Chấp nhận sống chung với dịch bệnh để cứu nền kinh tế

Lê Phan| 14/09/2021 07:52

Dù đã tiêm vaccine mở rộng hay chưa, nhiều nước đành phải chấp nhận sống chung với dịch Covid-19, chấp nhận mở cửa để cứu nền kinh tế...

Kinh tế thiệt hại nặng nề

Những tưởng dịch bệnh sẽ sớm qua đi khi vaccine được tiêm chủng rộng rãi, nhưng với biến thể Delta khiến nhiều quốc gia lại phải “đau đầu” đối phó với các đợt dịch bùng phát, dẫn đến tái áp đặt các chính sách giãn cách xã hội khiến kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt là tại châu Á, nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoặc sản xuất cầm chừng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều nhà sản xuất ô tô, thiết bị công nghệ lớn trên thế giới phụ thuộc vào phụ tùng, thiết bị bán dẫn được sản xuất tại Thái Lan, Việt Nam, Malaysia. Tuy nhiên, các quốc gia Đông Nam Á vốn được xem là công xưởng của các công ty toàn cầu đang bị tác động nặng nề vì dịch Covid-19, nhiều nhà máy phải tạm ngưng sản xuất.

Không chỉ vậy, công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới là Trung Quốc cũng suy giảm, với chỉ số PMI tháng 8 đã rớt xuống còn 49,2 điểm, dưới mốc chuẩn 50 điểm. Đây là lần đầu tiên sản xuất tại Trung Quốc bị thu hẹp trong một năm rưỡi qua, trong bối cảnh phải kiểm soát dịch bệnh, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu tăng cao.

Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) sản xuất của Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia chứng kiến mức sụt giảm mạnh trong những tháng gần đây. Tại Việt Nam, PMI ngành sản xuất tiếp tục giảm từ mức 45,1 điểm trong tháng 7 xuống còn 40,2 điểm trong tháng 8, đánh dấu tháng thứ ba đi xuống liên tiếp và cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020 - thời điểm mà Việt Nam phải áp đặt giãn cách xã hội toàn quốc.

Có thể thấy cuộc khảo sát về PMI đã thể hiện rõ tác động trên diện rộng của dịch bệnh tới khu vực châu Á. Tại đây, đà tăng về ca nhiễm và các biện pháp phong tỏa gây tổn thương rất lớn cả lĩnh vực dịch vụ lẫn sản xuất. Cứ đà này, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể rút dần khỏi khu vực, hoặc chí ít nguồn vốn đầu tư mới cũng sẽ bị chững lại, khi đó Đông Nam Á lẫn Trung Quốc khó có thể giữ vị trí trung tâm sản xuất toàn cầu.

Sống chung với dịch

Trong khi đó, nguồn cung vaccine mà nhiều nước châu Á được tiếp cận vẫn khá hạn chế. Nhưng nếu các nước còn lại không thể kiểm soát dịch bệnh, virus có khả năng tạo ra biến chủng mới và sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine hiện có, khi đó các nước giàu có cũng có thể bị đe dọa nếu dịch bùng phát tại những quốc gia nghèo với tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Gần đây, biến chủng Mu xuất hiện đã gây ra lo ngại về một thảm họa mới, sau khi có những bằng chứng sơ bộ cho thấy chủng nCoV này có thể né khả năng miễn dịch được tạo ra nhờ vaccine và kháng thể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 30/8/2021 đã đánh giá biến chủng Mu vào nhóm đáng lo ngại vì khả năng lây nhiễm cao hơn các chủng khác. Hiện biến chủng này đã xuất hiện trên nước Mỹ.

Trước tình hình này, dù đã tiêm vaccine mở rộng hay chưa, nhiều nước đành phải chấp nhận sống chung với dịch bệnh, chấp nhận mở cửa lại để cứu nền kinh tế, vì nếu để ngưng trệ sản xuất, kinh doanh quá lâu sẽ dẫn đến suy thoái trầm trọng và phải mất nhiều thời gian để vực dậy. 

Có thể kể đến như Anh - quốc gia đã chấm dứt mọi biện pháp chống dịch và đã giãn cách xã hội từ cách đây hai tháng. Mọi lệnh cấm hội họp và đeo khẩu trang nơi đông người cũng được dỡ bỏ. Người dân có thể tới nhà hàng, quán bar, hoặc vào sân xem bóng đá như chưa từng có đại dịch. Nền kinh tế số một của EU là Đức cũng cho phép người đã tiêm chủng đủ được thoải mái di chuyển. Ý bỏ yêu cầu mang khẩu trang ngoài trời. 

Gần đây, biến chủng Mu xuất hiện đã gây ra lo ngại về một thảm họa mới, sau khi có những bằng chứng sơ bộ cho thấy chủng mới nCoV này có thể né khả năng miễn dịch được tạo ra nhờ vaccine và kháng thể.  

Israel - một trong những quốc gia triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhanh nhất thế giới với hơn 85% dân số trưởng thành được tiêm đầy đủ hai liều cũng đã lên kế hoạch đón khách du lịch theo các nhóm nhỏ bắt đầu từ tháng 9. Tại châu Á, các trung tâm thương mại ở Singapore đã được phép hoạt động trở lại.

Có thể thấy, hơn một năm sau khi dịch Covid-19 bùng phát, ngày càng nhiều nước chấp nhận Covid-19 không thể bị xóa sổ, do đó chính phủ đã khuyến khích người dân chuyển dần sang trạng thái sống chung với virus SARS-CoV-2.  Một số quốc gia từng theo đuổi mô hình “Zero Covid” đang cân nhắc chuyển đổi chiến lược, trong đó có Úc. 

Tuy nhiên, ngay cả các quốc gia chưa được tiêm vaccine đầy đủ cũng muốn nhanh chóng mở cửa trở lại, nếu không muốn kinh tế thiệt hại ngày càng nặng nề và ảnh hưởng đến thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Giới chức y tế cho rằng, việc các quốc gia cố gắng đưa số ca mắc nCoV về số 0 là không hiệu quả. Thay vào đó, nên tập trung bảo vệ những người dễ tổn thương, theo dõi các ổ lây nhiễm, đẩy mạnh tiêm vaccine, đảm bảo hệ thống y tế hoạt động hiệu quả và người dân duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần, nâng cao ý thức phòng, chống dịch.

Thế giới đang chờ đợi các loại thuốc trị SARS-CoV-2, thay vì quá phụ thuộc vào vaccine mà vẫn không thể đảm bảo khả năng miễn nhiễm khi đã được tiêm chủng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chấp nhận sống chung với dịch bệnh để cứu nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO