Tìm đường vào siêu thị Nhật

HỒNG NGA| 20/09/2013 08:20

Có những mối quan hệ, dự án sau 3 - 4 năm mới được xác lập ký kết, nhưng khi đã chọn thì doanh nghiệp (DN) Nhật sẽ rất "chung thuỷ” với đối tác. Bài học dù cũ này nhưng mới được các DN Việt Nam nhắc lại.

Tìm đường vào siêu thị Nhật

Có những mối quan hệ, dự án sau 3 - 4 năm mới được xác lập ký kết, nhưng khi đã chọn thì doanh nghiệp (DN) Nhật sẽ rất "chung thuỷ” với đối tác. Bài học dù cũ này nhưng mới được các DN Việt Nam nhắc lại.

Đọc E-paper

Siêu thị tại Tokyo. Ảnh: MT

Trí Tín là công ty đầu tiên của Việt Nam sản xuất được rong nho biển thương phẩm. Từ năm 2006 đến nay, với 5ha mặt nước biển nuôi trồng, đều đặn mỗi năm Trí Tín xuất sang Nhật hơn 20 tấn rong nho, nhưng để có mối làm ăn bền chặt này, Trí Tín phải mất bao công sức.

Người Nhật rất cẩn trọng và đặc biệt quan tâm đến yếu tố chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước khi ký hợp đồng mua hàng, đối tác Nhật Bản đã cử người sang giám sát kỹ thuật, rồi kiểm tra quy trình, khảo sát thực tế nuôi trồng, xét nghiệm chất lượng sản phẩm...

Mất 2 năm với những xét nghiệm, kiểm tra như thế, phía đối tác mới chấp nhận lấy hàng của Trí Tín. Từ đó đến nay, đối tác Nhật này vẫn "chung thuỷ” với Trí Tín.

Điều ông Lê Bền, Phó giám đốc Công ty Trí Tín, băn khoăn là làm sao có thể đưa rong nho biển Trí Tín vào hệ thống bán lẻ, siêu thị của Nhật. Lâu nay, dù mối quan hệ rất bền chặt, nhưng sản phẩm Trí Tín không có thương hiệu tại Nhật vì đối tác "đóng lại nhãn mác".

Hàng Trí Tín sang Nhật được tiêu thụ ở những kênh nào, ra sao, ông Bền không hề biết. Cùng với hàng xuất đi Nhật, Trí Tín cũng xuất sang Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Pháp...

Tuy số lượng xuất sang những nước này không bằng Nhật, nhưng bù lại sản phẩm mang thương hiệu Trí Tín. Năm 2012, Trí Tín mở rộng diện tích nuôi trồng và dự kiến vào đầu năm 2014, sản lượng rong nho biển của Công ty sẽ đạt 50 - 70 tấn.

Rất muốn xây dựng được thương hiệu ở Nhật thông qua kênh bán lẻ và siêu thị, nhưng ông Bền sợ làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ lâu dài với đối tác. Bởi vậy, dù cơ hội kinh doanh đang mở ra nhưng ông Bền và Trí Tín vẫn đang loay hoay trong bài toán xuất khẩu.

Không chỉ thận trọng trong việc chọn đối tác, người Nhật cũng rất tỉ mỉ, chi tiết trong việc ký hợp đồng cũng như thực hiện. Việc triển khai dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao (Agropark) của Tổng công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai (Dofico) với một đối tác Nhật đã cho thấy điều đó.

Trong tháng 7/2013, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 1,18 tỷ USD, nâng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang thị trường này lên 7,49 tỷ USD trong 7 tháng tính từ đầu năm nay, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là: dệt may, dầu thô, hải sản, phương tiện vận tải và phụ tùng…

Trước khi ký hợp đồng, phía Nhật nghiên cứu rất kỹ từng điều khoản. Trong quá trình triển khai dự án Agropark, phía Nhật yêu cầu cho thị sát dự án. Ra thực địa, họ đối chiếu với bản đồ, xem xét xem dự án có bị vướng giải tỏa hay không, nếu vướng thì có bị ảnh hưởng đến tiến độ thi công hay không...

"Họ kỹ đến mức tìm thêm phiên dịch, mặc dù chúng tôi đã có phiên dịch rồi. Lúc đầu còn trao đổi bằng tiếng Anh nhưng sau đó họ chỉ dùng tiếng Nhật với phiên dịch tiếng Việt của họ để hạn chế nội dung hợp dồng bị hiểu lầm", ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Dofico cho biết.

Cẩn thận là tốt nhưng đôi khi chính sự cẩn thận của DN Nhật đã gây khó khăn nhất định cho DN Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Công ty Hưng Gia cho biết, hiện Công ty đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì sau 8 tháng khảo sát thực tế tại Hưng Gia, phía đối tác Nhật vẫn chưa có động thái nào tiếp theo cho biết họ muốn hợp tác hay không.

"Họ đã qua xem mẫu mã hàng hóa, khảo sát nhà máy, quy trình sản xuất..., nhưng đến nay vẫn chưa phản hồi lại. Trong khi các khách hàng phương Tây chỉ cần một tháng là đã biết kết quả thì DN Nhật quá lâu. Hiện tại, chúng tôi không biết nên chờ đợi họ liên lạc lại hay chủ động liên họ với họ, hối thúc họ”, ông Nguyễn Thanh Liêm than thở.

Dù DN Nhật rất cẩn trọng trong việc tìm kiếm đối tác nhưng nhu cầu đầu tư của nước này vào Việt Nam lại bùng nổ, tập trung vào các DN vừa và nhỏ. Hiện tại, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với 78 tỷ USD, 2.014 dự án còn hiệu lực.

Bà Trần Thị Minh Trang, Giám đốc Điều hành Công ty Japan Circle, cho biết, hiện có rất nhiều DN Nhật đến Việt Nam tìm đối tác gia công da giày, kim loại cũng như các nhà phân phối bánh kẹo, thực phẩm chức năng...

Bên cạnh đó, các DN Nhật cũng đang tìm kiếm các đối tác có nhu cầu mua bán, sáp nhập DN trong các ngành bất động sản, vận tải, xây dựng... "Làm ăn với Nhật nếu hiểu biết cặn kẽ về văn hóa, tập quán kinh doanh và kiên nhẫn sẽ đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe mà họ đưa ra", bà Trang nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm đường vào siêu thị Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO