước đạt mức tăng 10,4%/năm. Riêng năm 2025, năng suất bình quân dự kiến đạt 170,1 triệu đồng/người, tăng 81,5 triệu đồng so với năm 2020, một chỉ dấu rõ nét cho thấy chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện đáng kể.
Cơ cấu kinh tế của Thanh Hóa cũng ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt theo hướng công nghiệp hóa. Tính đến năm 2025, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản dự kiến giảm xuống còn 12% GRDP, trong khi công nghiệp - xây dựng tăng lên 51%, khẳng định vai trò trụ cột của khu vực sản xuất trong tăng trưởng kinh tế. Ngành dịch vụ chiếm 30% GRDP, còn lại là thuế sản phẩm chiếm khoảng 7%.
Đồng thời, cơ cấu lao động cũng có sự dịch chuyển mạnh mẽ, phù hợp với định hướng phát triển. Tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 29,9%, trong khi công nghiệp - xây dựng tăng lên 43,1% và dịch vụ chiếm 27%.
Chất lượng lao động được cải thiện đáng kể, với tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 75% vào năm 2025, trong đó 30% có văn bằng, chứng chỉ, phản ánh hiệu quả của các chương trình đào tạo nghề và chuyển đổi việc làm khu vực nông thôn.
Sự khởi sắc về môi trường đầu tư và tinh thần khởi nghiệp đã tạo tiền đề cho làn sóng doanh nghiệp mới tại Thanh Hóa. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dự kiến có trên 17.600 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 22.000 vào cuối năm 2025, đạt tỷ lệ 5,8 doanh nghiệp/1.000 dân.
Kinh tế tư nhân phát triển năng động, đa dạng ngành nghề và quy mô. Đáng chú ý, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trưởng mạnh cả về số lượng dự án lẫn tổng vốn đăng ký.
Tính đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa có 175 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 15,26 tỷ USD, xếp thứ 9 cả nước về thu hút FDI. Thành quả này là kết quả của việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư có trọng tâm, và phát huy hiệu quả các khu kinh tế - khu công nghiệp trọng điểm, tiêu biểu như Khu kinh tế Nghi Sơn.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 700.100 tỷ đồng, tăng 14% so với giai đoạn trước. Đặc biệt, cơ cấu nguồn vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng vốn nhà nước giảm từ 25,7% (năm 2020) xuống còn 22,1% (năm 2025), trong khi vốn khu vực ngoài nhà nước tăng từ 74,3% lên 77,9%.
Sự dịch chuyển này cho thấy vai trò ngày càng lớn của khu vực tư nhân và FDI trong việc dẫn dắt tăng trưởng kinh tế địa phương.
Bên cạnh việc củng cố nội lực, Thanh Hóa cũng đẩy mạnh tái cấu trúc không gian phát triển kinh tế và mở rộng liên kết vùng.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển với các trung tâm kinh tế lớn như TP. Hà Nội, TP.HCM và các địa phương lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh… nhằm thúc đẩy kết nối hạ tầng, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển thương mại - dịch vụ liên vùng.
Những nỗ lực này không chỉ góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh cấp tỉnh và thu hút đầu tư chiến lược mà còn tạo động lực lan tỏa cho tăng trưởng kinh tế toàn vùng Bắc Trung Bộ cũng như cả nước.