Tránh rủi ro khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ

THANH NHÃ/DNSGCT| 06/09/2014 07:16

Ở Hoa Kỳ, hai hệ thống luật thương mại của liên bang và của 50 bang được áp dụng đồng thời, đôi khi chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn với nhau khiến DN VN gặp khó khăn.

Tránh rủi ro khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Bộ Công thương cho biết, 11 tháng đầu năm 2013, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt khoảng trên 30 tỉ USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ đạt 23,5 tỉ USD.

Đọc E-paper

Hoa Kỳ được xem là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của VN nhưng với những luật lệ phức tạp, nên luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi doanh nghiệp (DN) VN chưa thực sự am hiểu. Hằng năm, nhiều lô hàng nhập khẩu của VN bị đối tác khởi kiện hoặc áp dụng lệnh buộc phải thu hồi khỏi thị trường Hoa Kỳ do chưa đảm bảo những yêu cầu. Trong quá khứ, chúng ta đã từng bị kiện chống bán phá giá cá da trơn, tôm, thép…Mới đây nhất là Hoa Kỳ đang xem xét khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với gạo Việt Nam.

Công ty Bảo hiểm AIG vừa tổ chức buổi hội thảo về vấn đề này vào cuối tháng 8 tại TP. Hồ Chí Minh để lưu ý các DN trong nước những vấn đề quan trọng khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Các rủi ro cần lưu tâm

Ở Hoa Kỳ, hai hệ thống luật thương mại của liên bang và của 50 bang được áp dụng đồng thời, đôi khi chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn với nhau nên DN VN thường gặp khó khăn. Theo Điều khoản tối cao của Hiến pháp Hoa Kỳ, khi có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa hai hệ thống luật thì tranh chấp thường được giải quyết căn cứ theo Luật Liên bang.

Riêng Luật Hợp đồng hoặc Luật Trách nhiệm sản phẩm lại chưa có trong Luật Liên bang nên tranh chấp phải giải quyết theo luật của các bang. Chia sẻ tại hội thảo, ông Fred Burke, Luật sư Điều hành Công ty Luật Baker McKenzie, cho rằng các DN xuất khẩu VN vừa chưa am hiểu đầy đủ về luật lệ giao thương của Hoa Kỳ vừa thiếu sự tư vấn của các tổ chức có kinh nghiệm nên dễ dẫn đến thiệt hại lớn.

Chẳng hạn chuyện xuất khẩu gạo. Vấn đề này đã được cảnh báo từ rất lâu nhưng DN VN cứ “khư khư” chính sách mua rẻ, bán rẻ mà chất lượng gạo lại không đảm bảo. Khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, DN VN nên tìm hiểu về hoạt động của một số cơ quan và một số điều luật mới sau:

(1) Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng: Có chức năng kiểm tra, ban hành lệnh thu hồi hoặc cấm các sản phẩm không an toàn trên thị trường. Thời gian qua, hàng hóa của VN bị thu hồi phần lớn là do không đáp ứng đúng quy định hàm lượng hóa chất hoặc tiêu chí kỹ thuật như: dư lượng chì vượt quá mức quy định trong quần áo, trong sơn, nguy cơ gây hỏa hoạn của các loại nến hay nguy cơ đâm va xe của xe địa hình cao... Việc thu hồi sản phẩm thường dẫn đến tranh chấp hợp đồng và các khoản tiền giải quyết bất lợi cho các nhà xuất khẩu;

(2) Ủy ban Thương mại Liên bang: Thi hành luật chống độc quyền (cạnh tranh) tại Hoa Kỳ. Cơ quan này đã đưa ra lệnh chống bán phá giá đối với các mặt hàng thủy hải sản VN như cá tra, cá rô phi...

(3) Luật Nông nghiệp Hoa Kỳ có hiệu lực từ tháng 4-2015 bổ sung trách nhiệm thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với tất cả các loài thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Quốc hội Mỹ cũng chuyển chức năng giám sát cá da trơn trong đó có cá tra và ba sa của VN đang do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩmHoa Kỳ (FDA) quản lý, sang Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm thuộc USDA sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát toàn bộ chuỗi sản xuất cá da trơn một cách nghiêm ngặt, nhất là quản lý nuôi, vận chuyển, chế biến... kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, sử dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi cá, đảm bảo nguồn lực, năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm...

(4) Luật Trách nhiệm sản phẩm Hoa Kỳ khác nhau theo từng bang, dễ gây ra các khiếu kiện về: lỗi cẩu thả trên nhãn hàng, lỗi bảo hành, thông tin sai sự thật và trách nhiệm pháp lý tuyệt đối.

Hiểu luật để tránh tranh chấp

Để tránh tranh chấp, ông Fred Burke cho rằng khi có các hoạt động kinh doanh thương mại vào thị trường Hoa Kỳ thì các hợp đồng xuất khẩu thường quy định cụ thể như: loại hàng hóa, giá mua, điều khoản thanh toán, kiểm tra và giao nhận hàng, địa điểm diễn ra việc chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa, các điều kiện bảo hành, bảo dưỡng, yêu cầu bảo lãnh nhận hàng và các điều khoản vi phạm… Từ đó, chúng ta cần cung cấp những cảnh báo và dán nhãn rõ ràng, chính xác theo quy định. Thực hiện các chương trình đảm bảo chất lượng nghiêm túc và khắt khe để đảm bảo an toàn sản phẩm.

Phòng Thương mại Quốc tế đã xây dựng hệ thống các điều khoản thống nhất dành cho hợp đồng xuất khẩu giúp tránh hiểu nhầm và tranh chấp mang tên Incoterms (http://www.iccwbo.org/ incoterms). Cần chú ý là hệ thống Icoterms không phải là luật mà chỉ là những điều khoản thiết yếu trong hoạt động thương mại quốc tế, nó quy định chi tiết trách nhiệm của người bán, người mua và thời điểm chuyển giao rủi ro giữa người mua và người bán.

Đồng thời, DN phải tìm hiểu các thông tin quy định về hàng hóa trên website của Hải quan Hoa Kỳ trước khi xuất hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm, dược phẩm. Bởi nếu để tình trạng hàng bị trả lại DN sẽ phải trả nhiều chi phí cho việc kiểm định, lưu kho, vận chuyển…

Lưu ý thêm là nếu nhận được lệnh triệu tập của tòa án Hoa Kỳ, thì chúng ta không nên “giả lơ” để tránh bị khép nhiều tội và bị phạt tiền nặng hơn. Hiện nay, chúng ta đang bị cảnh báo vì có thái độ thờ ơ với việc gạo VN sắp bị kiện. Lẽ ra, chúng ta nên tham vấn luật sư để xem cách giải quyết như thế nào cho hợp lý.

Trong hợp đồng cung cấp hàng hóa cho đối tác tại thị trường Mỹ, DN nên có sự tham vấn của luật sư về các điều khoản, việc tham gia tích cực ngay từ đầu sẽ cung cấp đầy đủ thông tin chính xác cho cơ quan thẩm quyền của Hoa Kỳ. Việc tham gia sẽ giúp cuộc điều tra mang tính đa phương, trung thực hơn nếu để một mình Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ - ITC đơn phương điều tra.

Việc tham gia đúng lúc và hiệu quả sẽ giúp cung cấp cho các nhà xuất khẩu những kiến thức và hiểu biết đáng giá về vụ kiện phòng vệ thương mại. Từ đó các DN xuất khẩu và các hiệp hội có những biện pháp phòng tránh phù hợp nhất.

Kinh nghiệm từ Công ty Luật Baker McKenzie cho biết, DN VN không nên vội vàng lập văn phòng đại diện của mình tại Hoa Kỳ vì trong tranh chấp khiếu kiện, việc có một “đầu mối” tại nước sở tại làm cho việc khiếu kiện trở nên rắc rối hơn và việc tính thuế cũng sẽ nặng nề hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tránh rủi ro khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO