Kinh tế đêm tại TP.HCM: Thực trạng và giải pháp

Nhóm SV - PV| 30/05/2022 01:00

TP.HCM được xem là đầu tàu kinh tế, hội tụ nét văn hóa, ẩm thực của hầu hết các địa phương trên cả nước, và là điểm đến luôn thu hút du khách trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành cho rằng, sản phẩm kinh tế đêm của Thành phố còn nghèo nàn, thiếu bản sắc.

"Ngủ sớm" vì vắng khách

Các khu chợ đêm, dịch vụ kinh tế ban đêm đa số vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu do tiểu thương tự doanh, mặc dù được cho phép kinh doanh từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau nhưng các khu chợ đêm vẫn thường kết thúc trước 23 giờ. 

Ghi nhận tại một số chợ ẩm thực đêm trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi thấy rằng dù là khu ẩm thực có tiếng và quy mô lớn nhưng vẫn đóng cửa khá sớm. Ví dụ như phố ẩm thực Vĩnh Khánh hay chợ Xóm Chiếu (quận 4), hàng quán cũng chỉ buôn bán đến 22 giờ. Các khu ẩm thực hiện nay cũng chủ yếu phục vụ khách nội địa, sau "dư chấn" từ đại dịch, lượng khách nước ngoài vẫn thưa thớt.

Chị Nguyễn Thị Lan - tiểu thương kinh doanh tại khu vực này cho hay: "Trước dịch, quán tôi mỗi đêm có hàng chục lượt khách nước ngoài, bây giờ thì không chỉ quán tôi mà các quán trên đoạn đường này rất ít thấy khách nước ngoài".

Chung tình trạng đó, tại phố Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) vốn là nơi thu hút khách nước ngoài khi đến TP.HCM, sau khi đi vào hoạt động tháng 8/2017, mỗi ngày thu hút hàng nghìn lượt du khách các nước, nhưng từ đại dịch đến nay, lượng khách đã giảm rất nhiều.

Link bài viết

Nằm trong tầng hầm Công viên 23/9 (quận 1), Trung tâm thương mại Central Market, hay còn gọi là "Chợ ngầm" cũng chịu chung tình trạng thưa khách. Theo đó, lượng khách đến đây đã giảm rõ rệt so với trước đại dịch Covid-19. Hàng chục kiốt phải đóng cửa, những cửa hàng ăn uống bị bỏ trống, cơ sở vật chất bị hư hại sau hai năm không hoạt động. Những cửa hàng còn lại buôn bán lẻ tẻ, thưa khách. Nhiều tiểu thương tại khu vực này đã phải rời bỏ hoặc tạm dừng kinh doanh vì lợi nhuận quá kém, không thể duy trì cửa hàng.

Có một hiện tượng làm xấu thêm "kinh tế đêm" tại TP.HCM là tình trạng móc túi, cướp giật tại "khu phố Tây" Bùi Viện, vốn được xem là địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Hay việc thư giãn như đi dạo dọc bờ sông Sài Gòn cũng bị lực lượng bảo vệ kiểm soát. Chẳng hạn, khu vực bờ sông Sài Gòn ngay cạnh Vinhomes Golden River là nơi lý tưởng để đi bộ, vui chơi, gặp gỡ bạn bè nhưng chỉ cần qua 22 giờ, bảo vệ sẽ lập tức "hỏi thăm".

Dịch vụ đêm nghèo nàn

TP.HCM đang lãng quên "mỏ vàng" khi không có nhiều sản phẩm về đêm để "rút hầu bao" du khách. Trong khi thế giới xem Night Time Economy là cách "hái ra tiền" thì ở TP.HCM, nhiều năm qua, du khách không có nhiều dịch vụ giải trí về đêm, không có chỗ chơi, không biết tiêu tiền thế nào.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt cho rằng, ban ngày khách chủ yếu đi theo chương trình, chỉ buổi tối mới có thời gian để khám phá văn hóa, ẩm thực và các hoạt động khác. "Trong chương trình tour, quỹ thời gian buổi tối rất nhiều để khách tự do khám phá, trải nghiệm. Tuy nhiên, chúng ta không có nhiều sản phẩm ban đêm để trải nghiệm nên đa phần khách thường rủ nhau đi nhậu", ông Mỹ nêu thực tế.

Theo ông Mỹ, Đài Loan có hàng trăm chợ đêm. Khách du lịch Đài Loan 4 ngày phải đi 4 chợ đêm vì các chợ đêm ở đây được xây dựng không giống nhau. Mỗi khu chợ đêm ở Đài Loan mang một phong cách riêng, không cái nào giống cái nào nên đều có điểm nhấn để thu hút du khách.

Trong khi đó, Sài Gòn là một trong những điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và ngoài nước nhưng lại không có một khu chợ đêm đúng nghĩa, có chăng chỉ vài ba khu phố ẩm thực để thu hút thực khách đến ăn và nhậu. Cũng vì thế mà không gia đình nào dám đưa con đến "khu phố Tây" Bùi Viện vì ở đây chẳng có dịch vụ gì dành cho trẻ nhỏ.

cho-ngam-2-JPG-4890-1653530999.jpg

Theo TS. Trương Hoàng Phương - thành viên Ban Nghiên cứu sản phẩm du lịch, Hiệp hội Du lịch TP.HCM, khi khách du lịch đến một điểm nào đó thì ngoài thời gian tham quan ban ngày, quỹ thời gian họ còn lại ban đêm rất lớn. Do đó phải suy nghĩ cần làm gì để tạo sản phẩm cho du khách. Du lịch hồi phục cũng là lúc phải định hình lại sản phẩm, mở rộng và xây dựng thêm những dịch vụ mới lạ, hấp dẫn để lôi kéo khách tới và nâng cao giá trị chi tiêu của khách.

Việc cần làm gì để tạo sản phẩm cho du khách về đêm đã được các đơn vị lữ hành tại TP.HCM đặt ra từ rất lâu, nhưng tới giờ gần như không có nhiều thay đổi, ngay dịch vụ ẩm thực cũng chưa tạo được sự khác biệt giữa ăn uống ban ngày và ăn uống ban đêm. 

Link bài viết

Khách ăn buổi tối, đáng lẽ phải ngồi lâu hơn, có cơ hội sử dụng tiền nhiều hơn thì hiện nay chúng ta chỉ có thể đưa họ vào những nhà hàng, quán ăn bình thường. Đó là một sự lãng phí.

Theo ông Trương Hoàng Phương, TP.HCM cũng thiếu dịch vụ vui chơi, giải trí. Những điểm để khách du lịch có thể chơi thâu đêm suốt sáng hiện nay tại TP.HCM hầu như không có. TP.HCM nên quy hoạch để có những dịch vụ vui chơi đi kèm và dĩ nhiên là phải tuân theo quy định của pháp luật. Các dịch vụ như bar, vũ trường, thậm chí cả casino cho người nước ngoài chơi xuyên đêm đến giờ TP.HCM vẫn chưa có.

Cũng theo ông Trương Hoàng Phương, những show biểu diễn nghệ thuật hiện nay tại TP.HCM cũng không có nhiều, ngoại trừ chương trình À Ố Show. Tuy nhiên, À Ố Show vẫn chưa là một điểm đến vào ban đêm mà khách phải nhất định trải nghiệm như khi đến Thái Lan hay một số quốc gia khác là phải đi đâu đó, phải trải nghiệm dịch vụ nào đó. Dù chương trình À Ố Show được biểu diễn ở Nhà hát Thành phố, gần phố đi bộ nhưng hiện nay phố đi bộ Nguyễn Huệ chưa phải là phố đi bộ "sống". 

"Có nghĩa là TP.HCM chưa có nhiều hoạt động theo đúng nhu cầu của du khách. Vấn đề khách tiêu tiền thế nào khi tới phố đi bộ Nguyễn Huệ thì dường như TP.HCM chưa nghĩ đến", ông Trương Hoàng Phương phân tích và cho rằng, vị trí để trình diễn chương trình nghệ thuật À Ố Show khá tốt nhưng phố đi bộ chưa khai thác hết để biến nó thành "mỏ vàng".

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Công ty Du lịch Vietravel trong hội thảo "Đột phá kinh tế từ du lịch" diễn ra hồi trước dịch Covid-19 khẳng định, nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm mới đáng kể, chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong đường tour của khách. Tuy nhiên, hiện TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác có ngành du lịch được xem là kinh tế mũi nhọn, dịch vụ giải trí về đêm để thu hút khách, tăng khả năng chi tiêu của khách lại chưa được xem trọng đầu tư.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐÊM TẠI TP.HCM

ong-nguyen-minh-phong-4370-1653533871.jp

TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế: Nên làm thí điểm và có một số chính sách hỗ trợ

Để phát triển kinh tế ban đêm, cần nghiên cứu thị trường, nhu cầu của khách du lịch và tiềm năng cụ thể mỗi địa phương. Trước mắt, triển khai thí điểm tại một số quận, huyện trước khi triển khai rộng rãi. Hơn nữa, cần có kế hoạch và sự chỉ đạo thống nhất để xây dựng và tạo "hệ sinh thái kinh tế ban đêm" đồng bộ cả về luật pháp, mạng lưới quản lý dịch vụ an toàn và cơ sở hạ tầng.

Tập trung hình thành và phát triển các khu kinh tế ban đêm chuyên biệt, được quy hoạch dài hạn và đầu tư bài bản, đầy đủ điện, nước, kết nối giao thông tiện lợi. Các sản phẩm của khu kinh tế ban đêm cần đa dạng và tiện ích cao, đạt được các yêu cầu cao về chất lượng và an toàn xã hội. Đồng thời, cần thành lập những cơ quan và phát triển đội ngũ các nhà quản lý chuyên nghiệp quản lý các doanh nghiệp và dịch vụ hoạt động về đêm. 

Nếu làm tốt, chắc chắn các khu kinh tế ban đêm sẽ vừa là động lực kinh tế, vừa là động lực văn hóa, giúp tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. 

Ong-Truong-Hoang-Phuong-4659-1653533871.

TS. Trương Hoàng Phương: Phải kết hợp giữa "ba nhà”

Muốn phát triển kinh tế ban đêm, phải có sự phối hợp giữa "ba nhà”: chính quyền (Nhà nước) - doanh nghiệp - cộng đồng địa phương (người dân), trong đó Nhà nước ở vai trò chủ đạo, là đơn vị định hướng chiến lược và có chính sách mở. 

Nếu chính sách không mở hoặc Nhà nước làm quá khắt khe, sẽ rất khó để nhà đầu tư triển khai kinh tế ban đêm. Chẳng hạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng nhưng cách đó không xa, lực lượng chức năng lại ra quân, lập chốt kiểm tra nồng độ cồn thì cũng khó để mời gọi đầu tư. 

Chính quyền cũng phải tạo điều kiện cho cư dân địa phương tham gia kinh tế ban đêm, tạo nên sản phẩm, dịch vụ và giúp giải quyết được vấn đề an sinh, tạo ra được sắc màu đa dạng cho hoạt động du lịch về đêm.

Ong-Nguyen-Van-My-7112-1653533871.jpg

Chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Mỹ: Chợ đêm trước tiên là để phục vụ chính người dân địa phương

Điều quan trọng là chính quyền phải thay đổi tư duy nếu muốn phát triển kinh tế đêm, phát triển chợ đêm. Phải hiểu rằng, chợ đêm trước tiên là để phục vụ chính người dân địa phương trước khi nghĩ tới việc phục khách du lịch.

Chợ đêm trước hết phải là công viên văn hóa, không gian văn hóa của người dân. Vì thế, xây dựng và phát triển chợ đêm phải lấy người dân làm căn cơ. Từ đó mới tạo ra được giá trị riêng biệt về văn hóa và tự khắc sẽ thu hút được du khách.

Ông Nguyễn Ngọc Toản - Giám đốc Công ty Images Travel: Đáp ứng cho từng thị trường khách cụ thể 

TP.HCM thiếu không gian đô thị để đáp ứng cho từng thị trường khách cụ thể. Đơn cử như dòng khách châu Âu thường có sở thích sau khi ăn tối sẽ được trải nghiệm ở những con phố có màu sắc địa phương với kiến trúc cổ kính.

Ong-Nguyen-Ngoc-Toan-7007-1653533872.jpg

TP.HCM có khu Nguyễn Huệ, khu Bùi Viện, nhưng không đủ. Vì khu Nguyễn Huệ quá hoành tráng và hiện đại, không mang bản sắc của Sài Gòn, trong khi khu Bùi Viện thì hợp với giới trẻ, thích ăn nhậu hơn khám phá văn hóa. Hiện nay, TP.HCM có một số khu vực ở quận 5 hay dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có một số kiến trúc cổ kính nhưng lại thiếu dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khám phá của khách.

Chính quyền cũng cần cho phép các hình thức biểu diễn nghệ thuật đường phố thiên về nghệ thuật truyền thống bên cạnh việc kinh doanh hè phố. Việc triển khai nghệ thuật đường phố và kinh doanh hè phố sẽ tạo nên sự đa dạng về các dịch vụ trải nghiệm ban đêm cho khách vì thể hiện được cuộc sống của người dân. Đây là điểm đặc biệt mà các nước châu Âu không có.

Về phương thức thực hiện, chính quyền chỉ cần tạo cơ chế, hướng dẫn, quy hoạch bài bản để người dân triển khai.

TS. Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM: Cần đa dạng sản phẩm và chiến lược cụ thể

Trong bối cảnh ngành du lịch TP.HCM đang khôi phục sau giãn cách để phòng, chống đại dịch Covid-19, muốn thu hút khách du lịch phải mở tour với những sản phẩm mới, hấp dẫn hoặc làm mới sản phẩm hiện có. Giá cả tại các khu chợ đêm phải hợp lý, tuyệt đối không chặt chém; không chèo kéo khách, không có hàng rong, vé số, các mặt hàng phải phong phú, đa dạng, sản phẩm phải mới lạ, đặc trưng; khu vực ẩm thực phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sạch đẹp.

TS-Quang-Thang-6904-1653533872.jpg

Chúng ta đang hướng đến thành phố thông minh, vì thế chợ đêm không chỉ là ẩm thực, quần áo, hàng lưu niệm... mà cũng rất cần các mặt hàng công nghệ cao, mang tính sáng tạo của người dân, có đăng ký bản quyền, giá thành hợp lý, là cơ hội để quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao.

Việc thiết kế khu chợ đêm rất quan trọng, sao cho vừa bắt mắt vừa thông thoáng, không gian sạch đẹp, an ninh và tạo những điểm nhấn riêng của một thành phố năng động; đồng thời phải kết hợp khu vui chơi, ca nhạc, trò chơi dân gian và đảm bảo yếu tố tiện lợi.

Chính quyền, nhà quản lý phải luôn kết nối với tiểu thương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cũng như có những chính sách hỗ trợ thiết thực về vay vốn, giảm thuế, phí...

Tóm lại, chợ đêm muốn có sức hút khách phải đặc sắc, mới lạ, sản phẩm phải độc đáo nhưng giá cạnh tranh; thiết kế phải ấn tượng để khách du lịch chỉ nhìn bên ngoài là muốn bước vào bên trong ngay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế đêm tại TP.HCM: Thực trạng và giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO