Twitter "hụt hơi" dưới thời Elon Musk

Tùy Phong| 06/03/2023 05:30

Twitter đang trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có: sự cố ngừng hoạt động tăng, doanh thu quảng cáo giảm và chỉ còn 2.000 người sau khi được Elon Musk tiếp quản.

Twitter

Kể từ khi Elon Musk thâu tóm, doanh thu và lợi nhuận của Twitter đã sụt giảm 40%.

Khi Elon Musk thâu tóm Twitter vào tháng 10 năm ngoái, vị tỷ phú nói ông làm việc này không phải vì tiền, mà để "giúp loài người", vì mạng xã hội này là "điều quan trọng với văn minh nhân loại". 

Khẳng định sẽ giúp Twitter tốt hơn, Musk bày tỏ mục tiêu xây dựng một "quảng trường số" - nơi mọi người có thể tranh luận và bày tỏ niềm tin của bản thân một cách lành mạnh mà không cần dùng đến bạo lực. Tuy nhiên, viễn cảnh tươi đẹp của Musk dường như đang tiến triển theo chiều hướng xấu, với vô vàn khó khăn bủa vây Twitter.

Theo Financial Times, mạng xã hội này đang trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có: sự cố ngừng hoạt động tăng, doanh thu quảng cáo giảm. Đáng chú ý, dù từng có tới 7.500 nhân viên, Twitter hiện chỉ còn dưới 2.000 người sau những lần sa thải của Musk - hành động khiến giới chuyên gia tự hỏi, liệu công ty này có thể cắt bao nhiêu nhân sự nữa mà vẫn giữ cho bộ máy hoạt động ổn định.

Câu hỏi này tiếp tục dấy lên khi nhiều người dùng gần đây không thể truy cập Twitter trong khoảng 2 giờ. Trước đó 3 tuần, người dùng cũng không thể tweet do một số lỗi kỹ thuật. Theo NetBlocks, Twitter có ít nhất 4 lần ngừng hoạt động toàn cầu trong tháng 2/2023, trong khi số lần trục trặc của cả năm ngoái chỉ là 9.

Link bài viết

Đợt "thay máu" gây hàng loạt rắc rối

Trước khi Musk tiếp quản, Twitter từng gặp nhiều lỗi kỹ thuật. Đầu thập niên 2010, Twitter chứng kiến một lỗi nặng mang tên Fail Whale khi logo có hình con chim màu xanh dương của mạng xã hội bị thay bằng một con cá voi, và các tính năng của cũng trục trặc.

Cách đây gần 3 ba năm, mạng xã hội từng bị tin tặc tấn công chiếm đoạt một loạt tài khoản, gồm cả tài khoản của người nổi tiếng và chính trị gia. Một năm trước đó, tài khoản của nhà đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey cũng bị hacker tấn công để lan truyền các tweet mang nội dung phân biệt chủng tộc. 

Do đó, Twitter trong nhiều năm đã nỗ lực tuyển hàng trăm kỹ sư để đảm bảo nền tảng kỹ thuật đủ mạnh, giúp khắc phục các lỗi nặng khi chúng xảy ra. Rồi, đợt "thay máu" nhân sự của Musk diễn ra.

Ngày 24/12/2022, vị tỷ phú đóng cửa trung tâm dữ liệu của Twitter tại Sacramento. Chỉ 4 ngày sau, Twitter chứng kiến tình trạng sập mạng trên diện rộng khi người dùng không thể truy cập được hoặc không thể trả lời bình luận. Đến đầu tháng 2, một nhân viên Twitter xóa nhầm dữ liệu của dịch vụ chống tin nhắn rác, khiến tính năng tweet, chuyển tiếp tin nhắn, trích dẫn tweet và nhắn tin trực tiếp ngừng hoạt động tại rất nhiều tài khoản.

Đội kỹ thuật đã mất vài giờ để sửa lỗi và khôi phục dữ liệu. Tuy nhiên, những người dùng không thể đăng bài lại nhận thông báo rằng họ bị vậy là do đã đăng quá nhiều bài viết. Theo lời một cựu nhân viên, đây được xem là "sự cố ngừng hoạt động lớn" từ khi mạng xã hội này đổi chủ.

Một tuần sau sự cố, một đội kỹ sư thử nghiệm thay đổi với người dùng Twitter trên thiết bị của Apple. Tuy nhiên, thay vì thử nghiệm với nhóm nhỏ, vị này lại bỏ qua thông lệ và tiến hành trên diện rộng. Nguồn tin thân cận từ New York Times cho biết lý do chính khiến đội kỹ thuật bất cẩn như vậy là nhiều người phản đối cách điều hành của Musk.

Twitter liên tục sập nguồn, quá tải vì cơ sở hạ tầng, đội ngũ yếu kém. Ảnh: Twitter.

Twitter liên tục sập nguồn, quá tải vì cơ sở hạ tầng, đội ngũ yếu kém. Ảnh: Twitter.

Trong khi đó, các lời than vãn về sụt tương tác, mất bạn bè, người theo dõi trên Twitter xuất hiện ngày một nhiều. "Khi có sự thay đổi về kỹ thuật thì cỗ máy sẽ xuất hiện trục trặc", Jane Manchun Wong - một kỹ sư chuyên về nền tảng mạng xã hội nói về Twitter.

Theo New York Times, đợt "thay máu" nhân sự quy mô lớn không chỉ đem lại nhiều lỗi mà còn cả sự bất ổn cho Twitter. Nhiều nhân viên kỹ thuật không có kinh nghiệm bị buộc phải giám sát sản phẩm, dịch vụ họ hoàn toàn lạ lẫm bởi người phụ trách giờ đã không còn, trong khi việc phân phối quyền lực, ai lãnh đạo, ai chịu trách nhiệm lại mù mờ.

Khi Musk đuổi việc Trưởng nhóm cơ sở hạ tầng toàn cầu Nelson Abramson vào năm ngoái, ông đã bổ nhiệm kỹ sư từ Tesla là Sheen Austin để thay thế. Tuy nhiên, Austin cũng từ chức ít lâu sau đó vì không thể hoàn thành nhiệm vụ cho một dự án mình chưa bao giờ tham gia.

Link bài viết

Người dùng nói Twitter "tệ hơn"

Trong một nỗ lực để tìm hiểu xem liệu có nhiều người cho rằng Twitter trở nên tệ hơn sau 4 tháng đổi chủ hay không, Jemima Kelly - nhà báo tại Financial Times đã thực hiện một cuộc thăm dò trên mạng xã hội này. Có 4 lựa chọn được khảo sát: "Thật sự tệ hơn rất nhiều"; "Tệ hơn một chút"; "Tốt hơn! Có tự do ngôn luận" và "Không nhận thấy khác biệt".

Sau 24 giờ, trong số hơn 2.000 người bỏ phiếu, 6% cho biết Twitter tốt hơn, hơn 17% nói họ không nhận thấy khác biệt nào. Đồng nghĩa, hơn 75% cảm thấy Twitter tệ hơn: 31% chọn "Thật sự tệ hơn rất nhiều" và 46%, nói Twitter "tệ hơn một chút".

Bên cạnh tất cả trục trặc, lỗi và sự cố hoạt động, trải nghiệm người dùng của Twitter cũng giảm đáng kể. Thuật toán đằng sau tab "Dành cho bạn" khiến nó không khác gì các nền tảng truyền thông xã hội khác: vô số hình ảnh, video và nội dung viral có thể gây nghiện, nhưng "thiếu dinh dưỡng" về nội hàm. Thậm chí, hashtag #RIPTwitter (An nghỉ nhé Twitter), #GoodbyeTwitter (Tạm biệt Twitter) còn lọt top xu hướng.

Ngoài ra, Twitter cũng ngừng cho phép ứng dụng bên thứ ba (mở một cửa sổ mới) truy cập dữ liệu một cách tự do, trong khi chúng vốn là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm người dùng và sự phát triển của mạng xã hội này. Đồng nghĩa, hầu hết ứng dụng này hiện không còn tồn tại.

Hơn nữa, dù số lượng quảng cáo có thể tăng, song nhiều nhà quảng cáo thời gian gần đây đã rời khỏi Twitter, khiến doanh thu của mạng xã hội sụt giảm. Theo dữ liệu từ SimilarWeb, tổng lưu lượng truy cập của Twitter trong tháng 1/2023 đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 28 ngày gần nhất (tính đến ngày 25/2), ước tính lưu lượng truy cập Twitter đã giảm 5%.

Giá trị của Twitter liên tục đi xuống kể từ khi Musk tiếp quản, với việc nhiều nhà quảng cáo là nguồn doanh thu chính rời bỏ nền tảng. Ảnh: AP.

Giá trị của Twitter liên tục đi xuống kể từ khi Musk tiếp quản, với việc nhiều nhà quảng cáo là nguồn doanh thu chính rời bỏ nền tảng. Ảnh: AP.

Theo báo cáo kinh doanh quý IV kết thúc tháng 12/2022 - thời điểm các nhà quảng cáo rời khỏi mạng xã hội này, cả doanh số lẫn lợi nhuận của Twitter đều sụt giảm đáng thất kể. Cụ thể, nguồn tin nội bộ tiết lộ với Wall Street Journal rằng doanh thu và lợi nhuận giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thực tế, đây là năm thứ 8 Twitter báo lỗ trong giai đoạn 10 năm 2012-2021 và chưa bao giờ thu lợi nhuận hàng năm kể từ 2019 đến nay. 

Từ khi thâu tóm Twitter, Musk đã nỗ lực tìm cách cân bằng tài chính của công ty và trả khoản nợ khổng lồ. Thay vì Musk, công ty mạng xã hội đang là thực thể "đứng tên" khoản nợ 13 tỷ USD vay từ nhóm ngân hàng do Morgan Stanley, Bank of America, Barclays và Mitsubishi đứng đầu. Khoản nợ khổng lồ đồng nghĩa với khoản trả lãi lên đến 1,5 tỷ USD hàng năm.

Từng có lúc Twitter là mạng xã hội bất khả chiến bại, nhưng điều chắc chắn là mạng xã hội này sẽ không thể tồn tại mãi mãi. Một lúc nào đó, một mạng xã hội khác sẽ thay thế Twitter, và dường như viễn cảnh ấy ngày càng đến gần hơn dưới thời Elon Musk.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Twitter "hụt hơi" dưới thời Elon Musk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO