Quốc tế

Kinh tế ASEAN tăng trưởng tốt bất chấp GDP Trung Quốc chậm lại?

PV 04/12/2023 20:01

Trong bốn thập kỷ qua, Đông Nam Á có nền kinh tế gắn kết chặt với Trung Quốc. Quan hệ thương mại và đầu tư, nhìn chung đã hỗ trợ tăng trưởng và nâng cao mức sống, mặc dù cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Hiện nay, GDP của Trung Quốc đang chững lại. Điều này ảnh hưởng thế nào đến kinh tế ASEAN?

Từ khi Trung Quốc tái cân bằng tăng trưởng theo hướng tiêu dùng thay vì đầu tư vào năm 2007, các nhà phân tích nhiều lần bày tỏ nghi ngờ về khả năng thực hiện, mà không gây ra sự giảm tốc đột ngột. Nguyên nhân bởi quá trình thúc đẩy tín dụng trong đầu tư của Trung Quốc, đã đưa tổng nợ lên gần 300% GDP và nới rộng các lỗ hổng tài chính.

trung-quoc-dang-muon-tang-truong-dua-vao-tieu-dung-nhieu-hon-anh-cnbc.jpeg
Trung Quốc đang muốn tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nhiều hơn - Ảnh: CNBC

Đến nay, Trung Quốc ngăn chặn thành công mọi cuộc cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến sụp đổ ở cấp độ vĩ mô, kể cả lĩnh vực bất động sản. Họ cũng thiết lập cơ chế mạnh mẽ nhằm duy trì khả năng chỉ để xảy ra khủng hoảng ở mức thấp. Những biện pháp cứng rắn khiến triển vọng tái cân bằng nền kinh tế không thực sự được kỳ vọng cao.

Tiêu dùng trong GDP của Trung Quốc hầu như không thay đổi trong 15 năm qua. Đầu tư tiếp tục chiếm hơn 40%, bất chấp tình trạng dư thừa công suất trong các ngành truyền thống, như sản xuất thép hay vật liệu xây dựng.

Mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư của Trung Quốc đang đạt đến điểm tới hạn. Đây là nguồn gốc của những vấn đề hiện tại, như sức mua yếu, kho dự trữ hàng hóa lấp đầy, giá cả đi xuống và giảm phát. Ngoài ra, phải kể đến sức khỏe yếu của các thị trường nhập khẩu, khiến không ít doanh nghiệp Trung Quốc giảm xuất hàng, làm cho thị trường nội địa trở nên quá tải.

bat-dong-san-va-xay-dung-o-trung-quoc-duoc-cho-la-dang-bao-hoa-anh-cnn.jpg
Bất động sản và xây dựng ở Trung Quốc được cho là đang bão hòa - Ảnh: CNN

Rạn nứt trong quan hệ với các đối tác xuất khẩu lớn như Mỹ và châu Âu, cộng với sự thay đổi ưu tiên trong nước từ tăng trưởng sang bảo đảm an ninh, cũng khiến triển vọng tăng trưởng của đất nước tỷ dân bị phủ bóng.

Trong lúc các nhà phân tích tranh luận tiềm năng phục hồi trong ngắn hạn, không thể phủ nhận suy thoái về cơ cấu đang diễn ra ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm hơn một nửa từ năm 2007 đến 2019, khả năng xuống còn 3,5% vào cuối thập kỷ này. Trong năm 2023, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5%. Tuy nhiên các thăm dò cho thấy, tăng trưởng thực có thể chỉ đạt từ 4% đến 4,5%.

Nhiều phân tích chỉ ra, chỉ cần tăng trưởng dưới 5%, kinh tế Trung Quốc sẽ gặp vấn đề. Họ như chiếc xe quá lớn và quá nặng, nếu đi chậm sẽ mất thăng bằng.

Đông Nam Á nên lo lắng?

Quan hệ thương mại giữa ASEAN với Trung Quốc đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Buôn bán hàng hóa song phương vượt 500 tỷ USD vào năm 2019. Đến 2022, con số lên đến 975 tỷ USD.

Tuy nhiên mối quan hệ này ngày càng mất cân bằng, bởi Đông Nam Á phụ thuộc lớn vào nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng tăng trưởng xuất khẩu lại không cao. Năm 2022, Trung Quốc xuất sang ASEAN là 535 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 440 tỷ USD. Thâm hụt mậu dịch của Đông Nam Á với Trung Quốc là 95 tỷ USD.

trung-quoc-asean-co-quan-he-thuong-mai-manh-me-anh-bangkok-post.jpg
Trung Quốc – ASEAN có quan hệ thương mại mạnh mẽ - Ảnh: Bangkok Post

Ngoài Indonesia, quốc gia xuất khẩu hàng hóa chủ yếu là nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp đang phát triển nhanh ở Trung Quốc, như xe điện và pin mặt trời, thị trường Trung Quốc trong tổng cơ cấu xuất khẩu của các nền kinh tế lớn ASEAN vẫn giữ nguyên, thậm chí có xu hướng đi xuống trong thập kỷ qua.

Điều này do tăng trưởng của Trung Quốc từ giữa những năm 2000, là giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Quá trình chuyển hoạt động sản xuất về nước, giúp Trung Quốc ngày càng ít phụ thuộc vào quốc gia khác, bao gồm cả láng giềng ở Đông Nam Á, trong việc đáp ứng nhu cầu nội bộ và vận hành chuỗi giá trị của mình.

Trung Quốc đang chuyển trọng tâm sang sản xuất hàng công nghệ cao, nên có thể bắt đầu nhập khẩu nhiều hàng tiêu dùng hơn từ ASEAN. Tại hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo ASEAN tháng 9/2023, Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu từ khu vực. Điều này được nhận xét là không có gì khó khăn với nền kinh tế số 2 thế giới. Riêng về lương thực – thực phẩm, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và các hình thái thời tiết cực đoan đã làm giảm năng suất mùa màng những năm gần đây, buộc họ phải tăng cường nhập khẩu từ bên ngoài. Sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật vào tháng 8/2023, để phản đối Tokyo xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển, đất nước tỷ dân đang tăng cường nhập khẩu từ ASEAN, Nga và một số bạn hàng khác.

Chi tiêu ngày càng tăng của người dân Trung Quốc trong lĩnh vực dịch vụ, cũng mang lại cơ hội tốt cho các nước láng giềng.

Thái Lan, Malaysia, Singapore và nhiều nước khác hưởng lợi từ lượng khách du lịch Trung Quốc tăng mạnh trong những năm trước đại dịch. Ngoài việc trực tiếp nâng cao sự đóng góp của du lịch vào tăng trưởng, du khách còn tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy tiêu dùng. Xu hướng trên có thể tăng tốc hơn, khi những diễn biến địa chính trị bất lợi khiến người dân Trung Quốc tránh xa các địa điểm ưa chuộng trước đây, như Nhật Bản hay Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, yếu tố lớn nhất giúp các nền kinh tế Đông Nam Á bớt lo ngại, là tiềm năng thu hút chuỗi cung ứng muốn tách dần khỏi Trung Quốc. Điều này có thể bù đắp tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế ở đất nước tỷ dân. Không nghi ngờ, viễn cảnh trên đã và đang tác động lan tỏa tích cực cho kinh tế khu vực. Nhiều ông lớn công nghệ muốn chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang ASEAN hoặc Ấn Độ. Lệnh hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ sang Trung Quốc, khiến những nhà máy này khó mua hàng nếu tiếp tục hoạt động. Di dời là viễn cảnh không thể tránh khỏi. Tương tự là các ngành cũng cần nhiều chip và chất bán dẫn như xe hơi, máy tính và điện thoại di động.

doanh-nghiep-phuong-tay-dang-muon-chuyen-bot-nha-may-tu-trung-quoc-sang-khu-vuc-xung-quanh-anh-rcl-group.jpg
Doanh nghiệp phương Tây đang muốn chuyển bớt nhà máy từ Trung Quốc sang khu vực xung quanh - Ảnh: RCL Group

Căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Washington không chỉ lo ngại về hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, mà còn e sợ rằng, Bắc Kinh đang đi trước trong một số công nghệ tiên tiến, cũng như muốn kiểm soát chuỗi sản xuất hàng hóa công nghệ cao. Các lo lắng này được chia sẻ bởi một số đồng minh của Mỹ, như châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chúng được thể hiện trong sáng kiến do Mỹ dẫn đầu, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng giảm phụ thuộc Trung Quốc, ví dụ đất hiếm hay linh kiện điện tử.

Đây cũng là vấn đề với kinh tế ASEAN. Đông Nam Á phụ thuộc lớn vào Trung Quốc về nhiều nguồn cung, cả trực tiếp lẫn trung gian. ASEAN còn nhận không ít đầu tư từ Trung Quốc, nên rất thận trọng trong mối quan hệ với người láng giềng khó tính.

Một vấn đề nữa, ASEAN không phải là điểm đến duy nhất trong việc di dời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Đông Nam Á gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các nền kinh tế như Mexico hay Ấn Độ.

Hoa Kỳ nhận thấy rằng, vị trí của Trung Quốc trong xuất khẩu hàng hóa trung gian toàn cầu, khiến hầu hết chuỗi giá trị trong khu vực và trên thế giới, đều phụ thuộc đất nước tỷ dân. Do đó, tái cơ cấu chuỗi cung ứng để không phụ thuộc Trung Quốc, là nhiệm vụ lâu dài và khó khăn.

Tuy vậy, Washington có thể đưa ra các giải pháp trung hạn theo từng bước cụ thể. Ví dụ giảm vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử là ưu tiên đầu tiên. Gã khổng lồ công nghệ APPLE được khuyến khích chuyển bớt nhà máy sang Ấn Độ, và tìm kiếm thêm đối tác để sản xuất linh kiện, phản ánh 1 phần của chiến lược này. Do đó, các nền kinh tế trong ASEAN có thể hưởng lợi, miễn là họ sẵn sàng hợp tác và đón đầu những công ty lớn bằng chính sách ưu đãi cụ thể. Tăng cường hội nhập thương mại theo chiều dọc, và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ bên ngoài, có thể là khởi đầu tốt cho ASEAN trong chiến lược thu hút thêm đầu tư phương Tây.

Đông Nam Á có rất nhiều lợi thế. Chi phí lao động thấp hay trữ lượng lớn các nguyên liệu thô quan trọng như đồng, thiếc và niken. Bên cạnh đó, ASEAN còn sở hữu đội ngũ kỹ sư trình độ cao và năng lực sản xuất hàng hóa mạnh mẽ. Ngoài ra, không thể bỏ qua vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm giao thương đông – tây, thuận lợi cả đường thủy, đường bộ lẫn đường hàng không. Khí hậu thời tiết là điểm mạnh khác của ASEAN. Nơi đây rất ít hiện tượng quá lạnh hoặc quá nóng.

cac-quoc-gia-asean-co-nhieu-loi-the-ve-dia-ly-giao-thong-va-khi-hau-anh-varijam.jpg
Các quốc gia ASEAN có nhiều lợi thế về địa lý, giao thông và khí hậu - Ảnh: Lotusarise

Đó là lý do các đồng minh phương Tây ngày càng hướng về khu vực này. Năm 2021, FDI của Mỹ đổ vào ASEAN lớn gần gấp 3 lần đổ vào Trung Quốc.

Theo một số chuyên gia, sự chững lại của Trung Quốc sẽ không báo hiệu kết thúc giai đoạn tăng trưởng ấn tượng ở Đông Nam Á.

Các nước như Indonesia hay Việt Nam, vốn có mối liên kết chặt chẽ với kinh tế Trung Quốc, có thể bước đầu gặp khó khăn nhiều hơn. Nhưng đây cũng là cơ hội tìm thị trường mới và đối tác mới. Ngoài ra còn giúp các quốc gia giảm thâm hụt mậu dịch và cân bằng nền kinh tế. Thông qua việc tăng hiện diện trong chuỗi giá trị toàn cầu, kinh tế ASEAN hoàn toàn có thể bù đắp được tổn thất do đất nước tỷ dân tăng trưởng chậm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế ASEAN tăng trưởng tốt bất chấp GDP Trung Quốc chậm lại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO