Giải quyết già hóa dân số bằng tiền điện tử

Tùy Phong| 28/02/2023 05:30

Với Busan - đô thị có tỷ trọng dân số già cao nhất Hàn Quốc, giải pháp được kỳ vọng giải quyết vấn đề dân số là tiền điện tử.

Giải quyết già hóa dân số bằng tiền điện tử

Busan đang tìm cách trở thành một trung tâm tài chính hoặc trung tâm tài sản số. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg

Bất chấp sự hỗn loạn vây quanh thị trường tiền điện tử, Busan - thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc vẫn "đánh cược" rằng, nó sẽ thu hút người trẻ tuổi đến sống và làm việc tại đây. Theo Bloomberg, Busan đang tìm phương án xây dựng một sàn giao dịch công khai cho các tài sản số, để thu hút công ty blockchain (chuỗi khối) cùng giới đầu tư mạo hiểm.

Và, ngay cả sự sụp đổ của FTX - sự kiện được xem là "một trong những vụ gian lận tài chính lớn nhất lịch sử Mỹ", cũng không khiến các nhà hoạch định chính sách thành phố cảng này thay đổi quyết định. Điều này không phải là không có lý do, khi Busan là đô thị "siêu già" và đang đối mặt với thách thức lớn về nhân khẩu: hơn 20% dân số từ 65 tuổi trở lên.

Theo Park Kwang-hee - người đứng đầu bộ phận tài chính và blockchain tại chính quyền Busan, người trẻ thích làm việc trong các lĩnh vực như tiền điện tử.

"Chúng tôi nghĩ việc tập trung vào tài sản số và các sản phẩm tài chính là đúng đắn", ông Parknói.

Trên thực tế, mục tiêu biến Busan thành một trung tâm tài chính hoặc trung tâm tài sản số không mới, khi "người hàng xóm" Tokyo từ lâu đã nỗ lực trở thành một trung tâm tài chính châu Á, bất chấp rào cản ngôn ngữ và mức thuế cao hơn hẳn so với Hồng Kông hay Singapore.

Link bài viết

Ngoài ra, không thiếu quốc gia hay thành phố đã chấp nhận tiền điện tử, mà điển hình là El Salvador - nơi đã công nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Những người ủng hộ tiền điện tử lập luận rằng tài sản số sẽ hỗ trợ chống lạm phát và là cách để thúc đẩy toàn diện nền tài chính, trong khi công nghệ blockchain có khả năng cách mạng hóa mọi thứ, từ hệ thống tài chính đến du lịch.

Dù vậy, với Busan nói riêng và Hàn Quốc nói chung, đây có thể là lần đầu tiên tiền điện tử được xem là phương tiện giúp thay đổi cấu trúc dân số. Cần biết rằng, Hàn Quốc là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong nhóm nền kinh tế có GDP bình quân đầu người ít nhất là 30.000 USD.

Nỗ lực trẻ hóa bằng tiền điện tử và blockchain

Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, nhóm người trên 65 tuổi dự kiến ​​sẽ chiếm 20% dân số vào năm 2025. Và, vấn đề dân số già đặc biệt nghiêm trọng ở Busan - nơi mà cụm từ "ông già và biển cả", tên tiểu thuyết ngắn của Ernest Hemingway, thường được sử dụng để mô tả thành phố cảng. Đến tháng 9 năm ngoái, nhóm người từ 65 tuổi trở lên ở Busan đã lên 21%.

Đô thị "siêu già" đầu tiên của Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg

Busan trở thành đô thị lớn "siêu già" đầu tiên của Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg

Để khắc phục tình trạng trên, Busan đã ký biên bản ghi nhớ với một số sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, trong đó có Binance, để hợp tác thành lập trung tâm giao dịch tiền điện tử vào cuối năm nay.

Ông Park Kwang-hee cho biết, bản chất không được kiểm soát của tiền điện tử là lý do cần một sàn giao dịch công khai được quản lý. Theo lộ trình phát triển, hoạt động giao dịch cuối cùng sẽ được mở rộng thành một dạng như "mã thông báo bảo mật", tài sản số được xếp vào nhóm chứng khoán và điều chỉnh theo luật thị trường Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, để trở thành trung tâm tiền điện tử toàn cầu, Busan cũng nỗ lực thu hút các công ty blockchain. Năm 2019, thành phố cảng đã được chỉ định là khu vực tự do thử nghiệm công nghệ này cũng như phát triển các doanh nghiệp có liên quan.

Link bài viết

Hiện, Busan đang hỗ trợ 6 dự án blockchain liên quan đến 17 công ty, cũng như đang tìm cách hút các công ty bên ngoài. Tháng 12 năm ngoái, đã có 15 công ty như vậy đã chuyển đến Trung tâm Tài chính Quốc tế Busan, nâng tổng số lên 29. Trước đó 2 tháng, một nhóm quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào blockchain đã cam kết đầu tư 100 triệu USD.

Với một chuyên gia về nhân khẩu học như Choi Eunju, các nỗ lực nói trên rất có ý nghĩa, song cơ hội thành công thực tế là rất thấp. "Chỉ một điều này (phát triển trung tâm tài sản số) là không đủ để giải quyết vấn đề già hóa". 

Theo nhà nghiên cứu tại Viện Sejong này, cuộc sống ở Busan có thể không hấp dẫn với người trẻ, một phần vì nền giáo dục và các lựa chọn khác ở đây không tốt bằng những nơi như Seoul.

Hơn nữa, việc có thêm nhiều công ty đồng ý lập trụ sở tại một nơi cách Seoul hơn 300 km là không dễ dàng, theo Koo Yunmo - nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Busan. Do đó, việc thành lập sàn giao dịch tiền điện tử công khai một cách nhanh chóng sẽ là chìa khóa.

Một yếu tố cản trở nữa là chính sách "cứng rắn" của chính quyền trung ương Hàn Quốc với tiền điện tử. Ngoài việc cấm ICO (hoạt động chào bán các đồng tiền mã hóa lần đầu, tương tự IPO), chính quyền cũng cấm hoạt động giao dịch tiền điện tử với trẻ vị thành niên và người nước ngoài.

Tuy nhiên, bất chấp các thách thức này, thị trưởng Busan Park Heong-joon vẫn lạc quan, cho rằng thành phố đang đàm phán với chính phủ để giải quyết bất kỳ sự khác biệt nào. "Đây là một con đường hoàn toàn mới. Chúng tôi đang tiếp tục tham khảo ý kiến ​​của các chuyên gia để phát triển kế hoạch của mình", ông Park nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải quyết già hóa dân số bằng tiền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO