Nhật Bản, Australia nhất trí thúc đẩy CPTPP và RCEP

Tuỳ Phong| 16/07/2021 01:10

Theo Japan Times, động thái này được xem là một giải pháp giúp các nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hồi phục.

Nhật Bản, Australia nhất trí thúc đẩy CPTPP và RCEP

Nhật Bản và Australia ngày 15/7/2021 nhất trí sẽ thúc đẩy Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Cả 2 ​​quốc gia hiện đều là thành viên của CPTPP và RCEP.

Tại cuộc họp diễn ra tại Tokyo, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama và Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia Dan Tehan đồng thời cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc hỗ trợ tiến trình gia nhập CPTPP của Anh.

Trước đó, Anh ngày 1/2/2021 đã chính thức đề nghị gia nhập CPTPP vào đúng dịp kỷ niệm một năm chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), để mở ra những con đường mới cho thương mại hậu Brexit. Khi ấy, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cho biết, quyết định này sẽ đặt nước Anh vào "trung tâm của một số nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới".

Đến tháng 6/2021, các thành viên CPTPP (hiện gồm 11 nước, trong đó có Việt Nam) đã nhất trí để Anh bắt đầu tiến trình gia nhập CPTPP - động thái được kỳ vọng sẽ biến khu vực liên quan hiệp định này đứng ngang hàng với EU về quy mô kinh tế.

Ngoài ra, trong một tuyên bố chung sau cuộc họp tại Tokyo hôm qua, các bộ trưởng cũng khẳng định CPTPP và 15 thành viên RCEP "đóng vai trò quan trọng trong khôi phục nền kinh tế khu vực hậu Covid-19". 

Link bài viết

"Đây là thời điểm để tạo cơ hội thúc đẩy đối thoại chiến lược về cả vấn đề thương mại lẫn năng lượng", Bộ trưởng Kajiyama nhấn mạnh.

Có hiệu lực từ năm 2019, CPTPP xóa bỏ 95% thuế quan giữa 11 thành viên hiện tại, gồm Nhật Bản, Canada, Australia, Việt Nam, New Zealand, Singapore, Mexico, Peru, Brunei, Chile và Malaysia, đại diện cho gần 500 triệu người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thỏa thuận này thay thế Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định thương mại tương tự có cả Mỹ, cho đến khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump quyết định rút lui.

Trong khi đó, RCEP ký kết vào 11 năm ngoái được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới, bởi bao trùm một thị trường khổng lồ có quy mô gần 25.000 tỷ USD và hơn 2,3 tỷ người. RCEP được cho là không những tạo ra những lợi thế thương mại, ưu đãi thuế quan cho các nước thành viên, mà còn giúp sắp xếp, định hình lại chuỗi cung ứng khi việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư tiếp tục diễn ra.

Với hàng loạt hàng rào thuế quan được gỡ bỏ dần, bất cứ doanh nghiệp nào cũng không muốn bỏ qua một thị trường tiềm năng đến thế. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quốc gia càng muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng lẫn thị trường tiêu thụ, và một thị trường như RCEP là lựa chọn không thể thiếu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật Bản, Australia nhất trí thúc đẩy CPTPP và RCEP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO