Dịch lại bùng mạnh
Vượt qua Brazil, Ấn Độ đang trở thành nước có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ. Đặc biệt ở quốc gia Nam Á này đã xuất hiện một đột biến kép của virus SARS-CoV-2 mà các nhà khoa học nói là dường như có khả năng lây lan nhanh hơn. Đáng lưu ý là tổng số người tử vong tính riêng trong nửa tháng qua tại Ấn Độ đã vượt qua Mỹ và Brazil.
Ngoài Ấn Độ, các quốc gia khác như Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Philippines, dịch bệnh cũng tăng mạnh. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ Nhật Bản một lần nữa phải ban bố tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 4 vừa qua, trong khi Campuchia đã phong tỏa và giãn cách xã hội tại thủ đô Phnom Penh trong nửa cuối tháng 4.
Có thể nói, thế giới đang một lần nữa chứng kiến sự gia tăng trở lại các ca nhiễm Covid-19 và tâm điểm giờ đây là châu Á. Tính đến ngày 7/5/2021, thế giới đã có hơn 156,7 triệu người nhiễm SARS-CoV-2, số ca tử vong hơn 3,27 triệu, chiếm tỷ lệ 2%. Trong đó, châu Âu có hơn 45,2 triệu ca nhiễm, châu Á 42,5 triệu ca, Bắc Mỹ 38,7 triệu ca, Nam Mỹ gần 25,6 triệu ca và châu Phi là hơn 4,6 triệu ca.
![]() |
Trước đó, từ giữa tháng 4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho rằng đại dịch Covid-19 đang có chiều hướng tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu, khi một số quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp chống dịch giữa lúc số ca nhiễm hằng tuần đang cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Virus SARS-CoV-2 đang trở nên mạnh hơn, lây lan nhanh hơn, với sự xuất hiện của những biến thể mới nguy hiểm hơn so với biến chủng ban đầu, cũng là nguyên nhân chính đẩy dịch bệnh bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia. Như chủng Bengal - một biến thể mới của SARS-CoV-2 đã được phát hiện ở Ấn Độ, gồm ba đột biến của virus kết hợp với nhau để tạo thành một biến thể mới, có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể khác, khiến nhiều người mắc bệnh.
Đe dọa kinh tế toàn cầu
Trước tình trạng ấy, các chuyên gia y tế đều tin rằng, đẩy mạnh chương trình tiêm chủng là cách kiểm soát dịch Covid-19 tốt nhất, nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và bảo vệ người dân trước nguy cơ dịch tái bùng phát. Nhờ nỗ lực tiêm phòng, Israel đã có thể nới lỏng một số biện pháp hạn chế để chống Covid-19.
Sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 đang là rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt. Trong một báo mới đây, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng 6% trong năm 2021 và 4,4% trong năm 2022, cao hơn các mức dự báo đưa ra trước đó. Tuy nhiên, IMF cảnh báo vẫn còn nguy cơ bất ổn, đồng thời nhận định kinh tế toàn cầu có thể tăng mạnh hơn nếu tiêm chủng được tăng tốc.
WHO hồi cuối tháng 4 đã kêu gọi nước giàu dư thừa vaccine ngừa SARS-CoV-2 chia sẻ cho các nước nghèo. Đơn cử như tại Mỹ, nguồn cung vaccine đang vượt quá nhu cầu tiêm chủng, buộc nước này đã đồng ý chia sẻ 60 triệu liều cho nhiều nước.
Có thể thấy đà phục hồi của các nền kinh tế sẽ tùy theo tiến độ của chiến dịch tiêm phòng, giữa những nước nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng (ít nhất 75% dân được tiêm phòng) với những nước chậm hơn trong cuộc đua này. Vì lẽ đó, nhiều ý kiến gần đây đã kêu gọi các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo tiếp cận vaccine và xem việc đạt được tỷ lệ tiêm cao là ưu tiên hàng đầu.
WHO hồi cuối tháng 4 đã kêu gọi nước giàu dư thừa vaccine ngừa SARS-CoV-2 chia sẻ cho các nước nghèo. Đơn cử như tại Mỹ, nguồn cung vaccine đang vượt quá nhu cầu tiêm chủng, buộc nước này đã đồng ý chia sẻ 60 triệu liều cho nhiều nước. Mới đây nhất, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng ủng hộ tạm thời bỏ bản quyền vaccine ngừa SARS-CoV-2 nhằm hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình tự sản xuất.
Tuy nhiên, tỷ phú Bill Gates lại cho rằng việc chia sẻ công thức vaccine phải đi kèm với chuyển giao công nghệ và Mỹ phải tài trợ về tài chính, hệ thống cơ sở vật chất lẫn chuyên môn, nếu không có thể gây ra nguy hiểm. Nếu vaccine sản xuất không đạt chuẩn nhưng vẫn tiêm trên diện rộng sẽ gây ra những tai nạn y khoa khó lường, làm xói mòn niềm tin của dân chúng vào vaccine. Khi đó, dù đã có vaccine nhưng sẽ ít người tiêm.
Thực tế một số vaccine đã gặp vấn đề, như vaccine của Johnson & Johnson đã từng bị giới chức y tế Mỹ khuyến nghị tạm dừng sử dụng do lo ngại tình trạng một số ca xảy ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm. Trong khi đó, các nhà chức trách châu Âu cũng đang nghiên cứu sự liên quan giữa hiện tượng đông máu và việc tiêm vaccine của AstraZeneca (Anh), sau khi nhiều nước dừng sử dụng vaccine này.