Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc bắt đầu đối diện với “thập kỷ mất mát”?

PV 16/02/2024 16:00

Nikkei Asia đưa tin, nhiều chuyên gia khi chứng kiến nỗ lực lặp đi lặp lại nhưng còn hạn chế của Chính phủ Trung Quốc nhằm nâng giá cổ phiếu, đã tự hỏi liệu đất nước tỷ dân có học được kinh nghiệm từ Nhật Bản, sau khi bong bóng tài sản vỡ cách đây hơn 3 thập niên?

Giá cổ phiếu đã không còn là hồi chuông cảnh báo về khủng hoảng nợ của Trung Quốc, nó thậm chí còn chỉ ra, nền kinh tế số hai thế giới đang có dấu hiệu bước vào “thập kỷ mất mát”.

media.cnn.com-api-v1-images-stellar-prod-_240123082436-shenzhen-stock-exchange-011724.jpg
Cổ phiếu Trung Quốc bất ổn trong thời gian gần đây - Ảnh: CNN

Trung Quốc thời gian gần đây tăng cường mua cổ phiếu của các quỹ liên kết với nhà nước, và trấn áp hoạt động bán khống. Họ cũng thay người đứng đầu Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Quốc gia. Những nỗ lực nhằm nâng giá cổ phiếu mà không giải quyết các vấn đề kinh tế mang tính cơ cấu, được cho có thể đi vào vế xe đổ của Nhật Bản trong thập niên 1990.

Tháng 12/1993, Nikkei Asia có 1 bài báo với tựa đề “Nhiều phương pháp cho các hoạt động giữ giá tài sản: cơ bản nhất là giao dịch mua được hỗ trợ bởi các quỹ công quy mô lớn”. Tên tiếng Anh của bài báo là “There are many methods of price-keeping operations: the most basic are purchases backed by large-scale public funds”.

Tháng 3/1993, Nikkei Asia đưa tin, Hiệp hội Đại lý Chứng khoán Nhật Bản sẽ bắt đầu cho phép phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 2 lần một tuần kể từ tháng tiếp theo. Cơ quan này trước đây chỉ cho phép IPO 1 lần 1 tuần, để ngăn chặn tác động tiêu cực đến thị trường.

Một quan chức Bộ Tài chính Nhật khi đó đã nói thẳng với báo chí: “Có phải chúng ta đang can thiệp và điều chỉnh cung – cầu của cổ phiếu không? Câu trả lời là có.”

Kết quả, phần lớn nhà đầu tư trong và ngoài nước đều rút khỏi cổ phiếu Nhật Bản. Khi việc mua bán yếu đi, thị trường chứng khoán không thể đưa ra cảnh báo về khoản nợ ngày càng tăng của quốc gia, làm trì hoãn phản ứng của Chính phủ, dẫn đến khủng hoảng tài chính những năm 1990. Đây là điểm khởi đầu cho “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản.

Trong một cuốn sách gần đây, giáo sư Keiichiro Kobayashi từ Đại học Keio viết rằng, sự lãnh đạo của Chính phủ Nhật trong những năm 1990, đã thúc đẩy nỗ lực toàn xã hội nhằm làm suy yếu thị trường. Sau một thời gian dài đi chệch các nguyên tắc thị trường, nhiều người bị giảm giá trị tài sản, nguồn lực sa sút và đất nước suy thoái trong thời gian dài.

Khủng hoảng ở Nhật đã chuyển nhà đầu tư sang giai đoạn bùng nổ internet ở Mỹ, hội nhập kinh tế ở châu Âu và tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi.

Mô tả của giáo sư Kobayashi về Nhật Bản những năm 1990, có thể thấy lờ mờ ở kinh tế Trung Quốc những năm 2020.

Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn. Sự phục hồi chứng khoán gần đây của Nhật Bản, một phần do nhà đầu tư tìm cách tái cân bằng lượng nắm giữ của họ ở châu Á. Một số vỡ mộng trước sự can thiệp quá nhiều của nhà nước tại thị trường Trung Quốc. Một số cảm thấy bất lực khi bất động sản không thể phục hồi và sức mua ở đất nước tỷ dân ảm đạm trong thời gian dài, kể cả đợt Tết nguyên đán vừa rồi – ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Trung Quốc bắt đầu đối diện với “thập kỷ mất mát”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO