Nước Anh sẽ mất gì nếu Brexit không thỏa thuận?

Tùy Phong| 11/09/2019 04:30

Theo kế hoạch, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/10/2019, bất chấp việc có đạt thỏa thuận hay không.

Cú sốc từ một cuộc “ly hôn” không thỏa thuận, chẳng những sẽ gây thiệt hại đối với nền kinh tế Anh, mà còn làm tổn thương tăng trưởng toàn cầu, gây hỗn loạn thị trường tài chính và làm suy yếu vị thế trung tâm tài chính hàng đầu thế giới của London.

Cú sốc từ một cuộc “ly hôn” không thỏa thuận, chẳng những sẽ gây thiệt hại đối với nền kinh tế Anh, mà còn làm tổn thương tăng trưởng toàn cầu, gây hỗn loạn thị trường tài chính và làm suy yếu vị thế trung tâm tài chính hàng đầu thế giới của London

Khẳng định trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Johnson và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã diễn ra tại Pháp. Tuy nhiên, ông Johnson nhấn mạnh rằng, ưu tiên số một của mình vẫn là tìm kiếm một thỏa thuận và cho biết sẽ sẵn sàng thảo luận với các lãnh đạo EU. 

Vị Thủ tướng Anh cũng cho biết, nếu rời EU mà không đạt thỏa thuận, nước Anh chắc chắn sẽ không trả “hóa đơn ly hôn” trị giá 39 tỷ bảng Anh (GBP), do bà Theresa May và các lãnh đạo EU nhất trí hồi cuối năm 2018. Theo đó, kênh truyền hình Sky News ước tính, London sẽ trả cho EU 9 tỷ GBP; trong khi tờ Sunday Times dẫn nguồn tin cho biết, các luật sư của Chính phủ Anh kết luận số tiền mà nước này có nghĩa vụ pháp lý phải trả có thể chỉ khoảng 7 tỷ GBP. Thủ tướng Johnson cũng khẳng định, nước Anh chắc chắn sẽ sẵn sàng để ứng phó với Brexit cứng.

Link bài viết

Dẫu vậy, không nhiều người có thể bày tỏ sự lạc quan như ông Johnson; đặc biệt khi EU là đối tác thương mại lớn nhất của Anh, chiếm đến 46% lượng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu từ xứ sở sương mù. Ở chiều ngược lại, lượng hàng hóa và dịch vụ được Anh nhập từ EU riêng năm 2018 đạt 345 tỷ GBP, tương đương 54% kim ngạch nhập khẩu.

Thế nên, những người phản đối Brexit cứng cho rằng, kịch bản này nếu xảy ra sẽ thực sự là một thảm họa. Cú sốc từ một cuộc “ly hôn” không thỏa thuận, chẳng những sẽ gây thiệt hại đối với nền kinh tế Anh, mà còn làm tổn thương tăng trưởng toàn cầu, gây hỗn loạn thị trường tài chính và làm suy yếu vị thế trung tâm tài chính hàng đầu thế giới của London.

Cụ thể, một tập tài liệu bị rò rỉ do Văn phòng Nội các Anh biên soạn, được tờ Sunday Times tung ra hôm 18/8/2019 cho biết, xứ sở sương mù sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, dược phẩm, nhiên liệu, cùng gián đoạn kéo dài nhiều tháng ở hệ thống cảng, cửa khẩu, cũng như nguy cơ tái thiết lập đường biên giới cứng với Cộng hòa Ireland, nếu Brexit cứng diễn ra. 

Ngay khi cuộc “ly hôn” có hiệu lực vào ngày 31/10/2019 tới, Anh sẽ chấm dứt quyền đi lại tự do đối với công dân các nước EU. Hiện có khoảng 3,6 triệu công dân EU tại Anh đã được yêu cầu làm thủ tục xin thị thực cư trú lâu dài, nhưng chỉ mới khoảng 1 triệu người nộp đơn đăng ký. 

Thêm vào đó, Brexit cứng sẽ làm gián đoạn quá trình vận chuyển hàng hóa tại các cảng và cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu giữa Anh và Pháp - nơi 85% xe chở hàng nhập khẩu của nước Anh đi qua. Với việc hơn một nửa kim ngạch nhập khẩu của Anh đến từ EU, Brexit cứng sẽ khiến nguồn cung thực phẩm tươi sống ít đi, đẩy giá cả leo thang, khiến tình trạng rối loạn cũng như căng thẳng trong cộng đồng gia tăng. 

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), cùng phần lớn chuyên gia kinh tế tin rằng, Brexit cứng sẽ chỉ khiến nước Anh tồi tệ hơn mà thôi. Trong kịch bản xấu nhất, BoE dự báo quy mô nền kinh tế Anh sẽ bị thu hẹp gần 8%, lớn hơn cả tác động gây ra từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, tỷ lệ thất nghiệp tăng gần gấp đôi, lạm phát vọt lên 6,5%, đồng GBP giảm đến mức gần ngang với đồng USD và khoảng 100.000 người sẽ rời bỏ đảo quốc này.

Không chỉ vậy, những người láng giềng của Anh cũng chịu cảnh “vạ lây” từ cuộc ly hôn không thỏa thuận giữa nước này với EU. Trong đó, chịu thiệt hại nặng nhất là Cộng hòa Ireland, khi nước này xuất khẩu sang Anh 12% hàng hóa và 40% thực phẩm, cũng như có 2/3 mặt hàng xuất khẩu khác đi qua lãnh thổ của xứ sở sương mù.

Theo Bộ Tài chính Ireland, Brexit cứng sẽ khiến GDP nước này giảm 4,5% sau 10 năm và làm 40.000 người mất việc. Bên cạnh đó, nền kinh tế Hà Lan, Đan Mạch, Cộng hòa Séc và Bỉ cũng sẽ chịu thiệt hại trong khoảng 0,5-0,7% GDP, theo dự báo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Trước vô số các dự báo tiêu cực về Brexit cứng, hơn 100 nghị sĩ đã viết thư kêu gọi Thủ tướng Johnson triệu tập Quốc hội họp liên tục đến ngày 31/10/2019 để thảo luận về vấn đề này.

Ngay khi có hiệu lực, Brexit cứng sẽ lập tức khiến hàng hóa Anh xuất sang EU đối mặt với hàng rào thuế mà từ trước đến nay vẫn luôn được hỗ trợ. Theo Liên đoàn Công nghiệp Anh, thuế quan sẽ tác động đến 90% hàng hóa được bán, với mức thuế trung bình khoảng 4,3%. Trong đó, một số lĩnh vực như nông nghiệp sẽ phải đối mặt với mức thuế nặng hơn nhiều so với những ngành khác; đơn cử là thịt cừu, bị đánh thuế ở mức cao tới 45-50%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nước Anh sẽ mất gì nếu Brexit không thỏa thuận?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO