Vì sao doanh nghiệp làm thực phẩm sạch khó sinh tồn?

MINH HÀO| 09/01/2017 06:53

Trong thị trường hơn 90 triệu dân, số người được tiếp cận thực phẩm sạch không nhiều, trong khi các doanh nghiệp làm thực phẩm sạch lại rất khó sinh tồn.

Vì sao doanh nghiệp làm thực phẩm sạch khó sinh tồn?

Các thống kê cho thấy, nhu cầu về thực phẩm sạch rất lớn. Điều đáng nói là trong thị trường hơn 90 triệu dân, số người được tiếp cận thực phẩm sạch không nhiều, trong khi các doanh nghiệp (DN) làm thực phẩm sạch lại rất khó sinh tồn.  

Đọc E-paper

Mất tiền tỷ vì thực phẩm sạch

Chia sẻ tại một hội thảo hồi tháng 7/2016, ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sản lượng nông sản, thực phẩm có chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng tiêu thụ.

Nhận định về nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch, ông Lê Trần Hồng Phúc - Chủ tịch Công ty Rau xanh Cá sạch cũng cho là "rất lớn". Bằng chứng là các thiết bị trồng rau sạch tại nhà do công ty ông cung cấp có giá bình quân đến 20 triệu đồng nhưng tiêu thụ khá tốt, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, ở nguồn cung rau, chỉ riêng hệ thống siêu thị Co.opmart mỗi ngày đã bán ra trên 100 tấn rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Nhu cầu về thực phẩm sạch lớn như vậy nhưng DN lại rất khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Vinamit - đơn vị vừa đạt Chứng nhận canh tác - chế biến và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh Châu Âu (Ecocert-EU) cho biết, đầu tư vào sản xuất sạch rất tốn kém, đòi hỏi phải có nhiều vốn và thời gian. Nếu DN đi theo con đường thuần hữu cơ như Vinamit phải trả giá rất đắt. Vinamit không dùng hóa chất bảo quản trong quá trình chế biến và đã mất rất nhiều tiền vì không khống chế được sự phát triển của vi sinh vật. Cụ thể, năm 2010, Vinamit đã mất đến 150 tỷ đồng, trước đó vào năm 1996, Công ty cũng đã mất 500.000 USD vì lý do này.

>>Thế nào mới là thực phẩm sạch?

Cái khó của người làm thực phẩm sạch, theo ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen, còn ở chỗ khó tiếp cận vốn vay. Làm rau củ bán cả tấn mới được vài triệu đồng nhưng lại dễ hư hỏng, thời gian bảo quản ngắn, không tiêu thụ được phải bỏ đi nên rất ít DN hào hứng tham gia. Hơn nữa, DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng rất khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng.

"Mang hồ sơ đến các ngân hàng xin vay để đầu tư vào nông nghiệp là họ không mặn mà rồi", ông Tiến Hưng nói.

Huy Long An - Mỹ Bình từ mô hình kinh doanh cá thể đã trở thành DN xuất khẩu chuối lớn của Việt Nam và là DN đầu tiên xuất khẩu chuối sang Nhật nhờ những sáng tạo đổi mới trong cách nghĩ, cách làm. Thế nhưng, Huy Long An - Mỹ Bình cũng gặp không ít khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng.

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình cho biết: "Công ty đang phải lách luật để canh tác. Muốn vay ngân hàng để đầu tư phát triển kinh doanh cũng rất khó. Bởi theo quy định, chỉ khi có quyền sử dụng đất mới có thể thế chấp vay, còn tài sản trên đất thì không được ngân hàng chấp nhận".

Phải đi đường dài

Ngoài những khó khăn trên, chia sẻ tại "Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp - người tiêu dùng: Thực phẩm sạch dành cho ai?" do Soha.vn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 28/12/2016, bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng, nông dân gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển qua làm nông nghiệp sạch.

"Người làm nông sản sạch gặp đủ thách thức ở cả đầu vào lẫn đầu ra, từ việc tìm phân bón được phép sử dụng đến việc thực hành sản xuất sạch, liên kết theo chuỗi... Trong đó, việc đầu tư sản xuất tốn kém nhưng không tìm được đầu ra ổn định là ưu tư lớn của nông dân. Trong khi người tiêu dùng đô thị có nhu cầu cao về sản phẩm sạch nhưng không biết mua ở đâu thì nông dân làm ra sản phẩm sạch lại không biết bán ở chỗ nào", bà Kim Hạnh nói.

Không chỉ vậy, hiện nay, người làm nông sản sạch còn gặp nhiều khó khăn bởi những bất cập trong quản lý nông nghiệp. Chẳng hạn như thị trường tràn lan phân bón và thuốc trừ sâu giả nhưng nhà quản lý lại không thừa nhận vì cho rằng về lý thuyết họ đã quản lý thị trường rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Điều này cho thấy khoảng cách khá xa giữa quản lý nhà nước và thực tế thị trường.

>>Phiên chợ cho những người “làm nông tử tế”

Bên cạnh những yếu tố khách quan, theo ông Nguyễn Lâm Viên, một số DN làm nông nghiệp sạch thất bại do không đủ vốn, làm giữa chừng thì "đuối", phải bỏ cuộc hoặc chuyển hướng.

Ở Việt Nam, đa số người sản xuất dựa trên nền tảng nông nghiệp hóa học, trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới đi theo hướng hữu cơ. Vì vậy, làm thế nào để phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ vẫn là bài toán cần nhiều lời giải.

"Thách thức lớn cho những người làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ là làm sao để chứng minh cho người tiêu dùng tin, hiểu và chấp nhận mua sản phẩm với giá cao. Các DN khởi nghiệp lĩnh vực này nên chọn vùng có hệ sinh thái không quá cạn kiệt, phải hiểu và biết cách phát triển vi sinh vật và có khả năng ức chế chúng, phải biết cách xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng và kênh bán hàng. Một yếu tố quan trọng không kém là phải trường vốn và đi đường dài", ông Nguyễn Lâm Viên tư vấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao doanh nghiệp làm thực phẩm sạch khó sinh tồn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO