11 cách để giao tiếp với “người không chịu nổi” trong đời sống công sở

HOÀNG ANH| 16/05/2022 06:04

Một lúc nào đó, chúng ta đều sẽ phải tương tác với người mà ta không thích, nên hãy sẵn sàng cho lần tiếp theo tình huống này xảy ra.

11 cách để giao tiếp với “người không chịu nổi” trong đời sống công sở

Trong cuộc sống, có một số người mà bạn có thể cảm thấy đồng điệu ngay lập tức, một số khác thì việc họ ở lại hay đi ra khỏi cuộc đời bạn cũng không mấy quan trọng. Và còn một số khác - những người bạn “không thể chịu nổi” họ, mà đôi khi việc phải gặp họ lại là điều không thể tránh.

Vậy làm sao để có thể hòa hợp, hay ít nhất là cảm thấy đỡ tồi tệ với người mà bạn không có chút cảm tình nào? Một cách có thể giúp bạn làm điều đó dễ dàng hơn chính là nhớ rằng bản thân mình cũng không hoàn hảo, và một người khác cũng có thể có cảm nhận tương tự về bạn. Suy cho cùng, chúng ta đều là con người, đều có sai lầm.

Mọi người thường né gặp người mà mình không có hảo cảm. Tuy nhiên trong đời sống công sở, vào một lúc nào đó, bạn sẽ phải làm việc chung với người đó. Đó có vẻ là điều vô cùng khó khăn, nhưng thực tế là bạn có thể làm việc với (hầu hết) tất cả mọi người. Và khi làm việc “hòa bình” với những “người khó chịu”, bạn có thể khám phá ra những góc nhìn hoàn toàn khác về sự việc, thậm chí còn tiếp thu được những quan điểm vô cùng hữu ích.

Những người thành công hiểu rằng, nếu “khoanh vùng” những người có thể làm việc cùng, bạn đang giới hạn chính bản thân mình. 11 cách dưới đây sẽ giúp bạn đối phó với những người được xem là khó khăn nhất. Đây cũng là những kỹ năng giao tiếp mọi người nên trang bị để có thể hòa đồng trong mọi môi trường giao tiếp.

1. Chấp nhận rằng bạn sẽ không thể thích tất cả mọi người

Sự thật là chúng ta sẽ không thể thích tất cả những người mà ta đã và sẽ gặp. Bước đầu tiên của việc đối phó với một người hay gắt gỏng là chấp nhận rằng chúng ta sẽ không hòa hợp được với họ, và điều đó là bình thường.

Việc không thích họ không biến ta thành người xấu, cũng không biến người kia thành người tệ hại. Nhưng chúng ta đều phải tìm cách để có thể làm việc chung với họ. Khi có “đụng độ”, đừng phân định rạch ròi ai đúng ai sai, điều đó sẽ giúp giảm những cảm xúc tiêu cực vốn làm cho các mối quan hệ trở nên khó khăn hơn.

2. Chú ý đến cảm xúc của bản thân

Việc phải đối phó với một người làm ta không thoải mái có thể gây ảnh hưởng xấu đến cảm xúc của chính ta. Một người khó chịu sẽ làm ta điên tiết, nhưng chỉ khi ta để họ làm vậy. Hãy nhớ rằng, chính ta, chứ không phải một người tiêu cực nào đó, có quyền quyết định cảm xúc của bản thân.

Nhưng điều đó không có nghĩa là ta lơ người đó đi hay không chấp nhận chuyện họ làm. Hãy để ý đến cảm xúc của bản thân, nếu ai đó làm ta nổi giận, hãy để bản thân nhận ra được cơn giận đó, và nhẹ nhàng tự làm dịu nó. Hãy nhớ rằng, đôi khi ta chỉ cần cười và gật đầu, những thái độ hay phản ứng nào khác là không cần thiết.

3. Chọn cách giải quyết thay vì bùng phát

Học cách luyện cho mình một khuôn mặt “chính trị gia” - đây chính là chìa khóa quan trọng để ta có thể đối xử với mọi người một cách lịch sự và văn minh. Không thể hiện cảm xúc không có nghĩa là ta đồng ý với quan điểm của người mà ta không thích hay chấp nhận cách họ làm việc. Ta chỉ cần giữ cho việc giao tiếp ở một mức lịch sự nhất định.

Mềm dẻo với con người, nhưng cứng rắn với vấn đề. Điều này có nghĩa là hãy tập trung vào vấn đề đang cần được giải quyết thay vì tấn công một cá nhân nào đó. Khi học cách để làm điều này thường xuyên, bạn sẽ được mọi người nhìn nhận như một người chuyên nghiệp và tích cực, đánh giá này sẽ giúp bạn có được lợi thế trong nhiều tình huống khác nhau.

4. Đừng cá nhân hóa vấn đề

Mọi người thường làm một việc gì đó vì bản thân họ, chứ không phải vì bạn. Họ có thể phản ứng với một vấn đề gì đó theo cách làm của họ, và việc bạn bị vướng vào mớ rắc rối đó cùng họ chỉ là ngẫu nhiên mà thôi. Bạn phải cố gắng mở rộng góc nhìn vấn đề, một góc nhìn bao quát sẽ làm giảm khả năng dẫn đến hiểu lầm.

Hạy chủ động khi đối phó với một người mà bạn biết có thể làm bạn kích động. Hãy nghĩ trước tất cả những tình huống có thể xảy ra và nghĩ cách hữu hiệu nhất giải quyết nó, tưởng tượng cụ thể về cách sẽ phản ứng. Việc này sẽ giúp bạn tránh hiệu ứng “ping-pong” - khi bạn phản ứng thái quá với họ và ngược lại họ cũng phản ứng thái quá với bạn. Hãy nhớ rằng tất cả vấn đề đều liên quan đến hai việc, người mà bạn đang nói chuyện, và vấn đề bạn và họ đang phải giải quyết. Tập trung vào vấn đề, không phải con người.

5. Vượt lên trên những điều vô lý

Sẽ rất dễ dàng khi dựa vào cảm xúc để đối phó với một người khó chịu, nhất là khi hành vi của họ vô lý. Nhưng nếu ta hạ thấp bản thân ngang tầm với họ và để vấn đề càng nghiêm trọng hơn, ta cũng sẽ bị xem là một người gây rắc rối. Đừng để cảm xúc lấn át lý trí và bản thân bị ảnh hưởng bởi họ.

Hãy nhớ rằng bạn không nhất thiết phải có phản ứng với những rắc rối họ tạo ra. Bạn có thể lựa chọn cách cao cả hơn, tập trung vào mấu chốt vấn đề và những cách giải quyết hợp lý. Nếu cần chỉ ra những vấn đề hay khó khăn đang hiện hữu, hãy làm điều đó một cách khách quan nhất có thể.

11 cách để giao tiếp với người không chịu nổi doanhnhansaigon
Bạn không nhất thiết phải có phản ứng với những rắc rối do "người khó chịu" tạo ra

6. Bình tĩnh thể hiện cảm xúc bản thân

Thông thường, chính cách ta truyền tải dẫn đến những vấn đề lớn hơn. Nếu hành động và cách giao tiếp của ai đó làm bạn cảm thấy khó chịu, đó có thể là thời điểm để bạn thành thật nói ra cảm nhận về họ. Chìa khóa để làm việc đó là nói một cách bình tĩnh và không quá thẳng, hàm ý sẽ tốt hơn.

“Tôi cảm thấy” là một trong những câu nói không quá mang tính tấn công. Mục đích là để truyền tải rõ ràng và ít căng thẳng nhất suy nghĩ của ta mà không đổ lỗi cho họ. Một công thức mà ta có thể áp dụng: “Khi anh…, tôi cảm thấy… Anh hãy cân nhắc… thử xem sao”.

Khi nói với ai đó về việc họ đã làm khiến ta không thoải mái, hãy nói rõ ràng và cụ thể nhất có thể, và nói ra điều mà bạn cần họ làm để giải quyết vấn đề đó. Một khi đã nói ra hết những gì bản thân nghĩ, hãy bắt đầu lắng nghe những gì họ nghĩ.

7. Lựa chọn “trận đấu”

Không phải chuyện gì cũng xứng đáng chiếm thời gian và sự chú ý của bạn. Đôi khi việc nói chuyện với một người vô lý cũng giống như cố gắng giải thích lý lẽ với một đứa trẻ đang làm nũng. Họ chỉ đơn giản là không đáng để bạn bỏ thời gian và công sức. Tự hỏi bản thân rằng bạn có muốn bị bắt gặp trong một cuộc cãi nhau to tiếng về một vấn đề mà bạn có thể đứng ngoài cuộc không? Kết quả cuối cùng có đáng với công sức bạn bỏ ra? Bạn có mất nhiều hơn những gì sẽ đạt được không?

Hãy xem xét liệu vấn đề có phải chỉ là do tình huống hay không, nó có thể được giải quyết qua thời gian hay không. Trên thực tế, một người hay đôi co, gây chuyện cũng có thể có ích với ta. Vì vậy nên cân nhắc chịu đựng họ nếu họ giúp đỡ ta nhiều hơn mang lại phiền phứccho ta.

8. Cho bản thân không gian

Sẽ tuyệt biết bao khi ta có thể xây một bức tường ngăn cản vị đồng nghiệp phiền phức kia. Tuy một rào cản thực sự là không thể, nhưng ta vẫn có thể xây những rào cản tâm lý và quyết định bản thân ta sẽ giải quyết họ khi nào và như thế nào, dựa vào mức thời gian ta dành cho họ. Hãy cho bản thân không gian bình tĩnh để người khác không thể gây áp lực cho bạn.

Link bài viết

Hãy cắt đứt khỏi họ hoàn toàn về mặt tình cảm, tránh xa những tình huống mà bạn biết mình sẽ phản ứng một cách tiêu cực. Nếu biết mình cần được hồi phục về mặt cảm xúc lẫn tinh thần trước khi đối mặt với một tình huống nào đó, hãy hít một hơi thật sâu, giữ đầu óc bình tĩnh mà tiến vào.

9. Có một nhóm hỗ trợ

Đừng bước vào trận chiến một mình, hãy tìm những người có thể ủng hộ mình. Tiếp cận một người hay một tình huống khó khăn nào đó một mình sẽ khó tránh khỏi hậu quả nghiêm trọng. Bạn khó để có góc nhìn toàn diện khi bị đặt vào tình huống đơn độc đối đầu.

Hãy tìm những người đáng tin cậy có thể ủng hộ và giúp ta không còn cảm thấy đơn độc. Họ có thể nhìn nhận vấn đề khách quan hơn và giúp ta nghĩ cách để đối phó với một người khó khăn. Và đôi khi, tất cả những gì bạn muốn là được giải tỏa cảm xúc và được lắng nghe. Một khi cảm thấy thoải mái, ta sẽ có thể bước tiếp. Khi biết có người hỗ trợ, ta sẽ có sức mạnh và niềm tin để hoàn thành bất cứ việc gì.

10. Phân đều quyền lực khi giao tiếp

Nếu một ai đó liên tục than phiền và chú ý vào lỗi lầm của bạn, bạn có thể phân đều quyền lực bằng cách tạo áp lực cho họ để họ giảm bớt những hành vi khó chịu đó. Đừng hành động quá phòng thủ khi ai đó đang cố gắng toàn lực tấn công bạn. Điều này chỉ làm họ càng hăng hái. Thay vào đó, hãy dùng “gậy ông đập lưng ông” và để họ trở thành tâm điểm. Cách tốt nhất để vô hiệu hóa ảnh hưởng tiêu cực của họ là hỏi những câu hỏi về công việc thực tế, cách giải quyết vấn đề.

Nếu họ cố gắng đánh lạc hướng và xem nhẹ thành quả công việc của bạn, hãy bảo họ cho bạn lời khuyên để có thể hoàn thành tốt hơn, như, nếu là họ thì họ sẽ làm gì trong tình huống đó. Nếu họ trở nên vô lễ và như một kẻ bắt nạt, chỉ rõ vấn đề đó ra với họ. Cho họ thấy rằng bạn cần được đối xử với một mức lịch sự nhất định, nếu không, bạn sẽ phải đối xử với họ theo cách họ đã làm với bạn.

11. Làm chủ hạnh phúc bản thân

Đừng bao giờ để một người tiêu cực quyết định hạnh phúc hay niềm vui, sự tự hào của bạn. Đừng để những nhận xét nhỏ nhen hay áp lực chiếm lấy bản thân, làm ngày của bạn trở nên tồi tệ. Ngừng việc cố gắng tìm kiếm ai đó công nhận những thành quả của mình, thay vì vậy hãy tập trung hơn vào bản thân.

Bỏ ra vài phút mỗi ngày để tự nhìn lại bản thân. Có thể một điều gì đó không thích ở người khác cũng là thứ khiến bạn đang gặp khó khăn. Hiểu rõ nguyên nhân sự khó chịu của bản thân và hóa giải nó. Luôn nhớ rằng, bạn mới là người có quyền kiểm soát tâm trạng của mình. Ngừng việc so sánh bản thân với người khác, và dù thế nào đi nữa, giá trị của bạn đến từ bên trong con người bạn chứ không phải do ai khác áp đặt lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
11 cách để giao tiếp với “người không chịu nổi” trong đời sống công sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO