Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố ghi nhận sự đóng góp lớn của cộng đồng DN cho mục tiêu mà thành phố đã đạt được trong năm 2022. Tuy nhiên, thành phố mong muốn lắng nghe đóng góp của DN cho sự phát triển của thành phố nhiều hơn nữa. Cũng theo ông Mãi, sự tương tác thực tế của các DN với các đối tác trong và ngoài nước sẽ là sự đóng góp ý kiến thực tế để thành phố sửa đổi những bất cập trong hoạt động quản lý, tạo động lực cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới. Thành phố sẵn sàng lắng nghe và giải quyết ngay những gút mắc của DN. Trường hợp ý kiến cần có sự tham gia giải quyết liên ngành thì sẽ giải quyết và phúc đáp trong 1 tháng. Bên cạnh đó, thành phố hoan nghênh nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư. Thành phố tạo điều kiện đất đai, nhân lực để DN đầu tư loại hình này. Từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ công bố các lĩnh vực kêu gọi đầu tư cùng những chính sách ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nước ngoài tham gia đầu tư.
Tại buổi toạ đàm ông John Rockhold - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã gửi đến thành phố 8 kiến nghị. Còn ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu, đánh giá, những kiến nghị trước đây của hiệp hội về bất cập thủ tục hải quan đã được thành phố tháo gỡ tích cực. Hàng hóa của DN thông quan thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện tại, thành phố cần tiếp tục rà soát và điều chỉnh đồng bộ một số vấn đề như nâng thời gian gia hạn visa lên 30 ngày để thúc đẩy du lịch; cải tạo hạ tầng và dịch vụ phục vụ tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; triệt để ứng dụng quản lý số, cho phép DN khai và cấp phép thông qua hệ thống trực tuyến, ứng dụng chữ ký số…
Các hiệp hội cũng kiến nghị cần có quy định phù hợp hơn để tạo điều kiện cho DN nước ngoài tham gia đầu tư thông qua hình thức mua cổ phần hoặc góp vốn đầu tư trực tiếp. Ngoài ra, thành phố cần có hành động cụ thể, hiệu quả hơn trong việc đầu tư hạ tầng giao thông có tính đến kết nối vùng; ban hành chính sách khuyến khích DN, người dân thực hiện chuyển đổi xanh, tăng cường xây dựng công trình xử lý chất thải, nước thải, rác thải; xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm không khí, tiếng ồn…
Ông James Ollen - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), khuyến nghị thêm, để nâng cao giá trị hàng hóa của DN trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thành phố cần áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về kế toán, kiểm toán, chuyển giá và sử dụng quy trình thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đã được Quốc hội thông qua. Thành phố nên có chính sách khuyến khích mở rộng thu hút đầu tư cho dịch vụ y tế chuyên sâu nhằm tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cho người dân.
Nhiều hiệp hội DN nước ngoài đề xuất thành phố cần áp dụng đồng bộ các giải pháp cải cách giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có giải pháp thiết yếu đáp ứng an ninh năng lượng và chuyển đổi sang năng lượng sạch, khuyến khích tăng cường đầu tư công nghệ cao và nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại tọa đàm giữa lãnh đạo thành phố và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ngày 22/2 |
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của DN nước ngoài, ông Mãi đề nghị các sở ban ngành liên quan giải đáp từng vấn đề cụ thể. Ông Mãi nhấn mạnh, năm 2023, thành phố quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, trong đó đề cao trách nhiệm của sở ngành, công chức. Thành phố sẽ ban hành quy định thẩm quyền, trách nhiệm cơ quan hành chính, thời gian tiếp nhận và trả hồ sơ… Trong thời gian tới, thành phố sẽ công bố thông tin trên đến DN để biết thực hiện và giám sát, có ý kiến”.
Ông Mãi cũng cho biết thêm, giai đoạn 2020 -2030 thành phố tập trung hoàn thành xây dựng các tuyến quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch (hoàn thành và đưa vào hoạt động tuyến đường sắt đô thị số 1 vào năm 2024, hoàn thành đường Vành đai 3 vào năm 2026; hoàn thành đường Vành đai 4 đoạn từ cầu vượt sông Sài Gòn - Kênh Thầy Cai vào năm 2030, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành...). Riêng về đầu tư chất lượng môi trường, ông Mãi khẳng định, thành phố không cấp phép cho dự án chôn lấp rác thải mà chỉ cho phép đầu tư các dự án sử dụng công nghệ hiện đại là đốt rác phát điện. Về xử lý nước thải, thành phố đã đầu tư và chuẩn bị đưa vào hoạt động dự án xử lý nước kênh Tham Lương - Bến Cát, kế đến là rạch Xuyên Tâm với tổng vốn đầu tư. Về dịch vụ công, thành phố đang tập trung đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, định dạng lại hệ thống để phục vụ mô hình chuyển đổi số của thành phố, hướng tới năm 2025 sẽ vận hành các dịch vụ công cơ bản trên nền tảng số…
Cũng theo ông Mãi, để có thể thực hiện được các mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2030 và phương hướng đến năm 2045, thành phố cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Điều này rất cần có sự chung tay, đồng lòng của DN. Từ nay đến năm 2025, thành phố sẵn sàng tạo điều kiện chính sách, đất đai, nhân lực, đồng thời công bố công khai các lĩnh vực kêu gọi đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN nước ngoài tham gia đầu tư.
Ngoài ra, thành phố cũng đang đề xuất với trung ương nhiều chính sách đột phá mới, nếu được thông qua sẽ là sức bật để TP.HCM trở lại là đầu tàu kinh tế của cả nước.