“Lá bài” nông sản trong thương chiến Mỹ - Trung mạnh cỡ nào?

An Huy| 08/08/2019 09:30

Nông sản đã trở thành một "lá bài" quan trọng trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngành nông nghiệp Mỹ đang đối mặt nhiều thách thức - Ảnh: Reuters.

Ngành nông nghiệp Mỹ đang đối mặt nhiều thách thức - Ảnh: Reuters

Tuần này, Bắc Kinh chính thức tuyên bố dừng mua nông sản Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Nông dân Mỹ mất khách "sộp"

Việc Trung Quốc rút khỏi thị trường nông sản Mỹ đồng nghĩa với việc nông dân Mỹ mất đi một trong những khách hàng lớn nhất. Đây thực sự là đòn giáng mạnh vào các nông trại Mỹ, giữa lúc ngành nông nghiệp nước này gặp nhiều khó khăn trong năm 2019 vì nông sản mất giá, dịch bệnh và thời tiết bất lợi.

Ngoài ra, không bán được nông sản cho Trung Quốc cũng sẽ gây tổn thất về GDP cho Mỹ, và thiệt hại cho các tập đoàn sản xuất thiết bị nông nghiệp nước này như Deere.

"Doanh thu đã giảm trong niên vụ này vì thuế quan của Trung Quốc. Nếu không thể bán được nông sản cho Trung Quốc nữa, thì ảnh hưởng đối với thị trường và giá cả sẽ rất lớn", ông Pat Westholl - Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách lương thực và nông nghiệp thuộc Đại học Missouri, nhận xét. "Việc Trung Quốc rút hoàn toàn khỏi thị trường nông sản Mỹ là một chuyện rất lớn".

Theo thống kê của Chính phủ Mỹ, Trung Quốc nhập khẩu 5,9 tỷ USD nông sản Mỹ trong năm ngoái, là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ tư của Mỹ. Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới và chiếm khoảng 60% đậu tương xuất khẩu của Mỹ.

Theo ước tính của ông Westhoff, giá đậu tương Mỹ đã giảm 9% kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung bắt đầu vào tháng 7 năm ngoái.

Từ tháng 9/2017 đến tháng 5/2018, xuất khẩu đậu tương Mỹ sang Trung Quốc đạt 27,7 triệu tấn. Cùng kỳ 2018-2019, con số này giảm hơn 70%, còn 7 triệu tấn - theo số liệu của Đại học Missouri.

Ông Westhoff nói rằng, do thuế quan trả đũa của Trung Quốc, Mỹ thiệt hại khoảng 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu đậu tương mỗi năm. Đây là mức thiệt hại trước khi Trung Quốc dừng hẳn việc mua nông sản Mỹ.

Ngoài ra, thuế quan cũng ảnh hưởng đến tất cả các nông sản khác của Mỹ. Do nhu cầu đậu tương giảm, nông dân Mỹ phải trồng nhiều hơn các loại nông sản khác như ngô, dẫn tới nguồn cung ngô tăng và giá ngô giảm.

Các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Mỹ. Đơn vị: tỷ USD - Nguồn: USDA/CNBC.

Các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Mỹ. Đơn vị: tỷ USD - Nguồn: USDA/CNBC

Cựu Phó thống đốc bang Iowa, bà Patty Judge, cho rằng việc mất đi một đối tác thương mại như Trung Quốc đặt ra một "tình thế nguy hiểm". "Người nông dân sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng", bà Judege nói.

Xuất khẩu nông sản chiếm một phần tương đối nhỏ trong GDP 20 nghìn tỷ USD hàng năm của Mỹ. Tuy nhiên, theo bà Judge, sự trả đũa của Trung Quốc là đòn trực tiếp giáng vào nông dân Mỹ, làm trầm trọng thêm những thách thức khác mà họ vốn dĩ đang phải đối mặt.

Nguy cơ khủng hoảng nông nghiệp Mỹ

Thu nhập ròng của các nông trại ở Mỹ đã giảm liên tiếp trong 6 năm qua, từ trước khi có ảnh hưởng của thuế quan. Tổng thu nhập ròng của các nông trại Mỹ đã giảm 45% từ mức 123,4 tỷ USD vào năm 2013, còn 63 tỷ USD trong năm ngoái, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp nước này (USDA).

Link bài viết

Năm nay, ngoài thuế quan, nông dân Mỹ còn đối mặt với ngập lụt và dịch tả lợn châu Phi - nhân tố khiến nhu cầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi suy giảm.

Hồi tháng 5/2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu triển khai một gói cứu trợ 16 tỷ USD nhằm hỗ trợ nông dân vượt qua thách thức chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, bà Judge nói rằng gói hỗ trợ này bỏ qua nhiều nông trại nhỏ và không phải là một giải pháp lâu dài.

Hôm thứ Ba, ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter rằng nông dân Mỹ biết Trung Quốc "sẽ không thể làm họ tổn thương" vì "Tổng thống của họ ở bên họ".

Nông sản vốn là một vấn đề nhạy cảm đối với ông Trump, bởi nông dân là một lực lượng quan trọng ủng hộ ông trong cuộc bầu cử 2016. Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi cuối tháng 6/2019, ông Trump tuyên bố Trung Quốc đã hứa mua thêm khối lượng lớn nông sản Mỹ. Nhưng sau đó, ông cáo buộc Bắc Kinh không thực hiện lời hứa này và đi đến quyết định áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Ông John Rutledge - Giám đốc đầu tư của Safanad, nói rằng không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc chọn nông sản làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ. Một mặt, "vũ khí" này gây tổn thất cho GDP và lực lượng chính trị là những nông dân nhỏ của ông Trump. Quan trọng hơn, đánh vào nông sản Mỹ sẽ gây thiệt hại cho các công ty nông nghiệp Mỹ vốn thường là nhà tài trợ lớn của Đảng Dân chủ.

"Rõ ràng đây là một sự trả đũa", ông Rutledge nói. "Đây thực sự là một lĩnh vực lớn để nhằm vào".

Không chỉ nông dân Mỹ điêu đứng, mà những tập đoàn như Deere và Caterpillar cũng đang "ngồi trên đống lửa" vì sự trả đũa của Trung Quốc. Đây là những công ty có doanh thu phụ thuộc không nhỏ vào việc bán máy nông nghiệp.

Hồi tháng 5/2019, Deere cho biết nhiều nông trại Mỹ đã hoãn việc mua thiết bị nông nghiệp vì tình hình bấp bênh. Hôm thứ Hai tuần này, giá cổ phiếu Deere giảm 4,8% sau khi có tin Trung Quốc dừng mua nông sản Mỹ.

Bà Judge nhắc lại cuộc khủng hoảng nông nghiệp của Mỹ hồi thập niên 1980, khi giá nông sản xuống thấp khiến các nông trại vỡ nợ hàng loạt. Với cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung bế tắc, bà Judge lo ngại sự lặp lại "thập kỷ đau thương" của các nông trại Mỹ.

(Theo VnEconomy - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Lá bài” nông sản trong thương chiến Mỹ - Trung mạnh cỡ nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO