Vì sao các nhà máy quyết không đóng cửa?

Nhóm phóng viên| 11/07/2021 07:55

Ngày thứ ba cộng đồng DN TP.HCM vật lộn với vô vàn khó khăn khi TP áp dụng Chỉ thị 16. Trao đổi nhanh với Doanh Nhân Sài Gòn, hầu hết DN đều cho rằng công nhân, nhân viên, tài xế của họ có gặp vướng mắc trên đường di chuyển tới nhà máy, xí nghiệp, nhưng bằng nhiều biện pháp, vấn đề khó khăn đang dần được giải quyết.

Nhà xưởng của AA Corporation sắp xếp thành nơi vừa sản xuất vừa cách ly

Nhà xưởng của AA Corporation sắp xếp thành nơi vừa sản xuất vừa cách ly

Nỗ lực cho người lao động ở lại nhà máy

Sáng sớm 11/7, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, một trong những DN cơ khí sản xuất khuân mẫu (công nghiệp phụ trợ) có nhà máy ở Q. 7, cho biết công ty đã chuyển chế độ cách ly hoàn toàn với bên ngoài theo phương thức ăn ở, sản xuất tại chỗ từ chiều ngày 10/7.

Theo đó, 130/160 lao động của Lập Phúc ở lại xưởng sản xuất, họ được công ty bố trí chỗ ăn, ngủ và sinh hoạt. 30 công nhân còn lại do vướng bận gia đình nên tạm thời cho họ về nhà và hưởng lương cơ bản vì nếu để họ đi - về mỗi ngày tiếp xúc cộng đồng sẽ ảnh hưởng đến cả công ty. 

“Đội ngũ nhân viên bếp được yêu cầu ở lại, hàng ngày siêu thị sẽ giao thực phẩm tới vào buổi sáng để phục vụ bữa ăn sáng, trưa, chiều cho người lao động”, ông Trí nói.

Trong đợt TP tiêm vaccine mới đây, 160 công nhân của công ty Lập Phúc cũng thuộc diên ưu tiên, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, ông Nguyễn Văn Trí cho hay Công ty chi thêm 40 triệu đồng để chủ động liên hệ Trung tâm Y tế Q. 7 để xét nghiệm cho toàn bộ số lao động làm việc tại nhà máy, kết quả âm tính. 

san-xuat-cach-ly-3-1625999267-3316-9198-

Công nhân của AA Corporation sẽ không ra khỏi nhà máy để ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm từ cộng đồng vào nhà máy

Hội cơ khí TP.HCM hiện có hơn 200 thành viên, trở thành một trong 4 nhóm ngành mũi nhọn của TP. Đa số các DN trong hội có quy mô nhỏ, riêng chỉ có Công ty Cơ khí Đại Dũng với hơn 1.000 công nhân, đóng tại KCN An Hạ, huyện Bình Chánh có quy mô sản xuất tương đối lớn.

Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn trưa ngày 11/7, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch hội, đồng thời là Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết hiện có 70% doanh nghiệp hội viên đã áp dụng phương án cho công nhân ăn, ở, sản xuất tại chỗ, hạn chế tối đa cho người lao động đi lại. Nhờ giải pháp này, đến ngày 11/7, Hội cơ khí TP chưa có đơn vị nào phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh ngoại trừ một thành viên là Công ty Cơ khí chính xác khuôn mẫu Duy Tân trong KCN Tân Tạo phải phong toả trong 2 tuần. Tuy nhiên, công ty này hiện cũng đã hoạt động lại.

Với Công ty Duy Khanh, ông Đỗ Phước Tống cho biết 3 ngày nay công ty đã xác định phương châm: mỗi người hãy nhìn người khác như một F0 chưa được phát hiện để giữ khoảng cách.

Theo đó, công ty đã thực hiện biện pháp nhận diện công nhân ra vào nhà máy thành hai nhóm: nhóm ở lại công ty sẽ được mang thẻ xanh (có khoảng 60 công nhân/100 đã ở lại), nhóm đi - về mỗi ngày sẽ mang thẻ vàng và thẻ đỏ. Để bố trí cho công nhân ở lại nhà máy, Duy Khanh cũng như hơn 200 DN ngành cơ khí của TP đang gánh chịu chi phí rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Tống, chi phí mà DN bỏ ra lúc này không phải là vấn đề nghiêm trọng, mà sợ nhất là lây nhiễm từ cộng đồng mang vào nhà máy. “Chỉ cần có 1 F0 là lập tức bị đóng cửa, do đó, chúng tôi đang phải ra sức bảo vệ từng công nhân”, ông nói thêm.

Lỗ cũng phải quyết tâm làm

9 giờ tối thứ 7 (10/7), chúng tôi liên hệ được với ông Phạm Văn Việt - Giám Công ty Việt Thắng Jean khi ông đang trên xe từ nhà máy ở đường Lê Văn Việt, TP Thủ Đức về nhà. Qua giọng nói, có thể cảm nhận được rõ sự mệt mỏi của vị CEO công ty có 3 nhà máy đều nằm trong khu vực phong tỏa và đã có cả F0.

Ông Việt nói từ sáng ngày 9/7 (khi Thành phố thực hiện CT 16), ông đã chạy đôn đáo lo giấy thông hành cho công nhân ở khắp các quận, huyện, phường về nhà máy, rồi chuẩn bị phương án cho 1.100 con người ăn, ở tại nhà máy để tiếp tục sản xuất. “Khó khăn trăm bề, công việc rất nhiều, nhưng lúc này chúng tôi đã cơ bản giải quyết xong được. Rất may là nhà máy vẫn hoạt động”, ông Việt tâm sự.

Đơn hàng, khách hàng và đảm bảo liên thông chuỗi cung ứng là ba lý do khiến cộng đồng DN TP phải bằng mọi cách để bảo vệ từng công nhân, bảo vệ từng nhà xưởng, tránh cho nhà máy ngưng hoạt động.

Ở Việt Thắng Jean, ông Phạm Văn Việt nói ngay trong ngày đầu TP giãn cách, công ty đã phải chi ra hơn 1 tỷ đồng để xét nghiệm, mua thêm trang thiết bị cho công nhân lưu trú tại 3 nhà máy ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Với việc bỏ ra chi phí xét nghiệm, trang bị vật tư cho công nhân ăn nghỉ tại chỗ, theo tính toán của ông Việt, đã lên đến 8% doanh thu gia công, 4% doanh thu làm hàng FOB.

Dù chi phí cao như vậy, và chắc chắn không có lãi, nhưng cũng như các DN trong ngành may mặc, lúc này Việt Thắng Jean vẫn phải làm, không thể bỏ ngang. “Chúng tôi có đơn hàng, có khách hàng được chốt sẵn, nếu bây giờ ngưng thì sẽ mất uy tín, và dễ mất luôn khách hàng vào tay các nước khác”, ông Việt phân tích và cho rằng với sản xuất quy mô nhỏ có thể đóng cửa toàn bộ khoảng 10 ngày nhưng sản xuất quy mô lớn thì không thể ngưng.

san-xuat-cach-ly-2-1625999176-8058-7281-

Công nhân tiếp nhận vật tư để vừa sản xuất vừa cách ly

Với ngành cơ khí, ngành này đóng góp khoảng 3% vào GRDP của TP, doanh số chưa lớn, nhưng theo ông Đỗ Phước Tống, nhiều năm qua các DN đã có nhiều nỗ lực đổi mới công nghệ, sản phẩm, tìm kiếm khách hàng nên đến nay cơ bản đã tiếp nhận chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều DN đang làm hàng khuôn mẫu kỹ thuật cao, các linh kiện cho nhà máy và đang chạy đua sản xuất để kịp đơn hàng cho nhà nhập khẩu nên bây giờ nếu để đứt gãy thì đối tác sẽ chuyển hướng, rất khó kết nối lại.

“Những khách hàng từ Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc rất quan trọng, bằng giá nào cũng phải giữ. Do đó, ngành chúng tôi đã xác định chi phí đội lên cũng không quan trọng bằng phải duy trì sản xuất, giữ được công nhân, giữ thu nhập cho họ”, ông Tống khẳng định. 

Ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM:

Ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay, rất nhiều nhà máy của các DN thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM phải ứng phó với tình trạng hạn chế tối đa cho người lao động lưu thông bằng cách tự tổ chức xét nghiệm để khoanh vùng nội bộ. Nhà máy tổ chức cắm trại cho nhân viên ngay tại nhà máy, thậm chí cắm trại luôn các nhân viên, công nhân ngoài tỉnh. Về vấn đề vận chuyển thì các DN luân phiên đăng ký xét nghiệm cho lái xe chở hàng hóa...

Tôi nghĩ việc giãn cách là cần thiết, nên việc các nhà máy lên kế hoạch ứng phó với tình hình này là quan trọng. Hiện nay, các nhà máy lớn đang làm tốt, một số hơi bị động và phải chấp nhận. Nhưng không thể vì một chút trở ngại mà yêu cầu các cấp thẩm quyền liên quan linh hoạt. Điều cần thiết lúc này là phối hợp giữa các công ty và các cơ quan chức năng trong tổ chức xét nghiệm khoanh vùng và xét nghiệm cho các trường hợp ưu tiên lưu thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao các nhà máy quyết không đóng cửa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO