Xuất khẩu hàng FOB: Đừng ngại khó

KHÁNH VÂN| 15/04/2009 09:18

Để tránh tình trạng lao động ngành dệt may không có việc làm, các doanh nghiệp (DN) tiếp tục nhận những đơn hàng gia công xuất khẩu. Đó là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, Hiệp hội Dệt May Việt Nam vẫn khuyến khích DN chuyển sang làm hàng FOB xuất khẩu.

Xuất khẩu hàng FOB: Đừng ngại khó

Để tránh tình trạng lao động ngành dệt may không có việc làm, các doanh nghiệp (DN) tiếp tục nhận những đơn hàng gia công xuất khẩu. Đó là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, Hiệp hội Dệt May Việt Nam vẫn khuyến khích DN chuyển sang làm hàng FOB xuất khẩu.

Không khó, phụ thuộc vào ý chí

Cũng rơi vào tình trạng khó khăn chung, đầu năm nay, Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon) chỉ ký được hợp đồng đến hết quý 1, đến tháng 2 vẫn chưa có thêm hợp đồng. Nhưng bây giờ đã có đơn hàng xuất khẩu mùa Thu Đông dưới hình thức FOB trị giá trên 11 triệu USD, sản xuất liên tục đến tháng 11.

Năm 2002, khi muốn tập trung làm hàng FOB, lãnh đạo Garmex Saigon cũng vấp phải khó khăn ban đầu là chuyển đổi nhận thức của cán bộ quản lý. Lúc đó, nhận về những đơn hàng FOB nhưng phải đi thuê gia công vì các đơn vị trong Công ty không chịu làm.

Từ năm 2004, sau khi cổ phần hóa, Garmex Saigon quyết định chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, 80% hàng may xuất khẩu của Công ty Garmex Saigon là hàng FOB, Công ty Garmex Saigon phấn đấu từ nay đến 2011 sẽ đạt 100% hàng FOB. Để làm hàng FOB trước hết phải chú trọng khâu phát triển mẫu, hiện Công ty có 12 nhân viên thiết kế và 80 công nhân chuyên thực hiện hàng mẫu.

Theo ông Nhữ Hồng Thanh, Phó tổng giám đốc Garmex Saigon, hàng FOB của Công ty xuất 50 - 60% sang châu Âu, khoảng 35% sang thị trường Mỹ. Trong tình hình suy thoái, vẫn tạm yên tâm về hàng FOB của Công ty ở thị trường châu Âu. Trong những năm gần đây, khách hàng đòi hỏi rất nhiều ở nhà cung cấp về môi trường sản xuất, phát triển mẫu phong phú, chất lượng nguyên phụ liệu tốt hơn và có giá cạnh tranh.

Để đáp ứng đòi hỏi của người mua hàng, Công ty đã tự đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe cho mình. Đối với khâu sản xuất, có bốn chương trình thực hiện từ cuối năm 2008: Đóng cửa những cơ sở sản xuất gặp khó khăn, tập trung cho các đơn vị lớn, đầu tư chiều sâu vào môi trường và quy trình làm việc; đầu tư cho nguồn nhân lực, sàng lọc lại đội ngũ nhân viên và tuyển dụng thêm một số vị trí phù hợp với cơ cấu vận hành mới; có chương trình quản lý dòng vốn và tỷ giá; tiết kiệm và nâng cao năng lực sản xuất, cắt bỏ chi tiêu không cần thiết.

Trong quan hệ với khách hàng, nhắm vào nhà nhập khẩu nào gắn bó với Công ty, đánh giá đúng tham vọng của họ. Có những khách hàng cho rằng, thời kỳ khủng hoảng này là cơ hội giúp họ chiếm lĩnh thị trường, nhất là đối với những công ty mới ra đời nhưng rất năng động. Với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu, Garmex Saigon đã đàm phán lại giá và phương thức thanh toán, cắt giảm được sự tăng giá bất thường của nhà cung cấp, yêu cầu cho thời gian thanh toán dài hơn trên cơ sở chia sẻ khó khăn với nhau.

Ông Bùi Trọng Nguyên, Tổng thư ký Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM nhận xét: Sản xuất hàng FOB, DN phải chào sản phẩm cho khách hàng chấp nhận tiêu thụ. Muốn như vậy, DN phải thật sự có năng lực, nhất là phải có bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm, mà điều này ít DN dệt may ở Việt Nam thực hiện trong thời gian qua.

Sản xuất hàng FOB sẽ tăng lợi nhuận cho DN, nhưng còn phụ thuộc vào việc tổ chức sản xuất sao cho cắt giảm được công đoạn và thời gian dư thừa, nên đòi hỏi các bộ phận phải phối hợp trong một dây chuyền sản xuất nhịp nhàng. Bắt đầu cái mới bao giờ cũng khó khăn, nhất là khi thay đổi thói quen, lãnh đạo DN phải quyết tâm và biết cách đả thông tư tưởng cho mọi người thì sẽ làm được.

Đấu giá hàng FOB: Nâng tính chuyên nghiệp cho DN

Ông Thanh lưu ý thêm: Xuất khẩu hàng FOB phải có sự đánh giá về khách hàng thường xuyên qua các kênh khác nhau để biết khách hàng mạnh, yếu từng thời kỳ. Khi nói đến phát triển sản phẩm là phải nghĩ đến chuỗi cung ứng, bắt đầu là nguyên phụ liệu. Có những đơn hàng do khách hàng chỉ định nguyên phụ liệu, nhưng có những đơn hàng do DN tự chọn nguyên phụ liệu.

DN phải nắm vững các nguồn nguyên liệu để có thể chào giá. Công ty May Tiền Tiến cũng xuất các mặt hàng thời trang trung, cao cấp của nữ qua hình thức FOB, có giá bán tương đối cao, vì thế đòi hỏi chất lượng nguyên liệu cao, ổn định, giá phải chăng. Với nhiều đơn hàng hiện nay, May Tiền Tiến tự tìm nguyên liệu, thiết kế mẫu và chào hàng.

Đấu giá trực tuyến trên mạng là hình thức phổ biến được các công ty đa quốc gia áp dụng từ nhiều năm nay, nhưng lại tương đối mới mẻ so với các công ty may mặc Việt Nam làm hàng FOB. Chỉ một số nhà sản xuất được khách hàng chọn lựa, căn cứ vào quá trình hợp tác, để cung cấp mẫu và thông tin liên quan đến đơn hàng đấu giá.

Các nhà sản xuất sẽ độc lập chào giá và được khách hàng bảo mật thông tin để mang tính cạnh tranh khách quan. Sau một thời gian chuẩn bị nhất định, các nhà sản xuất sẽ được khách hàng thông báo thời gian tiến hành đấu giá trực tuyến. Tùy vào quy định của khách hàng mà mỗi đơn hàng sẽ có thời gian đấu giá khác nhau, nhưng nhìn chung, việc đấu giá diễn ra nhanh chóng và nhà sản xuất nào có giá thấp nhất sẽ giành được đơn hàng.

Hình thức đấu giá này đã khẳng định niềm tin của khách hàng đối với các DN sản xuất hàng FOB, đồng thời nâng cao năng lực, sự nhạy bén, tính chuyên nghiệp trong kinh doanh của DN Việt Nam, giúp DN mở rộng kinh doanh với nhiều đối tác trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu hàng FOB: Đừng ngại khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO