Cô suy tư, lo lắng về một cộng đồng ngư dân có nguy cơ mất đi những phong tục, tập quán truyền thống và những lễ hội. Trong lòng mỗi người sống gần biển đều có một làng chài. Ai cũng từng ngồi trên bãi cát ngắm những con thuyền trở về mỗi chiều, nhìn cảnh ngư dân cùng vợ con kéo lưới vào bờ, hỉ hả cân cá tươi bán cho bạn hàng. Sau bãi cát, những xóm làng bình yên có từ ngàn đời, ngôi nhà nhỏ, vườn rau xứ biển, mồ mả tổ tiên lúp xúp ngoài bãi cát sau làng.
Từng nhìn những ngôi làng như vậy biến mất trong dự án mở sân golf, từng thấy một đình làng phải phá bỏ, những gia đình ngư dân sau ngày cưỡi sóng đạp gió trên đại dương trở về căn hộ chung cư chật hẹp ven vịnh Đà Nẵng, cô bạn chưa bắt đầu bấm máy nhưng đã suy nghĩ về những giải pháp, đã có những kiến nghị Nhà nước phải quan tâm bảo tồn kế sinh nhai của ngư dân hay văn hóa làng biển.
Tôi cũng từng suy tư khi quan sát đồng bào Cơ tu ở Quảng Nam trong quá trình định cư theo chủ trương, dõi theo những thay đổi trong đời sống, tập tục văn hóa, xây dựng nhà cửa, sản xuất của họ. Từng thấy trai làng khiêng một con heo rừng về và bán luôn cho thương lái. Cuộc mua bán chóng vánh, việc chia tiền cũng lặng lẽ, rồi sau đó có một cuộc nhậu và hát karaoke.
Trong trí nhớ của già làng, khi trai tráng bắt được thú rừng, chiêng trống sẽ được gõ lên, dân làng kéo ra bãi cỏ trước nhà Gươl hát hò, uống rượu, chờ chia thịt, tính cộng đồng rất cao, sự gắn bó, chia sẻ, bảo vệ nhau trước thiên nhiên hoang dã cũng rất chặt chẽ. Những cộng đồng dân tộc thiểu số đang thay đổi và dễ tổn thương về văn hóa.
Một đạo diễn người Pháp, là thầy tôi, khi xem những thước phim nháp và lắng nghe tôi trình bày sẽ đưa vào những kiến nghị mang tính vĩ mô để bảo tồn văn hóa, đời sống của cộng đồng dân tộc thiểu số, đã nói:
"Bộ phim như thế khó có một ngôn ngữ quốc tế. Bởi xu thế của thế giới là con người phải được sống tốt nhất trong điều kiện phát triển. Và bạn đại diện cho một cách nhìn văn minh, áp đặt những tiêu chuẩn văn minh vào họ, không muốn họ đi ra khỏi vòng tay của mẹ rừng, nhưng công cuộc phát triển của các bạn đã phá rừng của họ, mà bạn lại muốn họ sống không "thị trường" như vậy, như những hiện vật sống trong bảo tàng là không đúng quan điểm nhân văn".
Vậy phải làm sao để bảo tồn văn hóa? Câu hỏi này cả thế giới đã hỏi. Và những nhà làm phim hãy cố gắng để có những thước phim chân thực nhất, đúng với bản chất cuộc sống đang diễn ra để thức tỉnh chính cộng đồng đó khi họ xem phim nói về mình, để những người già suy nghĩ, những người trẻ cảm nhận khách quan hơn về cuộc sống và văn hóa đang thay đổi!
Trong thời đại công nghệ số như bây giờ, một thanh niên dân tộc thiểu số ở vùng xa vẫn có thể truy cập mạng internet và hiểu những gì đang diễn ra trên thế giới. Hãy xem cộng đồng ngư dân ở Bali, Indonesia đã thức tỉnh ra sao khi biến ngôi làng của họ thành làng nghệ thuật. Họ lên bờ, giữ những tập tục văn hóa trong các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, mỹ nghệ, mở xưởng làm hàng thủ công nhớ lại cuộc sống cũ. Và du khách trên thế giới đến đó sẽ tiếp cận văn hóa địa phương theo một hình thức khác.
Xin đừng bắt Nhà nước ngưng làm đường giao thông, ngưng cung cấp vật liệu xây dựng, mà hãy tái hiện cuộc sống cũ đẹp và đang thay đổi. Văn hóa còn đó dưới hình thức mới. Và đến giờ, trong các thước phim về những cộng đồng mạnh mẽ trong rừng thẳm ấy, tôi vẫn đi tìm sức mạnh nội tại của họ.