* Việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang ngày một khó hơn, ông nhận định thế nào về vấn đề này?
- Trong bối cảnh diễn ra cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc càng phải chặt chẽ khi nhập khẩu nông sản. Lúc này trên thế giới, chủ nghĩa dân túy, xu thế bảo hộ đã trở thành vấn đề vừa chính trị vừa kinh tế. Do đó, không lạ khi lãnh đạo nhiều nước chọn bảo vệ nền sản xuất của họ.
Thị trường Trung Quốc bây giờ không còn “dễ tính”, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, đòi hỏi chất lượng sản phẩm tốt, an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ta thường xuất khẩu nông sản loại tốt đi các thị trường “khó tính”, còn những loại nông sản trung bình được đưa đến các thị trường “dễ tính” hơn. Một điểm nữa, doanh nghiệp nước ta vẫn thích buôn bán tiểu ngạch do thủ tục đơn giản. Do đó, khi đứng trước những yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp nước ta cảm thấy đột ngột trong khi đó là xu thế không thể đảo ngược.
* Như ông nói, thị trường Trung Quốc không còn “dễ tính”?
- Đúng vậy. Từ trước đến nay, doanh nghiệp nước ta làm ăn với Trung Quốc chủ yếu ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, là những tỉnh giáp biên giới, buôn bán chủ yếu qua lối mở và tiểu ngạch. Nhưng nếu đi sâu vào nội địa Trung Quốc, nhắm đến Thượng Hải, Thẩm Quyến chẳng hạn thì phải xuất khẩu chính ngạch mới có thị trường ổn định, mà xuất khẩu chính ngạch đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng cao, không khác gì xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ hay Liên minh châu Âu.
* Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì để tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc?
- Trung Quốc mới chỉ đưa ra những yêu cầu căn bản về hàng hóa, như chỉ định rõ doanh nghiệp sản xuất, địa điểm sản xuất, cơ sở đóng gói... Đây là những bước đầu tiên, doanh nghiệp nước ta phải làm được để tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này.
Sự thống nhất giữa Nhà nước và nông dân là hết sức quan trọng, đừng đổ hết lỗi lên doanh nghiệp. Nhà nước phải sớm định ra hệ thống về mã số cho các địa phương, ngành hàng và các loại doanh nghiệp. Cạnh đó, nông dân phải tham gia vào hệ thống này, bám sát diễn biến thị trường để sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng. Chỉ khi làm được những điều đó, doanh nghiệp nước ta mới vượt qua được hàng rào xuất xứ, đưa hàng hóa vào thị trường Trung Quốc.
Thế nhưng, không thể dừng lại ở đó. Nước ta đã tham gia CPTPP và vừa ký EVFTA, phải tính đến việc thực hiện các yêu cầu ở mức cao hơn, từ tiêu chuẩn thị trường, tiêu chuẩn xã hội đến tiêu chuẩn quốc gia. Một điều quan trọng nữa, nông dân phải tham gia vào chuỗi giá trị và liên kết với doanh nghiệp. Nhưng nông dân không thể tham gia được nếu nhỏ lẻ, phải liên kết trong hợp tác xã.
* Ông đang nhìn nông nghiệp Việt Nam dưới góc độ nào?
- Nông nghiệp nước ta đang trong tình trạng có dịch tả lợn châu Phi, giá gạo, cao su, cà phê đang giảm, giá tôm cũng đi xuống. Đã đến lúc phải tái cơ cấu nền nông nghiệp một cách cơ bản, phải nâng cao giá trị gia tăng để hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt là đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, ngăn chặn sử dụng chất cấm trong sản phẩm nông nghiệp để tranh thủ được các FTA thế hệ mới. Tôi nghĩ, việc đầu tiên phải làm là xây dựng chuỗi giá trị và vùng chuyên canh nông thủy sản. Nếu không có hai yếu tố này sẽ không xử lý được các vấn đề trên.
* Xin cảm ơn ông!