Cuộc sụp đổ được báo trước: Nguy cơ khủng hoảng tài chính đến đâu?

Khả Hân| 27/03/2023 01:00

Tại cuộc họp báo ở Bern ngày 19/3/2023, Chủ tịch Tập đoàn Ngân hàng Thụy Sĩ (Swiss Bank Corporation - SBC)  và Ngân hàng Credit Suisse - hai đối thủ lớn của ngành ngân hàng Thụy Sĩ, đã công bố một liên minh quan trọng nhưng chưa chắc bền vững.

Cuộc sụp đổ được báo trước: Nguy cơ khủng hoảng tài chính đến đâu?

Thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua một phen biến loạn trong tháng 3 vừa qua, khi một số ngân hàng tại Mỹ và châu Âu đứng trước nguy cơ sụp đổ. Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ đã châm ngòi đầu tiên khi bị buộc phải dừng hoạt động vào ngày 10/3/2023, trở thành ngân hàng lớn nhất đóng cửa kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008. 

Sự sụp đổ được báo trước?

Trước đó, tính đến cuối ngày 9/3, SVB bị khách hàng rút một khoản tiền gửi lên đến 42 tỷ USD, khiến số dư tiền mặt âm 958 triệu USD và không thể huy động đủ tài sản thế chấp từ các nguồn khác. Với mô hình hoạt động nhận tiền gửi ngắn hạn từ các công ty công nghệ và khách hàng startup đem mua trái phiếu chính phủ dài hạn để ăn chênh lệch lãi suất, nhưng SVB lại không có giải pháp bảo hiểm rủi ro chênh lệch kỳ hạn và lãi suất. 

Khi việc tăng lãi suất khiến danh mục trái phiếu đầu tư của ngân hàng bị giảm giá, cộng thêm khách hàng rút tiền, buộc SVB phải bán một lượng trái phiếu lớn để thanh toán, lỗ 1,8 tỷ USD, thông tin này được tung ra càng thúc đẩy khách hàng rút tiền hàng loạt khiến nhà băng này sụp đổ.

Cần biết rằng, từ tháng 1/2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) từng cảnh báo về hệ thống quản trị rủi ro của SVB. Năm 2020, FED thông báo với SVB rằng hệ thống kiểm soát rủi ro của họ không đáp ứng yêu cầu với một định chế tài chính lớn có hơn 100 tỷ USD tài sản, khi SVB đã tăng trưởng thần tốc cùng với sự phát triển phi mã của các công ty startup trong giai đoạn dịch Covid-19, với tài sản chạm mốc 114 tỷ USD vào cuối năm 2020 và lên 209 tỷ USD vào cuối năm 2021.  

Link bài viết

Đến tháng 7/2022, FED đánh giá SVB kém hiệu quả về quản trị và kiểm soát, kéo theo một loạt hạn chế. Mùa Thu năm 2022, các giám sát viên từ FED gặp lãnh đạo cấp cao của SVB để trao đổi khi thấy ngân hàng này đang sử dụng các mô hình không hiệu quả khi FED tăng lãi suất. Đầu năm 2023, FED tiếp tục đánh giá khả năng quản lý rủi ro của SVB và phát hiện thêm nhiều thiếu sót, nhưng khi đó ngân hàng này đã không thể cứu chữa kịp.

Sự hỗn loạn khởi đầu bởi SVB chưa dừng tại đó, khi Signature Bank và Silvergate Bank sụp đổ, có nguy cơ lây lan sang các ngân hàng địa phương khác. Bên kia bờ Đại Tây Dương, châu Âu cũng rúng động trước sự sụp đổ của ngân hàng Thụy Sĩ 167 năm tuổi Credit Suisse - một trong những ngân hàng lớn nhất toàn cầu, khiến Tập đoàn Ngân hàng Thụy sĩ (Swiss Bank Corporation - SBC) phải mua lại sau khi nhận được cam kết sẽ được hỗ trợ giải cứu bởi Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, những gì diễn ra tại Credit Suisse không quá bất ngờ khi những năm qua, nhà băng này vướng vào một loạt bê bối, từ các khoản lỗ giao dịch lớn cho đến sự xung đột về quản lý của các lãnh đạo cấp cao. Vào năm ngoái, Credit Suisse đã đưa ra kế hoạch tái cấu trúc và sa thải hàng nghìn nhân viên, nhưng có lẽ mọi thứ đã quá muộn. 

Trước việc ba ngân hàng Mỹ sụp đổ chỉ trong vòng một tuần, niềm tin của các nhà đầu tư vào ngành ngân hàng đã bị lung lay, khiến kế hoạch huy động thêm vốn của Credit Suisse bị thất bại khi cổ đông lớn từ Ả Rập Xê út từ chối đầu tư thêm.

Kinh tế toàn cầu đối mặt cuộc khủng hoảng mới?

Những sự kiện liên tiếp xảy ra khiến không ít nhà đầu tư "rùng mình" nhớ lại hai cuộc khủng hoảng gần đây: cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và cuộc đại khủng hoảng năm 2008 dẫn đến suy thoái toàn cầu. Cũng cách đây 15 năm, cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ đại suy thoái thập niên 1930 cũng khởi đầu với sự phá sản của Ngân hàng Lehman Brothers vào ngày 15/9/2008, với khoản nợ lên đến 613 tỷ USD và trở thành vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, ở Mỹ đã có khoảng 11.000 ngân hàng lớn nhỏ phá sản. Giờ đây, một cuộc khủng hoảng ngân hàng đã xảy ra, những người gửi tiền có nhiều khả năng sẽ hoảng loạn hơn và nhiều ngân hàng Mỹ bị mất thanh khoản hoặc phá sản có thể vẫn còn tiềm ẩn nhưng lần này quy mô sẽ nhỏ và nhẹ hơn, đặc biệt là sự phản ứng nhanh nhạy của ngân hàng trung ương nhiều nước đã giúp củng cố niềm tin cho nhà đầu tư hơn.

Dù nguy cơ cuộc khủng hoảng tài chính là không chắc chắn, nhưng với những rủi ro hiện nay đã tạo ra tâm lý bất an đối với công chúng, thanh khoản của nhiều nền kinh tế có thể bị tắc khi các tổ chức thận trọng hơn và thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay, nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ tiền mặt nhiều hơn. Về lâu dài, xu hướng này có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Đơn cử như các ngân hàng lớn của Mỹ đã bơm 30 tỷ USD tiền gửi vào Ngân hàng First Republic ngày 16/3 để giải cứu khi bị cuốn vào cuộc khủng hoảng ngày càng lớn, đồng thời FED và Bộ Tài chính Mỹ cũng cam kết bơm tiền hỗ trợ cho các ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản. Credit Suisse cũng được vay một khoản khẩn cấp từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ trị giá 54 tỷ USD để tăng cường thanh khoản, phần nào xoa dịu cơn hoảng loạn về cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yanet Yellen mới đây khẳng định hệ thống ngân hàng của nước này vẫn ổn định nhờ những hành động quyết đoán và mạnh mẽ sau vụ sụp đổ của SVB. Nhiều nhà phân tích tài chính tin rằng, khủng hoảng năm 2008 sẽ không lặp lại vì hiện nay các ngân hàng nhìn chung có vốn đầu tư tốt hơn nhiều, chất lượng tín dụng và khả năng thanh toán của hệ thống cũng không có vấn đề gì, do đó sẽ không có bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nào sắp tái diễn.

Dù vậy, với những rủi ro mới từ việc lãi suất tăng đã khiến các ngân hàng bị ảnh hưởng, có lẽ cũng đã đến lúc tiếp tục "sửa chữa" hệ thống tài chính ngân hàng thêm một lần nữa. Với các quy định về vốn của Mỹ không yêu cầu hầu hết ngân hàng tính đến việc giảm giá trái phiếu mà họ dự định nắm giữ cho đến khi đáo hạn, nhưng qua trường hợp của SVB có thể thấy nếu một ngân hàng chao đảo và phải bán trái phiếu, những khoản lỗ không được ghi nhận sẽ trở thành hiện thực. Vì vậy, các cơ quan quản lý cũng phải xây dựng cơ chế có tính đến những rủi ro từ việc tăng lãi suất, bổ sung các yêu cầu về vốn đệm và xây dựng quy tắc để đảm bảo an toàn cho ngành ngân hàng.

Dù nguy cơ cuộc khủng hoảng tài chính là không chắc chắn, nhưng với những rủi ro hiện nay đã tạo ra tâm lý bất an đối với công chúng, thanh khoản của nhiều nền kinh tế có thể bị tắc khi các tổ chức tài chính thận trọng hơn và thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay, còn nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ tiền mặt nhiều hơn. Về lâu dài xu hướng này có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc sụp đổ được báo trước: Nguy cơ khủng hoảng tài chính đến đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO