Xuất khẩu gạo: Nắm lấy “thời hoàng kim”

CÁC NGỌC| 03/12/2009 04:38

Năm 2010 được nhận định là “năm vàng” của các nước xuất khẩu gạo. Liệu VN có tạo được bất ngờ?

Xuất khẩu gạo: Nắm lấy “thời hoàng kim”

Năm 2010 được nhận định là “năm vàng” của các nước xuất khẩu gạo. Liệu VN có tạo được bất ngờ?

Ba nâng” không phải là một chương trình của Chính phủ hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mà là ba khía cạnh liên quan đến sản xuất lúa gạo của VN mà Báo Doanh Nhân Sài Gòn muốn đề cập trong chuyên đề này.

Đó là: Nâng vị trí xếp hạng xuất khẩu gạo VN; nâng hình ảnh, uy tín thương hiệu gạo VN; nâng giá trị tăng thêm cho sản xuất lúa gạo VN. Những việc cần làm đó tựu trung hướng đến nâng cao thu nhập cho nông dân, khẳng định tầm vóc mới của nông nghiệp, nông thôn VN.

Cơ hội bứt phá

Hoạt động mua bán gạo trên thị trường quốc tế gia tăng sau khi có thông tin Philippines cần nhập trên 2 triệu tấn gạo; Indonesia có thể phải hủy kế hoạch xuất khẩu (XK) 2 triệu tấn gạo nếu hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến sản lượng các vụ thu hoạch sắp tới; Ấn Độ từ vị trí là nước XK gạo nhiều thứ ba thế giới, có thể phải nhập 3 triệu tấn gạo vào năm 2010.

Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá gạo thế giới đã tăng, cuối tháng 11 giá gạo XK của VN đã tăng thêm 140USD/tấn so với tháng 10. Số lượng hợp đồng xuất khẩu gạo của VN đã ký đến thời điểm này lên đến trên 6, 1 - 6,2 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay, trong đó đã giao gần 5,69 triệu tấn. Nhu cầu và giá gạo thế giới đang trên đà tăng có lợi cho VN đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu gạo. Philippines vừa mở gói thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo loại 25% tấm.

Kết quả Tổng công ty Lương thực Miền Nam trúng thầu cung ứng 150.000 tấn gạo với giá bán 480USD/tấn (đã tính cước vận chuyển). Theo kế hoạch, Philippines tiếp tục mở thêm các gói thầu nhập khẩu vào các ngày 1/12, 8/12, 15/12, mỗi đợt 600.000 tấn. Đây là cơ hội cho các DN VN bởi nhiều khả năng giá sẽ cao.

VFA đưa ra dự báo giá gạo thế giới còn tiếp tục tăng, kể cả trong năm 2010 do thị trường thế giới đang có dấu hiệu “sốt” gạo bởi nhu cầu tăng cao. Giá lúa trong nước vào tháng 11 là 6.000đ/kg, tăng 1.400đ/kg; còn gạo tăng từ 2.200 - 2.500đ/kg so với mấy tháng trước. Theo VFA, tuy nhu cầu XK tăng, nhưng trong nước sẽ không xảy ra đột biến giá vì Philippines đấu thầu liên tục nhưng không lấy hàng liên tục, Ấn Độ, châu Phi chưa nhập gạo vào lúc này, trong khi lượng gạo tồn kho của VN hiện trên 1,4 triệu tấn, nếu XK đến 31/12 thì vẫn còn 1 triệu tấn để dự phòng.

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thu hoạch lúa vụ 3 (vụ thu đông) ước chừng 1 triệu tấn gạo hàng hóa; tháng 1/2010, các địa phương sẽ thu hoạch lúa đông xuân và lúa mùa. Dù hợp đồng XK có tăng mạnh nhưng sản lượng gạo trong nước không chỉ đủ, mà còn thừa để xuất khẩu trong quý I năm tới.

Ngày 24/11, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 221/2009/TT-BTC hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để mua tạm trữ lúa gạo vụ hè thu năm 2009. Theo đó, các DN kinh doanh lương thực thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Nam được giao nhiệm vụ mua 500.000 tấn, tạm trữ đến ngày 20/1/2010. DN được hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng từ thời điểm mua đến hết thời gian tạm trữ theo quy định.

Chuẩn bị cho lâu dài

Tính đến chuyện phát triển XK gạo, phần lớn lãnh đạo các địa phương và DN đều cho rằng, kinh doanh XK gạo cần thiết phải có kho chứa để mua lúa gạo của dân; DN phải có lượng gạo tồn kho ít nhất bằng 50% lượng gạo trong hợp đồng XK. Nếu không được như vậy, khi có hợp đồng XK, DN mới thu gom gạo sẽ gây rối thị trường và có thể không thực hiện được hợp đồng, làm mất uy tín với khách hàng, còn nông dân cũng chịu thiệt thòi vì phải chấp nhận giá theo sự “nóng lạnh” của thị trường.

Theo Bộ Công Thương, Hậu Giang được chọn là nơi thí điểm mô hình phối hợp các công ty lương thực để thu mua lúa gạo cho nông dân trong suốt năm, chứ không phải tập trung vào lúc thị trường có nhu cầu lớn, không để cho giá lúa gạo thấp như thời gian vừa rồi.

Mỗi năm cả nước mất hàng ngàn tỷ đồng vì thất thoát trong bảo quản và chế biến lúa gạo. Chính vì vậy, việc xây dựng kho chứa hết sức cấp bách. Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia và dành nhiều ưu đãi, cụ thể: Chủ đầu tư xây dựng kho chứa thóc gạo được miễn tiền thuê đất trong vòng 5 năm kể từ khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động; Nhà nước hỗ trợ DN 20% kinh phí giải phóng mặt bằng, 30% kinh phí để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào khu vực xây dựng kho chứa; các DN đầu tư được miễn thuế thu nhập DN trong ba năm đầu đi vào hoạt động và giảm 50% trong hai năm tiếp theo.

Bộ NN&PTNT đã triển khai đề án xây dựng hệ thống kho dự trữ lúa gạo tại ĐBSCL, vốn đầu tư lên đến 7.620 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2009-2010. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, hiện các DN trong VFA có 2,2 triệu tấn kho, đang tập trung thêm 1 triệu tấn kho từ nay đến đầu năm 2011.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư hệ thống kho chứa nên theo mô hình cụm công nghiệp, trong đó, nhà máy xay xát, đánh bóng gạo gắn với kho trữ lúa, hệ thống sấy. Tại đây, công ty cho nông dân phơi lúa và gửi lại hoàn toàn miễn phí. Khi giá lúa tăng cao, nông dân muốn bán thì công ty mua bất cứ lúc nào.

Đem đến “thời hoàng kim” cho nông dân

Cơ hội tạo nên “thời hoàng kim” cho lúa gạo VN có thể đang đến. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, DN XK gạo cần tạo được vùng nguyên liệu đủ lớn để có thể chủ động về sản lượng. Muốn tạo được thương hiệu cho gạo VN thì chất lượng gạo phải đồng đều, thuần chủng. Hiện nay, mặc dù nông dân đã trồng nhiều giống lúa chất lượng cao, nhưng khi thu mua, thương lái cũng như DN đã để các loại lúa chung với nhau.

Vì vậy khi xuất khẩu, các nước chỉ biết "gạo trắng VN", nên thường giá tính theo tỷ lệ tấm, không có giá riêng cho loại gạo đặc biệt. Trong khi đó, Thái Lan lại chọn một số giống lúa đặc sản trồng để XK riêng, tuy sản lượng thấp nhưng bù lại họ xuất được giá cao và quan trọng hơn là tạo được tiếng “gạo Thái Lan ngon”.

Thương hiệu gạo VN trên thế giới hầu như chưa có để có thể tạo cạnh tranh về giá. Mặt khác, tuy khẳng định chất lượng gạo trắng VN không thua của Thái Lan, nhưng Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nhìn nhận gạo VN vẫn thua trong khâu chế biến. Nông dân ta vất vả chỉ mong gạo bán được giá cao, nhưng vì khâu tổ chức thu mua, tồn trữ, chế biến không làm tốt nên gạo VN còn đứng thứ hạng sau, phần thiệt thòi họ chịu nhiều nhất.

Nếu chỉ nắm lấy “thời hoàng kim” qua việc XK tăng về sản lượng mà không nâng cao được giá trị hạt gạo thì khả năng VN trở thành nước XK gạo hàng đầu thế giới chắc còn xa và niềm mong ước có được lợi nhuận xứng đáng công sức lao động của nông dân cũng chưa thỏa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu gạo: Nắm lấy “thời hoàng kim”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO