Indonesia bổ sung lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ, thị trường thế giới lao đao

Thảo Phương| 29/04/2022 07:30

Indonesia - nước chiếm hơn 1/3 xuất khẩu dầu thực vật toàn cầu, vừa bổ sung lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ. Điều này khiến thị trường dầu ăn thế giới tiếp tục chao đảo.

Bloomberg đưa tin ông Airlangga Hartarto - Bộ trưởng Bộ Điều phối Các vấn đề kinh tế Indonesia, lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia sẽ được mở rộng đối với dầu cọ thô, dầu cọ RBD (dầu cọ đã được tinh luyện, tẩy và sấy khô) và dầu ăn đã qua sử dụng.

Một ngày trước đó, ông Hartarto cho biết lệnh cấm chỉ được áp dụng đối với dầu cọ tinh luyện. Chính sách sẽ được bắt đầu từ ngày 28/4 và kéo dài cho đến khi giá dầu ăn trong nước hạ nhiệt.

Lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia sẽ được mở rộng đối với dầu cọ thô, dầu cọ RBD và dầu ăn đã qua sử dụng. Ảnh: Bloomberg.

Lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia sẽ được mở rộng đối với dầu cọ thô, dầu cọ RBD và dầu ăn đã qua sử dụng. Ảnh: Bloomberg.

Rơi vào thế khó

Lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia đã đưa ngành công nghiệp dầu cọ vào thế khó. Giá trồi sụt mạnh trong vỏn vẹn vài ngày. Giá dầu cọ đã tăng vọt sau tuyên bố chung ban đầu. Giới doanh nhân lo ngại rằng lệnh cấm sẽ được áp dụng với tất cả sản phẩm liên quan.

Tuy nhiên, thông tin cho rằng lệnh cấm chỉ được áp dụng đối với một số mặt hàng dầu cọ tinh luyện khiến giá giảm phần nào. Nhưng động thái mới nhất của Indonesia một lần nữa khiến giá bật tăng. Giá dầu cọ tương lai tăng 10% sau tuyên bố mới của ông Hartarto.

Dầu cọ được chế biến và vận chuyển dưới nhiều hình thức khác nhau. Những quả màu đỏ của cây cọ dầu được nghiền nát để sản xuất dầu cọ thô. Sản phẩm có thể được tinh chế, tẩy và khử mùi để loại bỏ tạp chất. Dầu cọ thô, sau khi được tinh chế, sẽ được sản xuất thành dầu ăn. Đây là loại dầu được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Còn dầu không ăn được có thể dùng để sản xuất dầu diesel sinh học và xà phòng.

Indonesia tuyên bố cấm xuất khẩu dầu ăn 2 tháng sau khi Nga đổ quân vào Ukraine. Xung đột đã làm chao đảo thị trường dầu hướng dương toàn cầu. Điều này cũng siết chặt nguồn cung của những loại dầu thực vật khác, được sử dụng trong thực phẩm, nhiên liệu sinh học và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. 

Link bài viết

Những quốc gia đang phát triển như Ấn Độ sẽ chịu tác động nặng nề. Bởi họ phụ thuộc vào nhập khẩu dầu cọ, loại dầu thực vật rẻ hơn dầu đậu nành, dầu hướng dương và dầu hạt cải.

Rủi ro lan tỏa

Hiện tại, lệnh cấm của Indonesia thậm chí còn làm gia tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung thực phẩm và giá cả leo thang tại nước này. Bởi những quốc gia khác cũng có thể đưa ra động thái tương tự nếu xung đột Nga - Ukraine kéo dài.

"Chúng ta có thể chứng kiến một vài sản phẩm khác bị đưa vào danh sách cấm xuất khẩu. Điều này có thể khiến mối lo ngại phình to", ông Carlos Mera - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường Hàng hóa Nông nghiệp tại Robobank - cảnh báo.

Tình trạng thiếu dầu ăn đang lan rộng ở Indonesia. Giá thực phẩm tăng vọt đã dẫn đến dòng người đổ xuống đường biểu tình. Giá dầu ăn tăng vọt có thể thúc đẩy giá của các mặt hàng khác tăng cao. Bất ổn xã hội trở thành nỗi lo ngại hàng đầu đối với chính quyền Tổng thống Joko Widodo.

Trước đó, giá dầu cọ giao tháng 7 đã tăng trần 10% tại Kuala Lumpur, rồi đóng cửa phiên giao dịch ở ngưỡng cao nhất kể từ ngày 9/3. Mức tăng tiếp tục được mở rộng trong phiên giao dịch đêm. Còn ở Chicago, giá dầu đậu nành - mặt hàng thay thế của dầu cọ - đã tăng tới 4% lên mức kỷ lục mới.

(Theo Zing News - Tựa bài do DNSG đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Indonesia bổ sung lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ, thị trường thế giới lao đao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO