Việt Nam đang trở thành quốc gia hấp dẫn các nhà đầu tư Ấn Độ

Ngọc Thoại| 21/10/2020 06:52

Với hàng loạt hiệp định thương mại đã ký, nền kinh tế Việt Nam đang có biên mở rất rộng. Các nhà đầu tư Ấn Độ hướng dòng vốn vào đây để tận dụng các lợi thế sẵn có tại đây và ngược lại. Thị trường 1,35 tỷ dân của Ấn Độ cũng mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt.

Việt Nam đang trở thành quốc gia hấp dẫn các nhà đầu tư Ấn Độ

Thép là một trong số mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang Ấn Độ

Việt Nam có nền kinh tế chịu ít tác động rủi ro nhất

Tại hội thảo trực tuyến “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ” ngày 20/10/2020, trước hơn 150 doanh nghiệp đến từ cả hai quốc gia, ông Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam thừa nhận môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đang có cơ hội tiếp cận với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới nhờ hàng loạt các hiệp định thương mại đã, đang và sắp có hiệu lực, nhất là với Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Vì vậy, theo ông Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn và được chào đón nhất trong khu vực.

“Ngay cả trong thời điểm hiện tại, khi đại dịch vẫn đe dọa nhiều nền kinh tế thì các hoạt động kinh tế tại Việt Nam vẫn diễn ra bình thường, sự hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang được thực hiện đầy đủ và hiệu quả”, ông Verma cho biết.

hinh-an-do-9442-1603237940.jpg

Linh kiện điện tử là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Ấn Độ

Tuy nhiên, theo Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, FDI từ Ấn Độ vào Việt Nam trong những năm qua còn khiêm tốn, chưa thể hiện hết cơ hội vốn có của Việt Nam. Với 286 dự án, vốn đầu tư chưa đến 900 triệu USD, Ấn Độ chỉ xếp hạng 26 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đang có FDI ở Việt Nam.

“Việt Nam nên được xem là đất lành cho các dự án về năng lượng tái tạo, bảo toàn năng lượng, các sự án phát điện, công nghệ thông tin (CNTT), các nhà máy nhiên liệu ethanol, nhà máy sản xuất sợi polyester và các dự án văn hóa - truyền thông”, ông Verma gợi mở cho các doanh nghiệp Ấn độ.

Đánh giá về vai trò của Việt Nam trong khu vực, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Riva Ganguly Das cũng cho rằng Việt Nam đang nổi lên như một trụ cột trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ cũng như sáng kiến kết nối các nền kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với nền chính trị ổn định, dân số trẻ và năng động cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,5-7%/năm, thuộc tốp đầu trong ASEAN, theo bà Riva Ganguly Das, những yếu tố thuận lợi này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Ấn Độ lên tầm cao mới.

Mục tiêu 15 tỷ USD thương mại hai chiều

Tại hội thảo, ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch VCCI cho biết năm 2019 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ đạt 11,2 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2018. Trong 7 tháng đầu 2020, con số này đạt trên 5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt gần 2,6 tỷ USD, xuất khẩu từ Ấn Độ sang Việt Nam đạt trên 2,4 tỷ USD.

“Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong ASEAN. Với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng sau dịch Covid-19, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ có thể đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Thành nói thêm.

Bộ Công Thương thống kê các mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ bao gồm máy vi tính, điện thoại và linh kiện. Ở chiều ngược lại, Ấn Độ xuất sang Việt Nam sắt thép, máy móc, thiết bị, phụ tùng, dược phẩm. Ngoài ra còn có các mặt hàng thực phẩm như thịt trâu, thủy sản, ngô, thép, dược phẩm, bông, máy móc... trong khi hàng nhập khẩu từ Việt Nam gồm điện thoại di động, máy móc thiết bị điện, máy tính, phần cứng điện tử, cao su thiên nhiên, hóa chất, cà phê.

Cả hai nước còn nhiều cơ hội hợp tác như giao thông vận tải và dịch vụ kho vận, vải (bao gồm chỉ, sợi và vải), dịch vụ hành chính văn phòng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác...

xk-cao-su-6872-1603237940.jpg

Ngành công nghiệp sản xuất xe hơn Ấn Độ cũng có nhu cầu rất lớn cao su thiên nhiên, đây là thế mạnh của Việt Nam

Bà Riva Ganguly Das cũng thông tin thêm, hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 18 trên toàn cầu và lớn thứ 4 trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore, Indonesia và Malaysia của quốc gia này. Bà nói: “Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng năm nay hai quốc gia vẫn đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD.

Tuần rồi, báo cáo “Cơ hội thương mại” của Ngân hàng Standard Chartered cũng chỉ ra những cơ hội thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ sau dịch Covid-19, trong đó nêu rõ các doanh nghiệp Ấn Độ có thể thúc đẩy xuất khẩu sang Việt Nam để có thêm 475 triệu USD mỗi năm, nâng tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ có thể tăng thêm 1,1 tỷ USD mỗi năm.

Thúc đẩy tăng đầu tư Việt Nam vào Ấn Độ

Ngoài những đánh giá về cơ hội, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt nên cân nhắc đầu tư vào Ấn Độ. Bởi theo ông, với dân số 1.35 tỷ người, Ấn Độ đang trở thành một trong những nền kinh tế, thị trường tiêu thụ và cơ sở sản xuất công nghiệp quan trọng của thế giới.

“Chúng tôi đang thực hiện tự do hóa và mở cửa các lĩnh vực hành cho đầu tư 100% vốn nước ngoài, cải cách lĩnh vực ngân hàng, vốn và công bố các dự án trị giá hàng tỷ USD trong lĩnh vực nhà ở, nguồn nước, năng lượng tái tạo, đường sắt, đường bộ, cơ sở hạ tầng và cảng biển”, ông Pranay Verma nhấn mạnh. Từ đó, ông kêu gọi các doanh nghiệp Việt hãy nhanh chóng tìm hiểu về cơ hội đầu tư tại Ấn Độ trong các lĩnh vực thế mạnh như chế biến thực phẩm, da thuộc, cơ sở hạ tầng và nhiều lĩnh vực khác.

Theo Bộ Công Thương, tới nay Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) kể từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, trong số đó có 13 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán.

Bên cạnh các hiệp định FTA thế hệ mới (EVFTA và CPTPP), Việt Nam đang thực hiện 11 FTA khác, trong đó, AFTA (sau này là Hiệp định CEPT/ATIGA) có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan cao nhất là 98% với lộ trình thực hiện là 19 năm (nếu tính cả mặt hàng xăng dầu, lộ trình này là 25 năm). Riêng FTA ASEAN - Ấn Độ có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan thấp nhất là 74% với lộ trình thực hiện là 14 năm. Các FTA còn lại có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong khoảng 86-93% với lộ trình thực hiện từ 11-17 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam đang trở thành quốc gia hấp dẫn các nhà đầu tư Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO