Mặt trận công nghệ lại nóng
Ngày 7/8/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm mọi tổ chức và cá nhân giao dịch với công ty mẹ của TikTok (ByteDance) và WeChat (Tencent), nếu các ứng dụng này không được bán lại cho công ty Mỹ. Theo giới phân tích, việc nhắm vào TikTok cũng như các nền tảng khác của Trung Quốc là dấu hiệu trực tiếp cho thấy Mỹ muốn ngăn chặn các công ty Trung Quốc độc chiếm hoặc thao túng dữ liệu toàn cầu.
Đây là đòn mới nhất nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc, sau các chính sách cấm vận các tập đoàn lớn như Huawei và ZTE được thực thi hơn một năm qua. Một số ý kiến cho rằng, sắc lệnh mới này còn tác động rộng lớn hơn vì đe dọa cắt đứt kênh giao tiếp giữa người dân hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Từ lâu, Washington luôn cáo buộc các ứng dụng của Trung Quốc thu thập thông tin công dân Mỹ, gây ra rủi ro an ninh quốc gia vì dữ liệu có khả năng rơi vào tay Chính phủ Trung Quốc, dù phía Trung Quốc vẫn phủ nhận điều này.
![]() |
Chỉ một tuần sau đó, ngày 14/8/2020, Tổng thống Trump ra lệnh cho chủ sở hữu của ứng dụng TikTok bán lại tài sản ở Mỹ trong vòng 90 ngày vì vấn đề an ninh quốc gia. Quyết định của ông Trump được đưa ra sau cuộc điều tra của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ - vốn xem xét việc thâu tóm doanh nghiệp Mỹ của các nhà đầu tư nước ngoài. Được biết, ByteDance đã mua lại ứng dụng Musical.ly vào năm 2017 và sáp nhập vào TikTok.
Tuy nhiên, quyết định trên của Tổng thống Trump được cho là ảnh hưởng đến một số công ty công nghệ của Mỹ, đơn cử như Apple, khi mà khách hàng truyền thống của iPhone ở Trung Quốc đang cân nhắc việc sử dụng điện thoại này sau khi Tổng thống Trump ra sắc lệnh cấm công ty Mỹ làm ăn với WeChat.
Ba ngày sau đó, ngày 17/8/2020, Bộ Thương mại Mỹ đã ra lệnh cấm bất kỳ công ty nào trên thế giới sử dụng phần mềm hay thiết bị của Mỹ để thiết kế, sản xuất chip và bán chúng cho Huawei nếu hãng này tham gia bất cứ giai đoạn nào trong quá trình giao dịch với tư cách là người mua, người nhận hàng trung gian hay người dùng cuối.
Bộ Thương mại Mỹ cũng đưa thêm 38 công ty liên kết của Huawei ở 21 nước vào danh sách đen nhằm ngăn chặn các công ty Mỹ bán linh kiện và công nghệ cho họ nếu chưa có giấy phép đặc biệt. Năm ngoái, Mỹ đã đưa Huawei và 114 công ty liên kết của hãng này vào danh sách đen. Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói rằng, quyết định này nhằm ngăn chặn Huawei và các công ty liên kết tiếp cận công nghệ Mỹ thông qua bên thứ ba, gây tổn hại cho an ninh quốc gia và lợi ích ngoại giao của Mỹ.
Nhưng có vẻ mọi chuyện sẽ chưa sớm dừng lại. Sau TikTok và WeChat, giới quan sát tin rằng các công ty thương mại điện tử như Alibaba sẽ là mục tiêu kế tiếp, khi đây là một trong những doanh nghiệp được dung dưỡng trong môi trường có đầy đủ sự bảo hộ tại Trung Quốc, nơi đã đóng cánh cửa đối với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài và họ chiếm thị phần mà không cần phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài.
Mặt trận tài chính và thương mại
Ngày 10/8/2020, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố các công ty từ Trung Quốc và quốc gia khác không đáp ứng theo tiêu chuẩn kế toán sẽ bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ từ cuối năm 2021. Ông Mnuchin và các quan chức khác đề xuất điều này cho Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC), với mục đích đảm bảo các công ty Trung Quốc tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn của các công ty Mỹ. Đây là bước đi kế tiếp trong kế hoạch hạn chế và ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận dòng vốn từ nhà đầu tư Mỹ.
![]() |
Cũng trong ngày 17/8/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết chính quyền của ông sẽ áp dụng các biện pháp khuyến khích dành cho những công ty chuyển sản xuất quay về Mỹ và đây là một phần trong kế hoạch của ông nhằm giảm sự lệ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc. Ông tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tạo ra các tín dụng thuế dành cho những công ty mang việc làm từ Trung Quốc quay về Mỹ và sẽ áp đặt thuế quan lên những công ty rời bỏ Mỹ để tạo ra công ăn việc làm ở nước ngoài".
Ngày 19/8/2020, ông Trump cho biết đã hủy đàm phán thương mại cuối tuần qua với Trung Quốc, mà theo kế hoạch lẽ ra phải diễn ra vào ngày 15/8/2020 vừa qua. Ông cho biết: “Tôi không muốn đàm phán với Trung Quốc ngay lúc này", đồng thời chỉ trích việc Bắc Kinh xử lý Covid-19 là "không thể tưởng tượng nổi". Khi được hỏi liệu Mỹ có rút khỏi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hay không, Trump đáp: "Chúng ta cứ chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Trung Quốc cũng chưa thực hiện cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký kết trong tháng 1/2020, mặc dù ông cho biết tổng giá trị mua nên tăng trong năm 2021. Tổng thống Mỹ cũng lặp lại lời kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngừng xem Trung Quốc là quốc gia đang phát triển, cho rằng việc làm như vậy sẽ mang lại lợi thế không công bằng cho Trung Quốc hơn so với Mỹ và những nước khác.
Có vẻ như quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ còn rất lâu mới đạt được một thỏa thuận toàn diện, thậm chí có nguy cơ đổ vỡ khi mâu thuẫn giữa hai cường quốc này ngày càng gia tăng, trước những tranh cãi từ Luật An ninh Hồng Kông, vấn đề Đài Loan và Biển Đông, cho đến những chỉ trích về cách xử lý đại dịch Covi-19 của Trung Quốc. Trong khi đó, giới phân tích dự báo khả năng Trung Quốc sẽ đem vấn đề TikTok và WeChat vào các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo.