Chờ cuộc cách mạng để chuyển đổi số
Trong "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP.HCM giai đoạn 2022-2025", TP.HCM đã đề ra mục tiêu và quyết sách thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa - dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số.
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số chiếm tỷ trọng khoảng 25% GRDP của TP.HCM và tăng lên mức 40% vào năm 2030. Năm 2022, kế hoạch đặt ra là đóng góp khoảng 15%. TP.HCM đặt tầm nhìn đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Theo ước tính sơ bộ của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS), quy mô nền kinh tế số TP.HCM năm 2021 chiếm khoảng 14,4%. Và để thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị, tạo sự đột phá trong việc xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, giữ vững và phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.
Các chuyên gia cho rằng, cơ cấu kinh tế TP.HCM hiện nay và 5-10 năm tới sẽ dịch chuyển theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Các công nghệ số mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và Internet vạn vật sẽ tạo ra những bước nhảy vọt về cơ sở hạ tầng công nghiệp, đơn giản hóa chuỗi cung ứng và logistics đang phát triển và trở thành xu thế chủ đạo với động lực ngày càng tăng để thay đổi nền kinh tế, DN và thị trường lao động.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, triển khai hiệu quả chuyển đổi số, kinh tế số là một trong những cơ hội quan trọng, giúp TP.HCM đi tắt đón đầu, phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và tiến vượt so với các nước trong khu vực.
TP.HCM với hơn 95% là DN vừa và nhỏ cùng với hơn 300.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể đang tạo ra sức sống cho đời sống kinh tế của thành phố. Hiện TP.HCM đang thực hiện nhiều giải pháp trong chương trình chuyển đổi số và đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, với ba lĩnh vực trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Có 5 nhóm giải pháp lớn là đổi mới và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, phát triển nguồn nhân lực và an toàn thông tin.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA) cho rằng, thành phố đang trong bối cảnh "chờ cuộc cách mạng để thực hiện chuyển đổi số”. Vì vậy, thành phố cần yêu cầu các đơn vị sự nghiệp có thu sử dụng ít nhất 30% ngân sách của quỹ khoa học - công nghệ để ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Ngoài ra, cần phải đặt tiêu chí chuyển đổi số cho nhiều lĩnh vực khác nhau và có sự tương tác với người dân và DN.
Nhưng để phát triển nền kinh tế số, thành phố cần có sự đột phá về thể chế, trọng tâm là về mặt pháp luật, tháo gỡ những khó khăn để huy động tối đa các nguồn lực song song với việc xây dựng thể chế theo hướng đổi mới sáng tạo, mà cụ thể hơn là khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, chú trọng nguồn lực chất lượng cao cùng với nguồn lực từ nhà quản trị, kinh doanh có tư duy đột phá, thích ứng với đổi mới và có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Không chỉ vậy, thành phố cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, giáo dục, đào tạo, trong đó gồm hạ tầng về công nghệ thông tin, hạ tầng số để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số nhanh chóng.
Đồng hành cùng DN
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, có 4 nhiệm vụ quan trọng để thành phố thực hiện nền kinh tế số là chiến lược nguồn nhân lực, chiến lược đảm bảo an ninh an toàn thông tin, chiến lược dữ liệu, xây dựng "trung tâm công nghệ số - Digital Hub".
Thành phố sẽ đồng hành cùng DN, xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với các giải pháp thiết thực, đi thẳng vào các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, quyết tâm khắc phục. Ưu tiên chuyển đổi số một số lĩnh vực người dân và DN có nhu cầu giao dịch lớn để tập trung đầu tư, tạo thay đổi căn bản, như lĩnh vực đất đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký DN, đăng ký đầu tư...
Mục tiêu, chiến lược, quyết sách xây dựng kinh tế số của thành phố đã có, tuy nhiên các DN vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện. Theo ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), khó khăn đối với các DN thành phố, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ là thiếu nguồn lực, hạn chế về mặt thông tin và tiếp cận công nghệ. Một thách thức khác là HUBA chưa có danh sách đối tác chuyển đổi số uy tín để giới thiệu, kết nối cho các DN thành viên. Vì vậy, thành phố cần phải có cơ chế đột phá, dẫn dắt và tạo điều kiện cho các DN tham gia hệ sinh thái chuyển đổi chung, kích cầu cho DN chuyển đổi số, cho phép sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ và hỗ trợ một phần kinh phí để thúc đẩy chuyển đổi số.
Khó khăn là vậy nhưng các DN vẫn quyết tâm thực hiện chiến lược chuyển đổi số để xây dựng nền kinh tế số. Ông Nguyễn Hùng Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty FSI cho biết, hiện nay các DN uy tín trong Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (VINASA) đã xây dựng bộ công cụ công nghệ chuyển đổi số cho 26 ngành nghề phổ biến trong nền kinh tế. Trong năm nay sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ công cụ này và triển khai các hoạt động đào tạo, hỗ trợ, thúc đẩy cộng đồng DN Việt Nam trong hoạt động chuyển đổi số. Tuy nhiên, để thực hiện tốt, các chủ DN phải không ngừng học hỏi, tham gia nghiêm túc và kỷ luật mới có cơ hội thành công trong thị trường nhiều cơ hội và ngày càng khốc liệt.
Riêng tại FSI, có nhiều việc được DN này thực hiện để chuyển đổi số thành công. Cụ thể, công ty ứng dụng công nghệ để gia tăng trải nghiệm khách hàng; chuyển đổi, tối ưu các quy trình nghiệp vụ theo hướng số hóa, tự động hóa tối đa để rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí, nâng cao chất lượng đầu ra. Bên cạnh đó, công ty đưa ra mô hình kinh doanh mới thông qua việc ứng dụng các công nghệ số tân tiến nhất để khai thác kho dữ liệu lớn, tổng thể được tạo ra từ hai quá trình nêu trên.