Thương mại điện tử: Đông người vào, lắm kẻ ra

LỮ Ý NHI| 20/10/2016 08:28

Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam vừa được Google & Temasek dự báo sẽ đạt giá trị 7,5 tỷ USD vào năm 2025.

Thương mại điện tử: Đông người vào, lắm kẻ ra

Mục tiêu của kế hoạch phát triển thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2020 là đạt doanh số 10 tỷ USD, trong khi năm 2015 mới đạt 4,07 tỷ USD. Khảo sát mới đây của Nielsen cho biết, 92% người sử dụng internet tại Hà Nội và TP.HCM có mua sắm trực tuyến. Tiềm năng này đã khiến thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng đông đúc. Thế nhưng không ít doanh nghiệp (DN) bước vào lại ngậm ngùi thoát ra.

Đọc E-paper

Không kham nổi "cỗ máy xay tiền"

Năm 2015 và nửa đầu năm 2016, thị trường thương mại điện tử đã chứng kiến không ít DN công bố đóng cửa hoặc sang tên đổi chủ, như Beyeu, Deca, Cucre, Foodpanda, 123mua... Lý do chung nhất là thương mại điện tử "đốt quá nhiều tiền" và đòi hỏi DN phải có sức bền để chấp nhận các khoản lỗ ban đầu do phải giảm giá, khuyến mãi, bởi mấu chốt khiến khách hàng mua sắm online ở Việt Nam hiện vẫn là giá cả chứ không phải sự thuận tiện - vốn là ưu điểm chính của phương thức mua sắm này.

Năm 2015, Deca.vn (thuộc Công ty CP Quảng cáo trực tuyến 24h) đã đạt doanh thu xấp xỉ 1 triệu USD và đang lên kế hoạch tăng doanh thu gấp 3 - 4 lần vào năm sau bằng cách mở thêm các ngành hàng mới và mở rộng sang khách hàng nam giới. Tuy nhiên sau đó, Deca.vn lại bất ngờ đóng cửa.

Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư, ông Phan Minh Tâm - TGĐ 24h cho biết: "Tiềm lực tài chính của 24h vẫn dồi dào nhưng không muốn tiếp tục theo đuổi Deca.vn do thị trường thương mại điện tử có thêm nhiều DN lớn tham gia nên ngày càng cạnh tranh. Nếu tiếp tục đầu tư vào Deca.vn sẽ không đạt được mục tiêu kinh doanh".

Tương tự, website bán hàng online về sản phẩm đặc thù của phụ nữ, trẻ em - Beyeu.com (của Project Lana thuộc IDG) cũng đã ngừng hoạt động với lý do "kinh doanh thương mại điện tử cần quá nhiều tiền".

Ra đời cùng nguồn vốn từ IDG, 2 sàn thương mại điện tử Lamdieu.com và Foreva.vn cũng đã đóng cửa do kinh doanh thua lỗ.

Mặc dù đã "phủ sóng" tới 40 quốc gia tại 5 châu lục và đầu năm 2015 liên tiếp ra thông báo mua lại 7 công ty trên 8 thị trường tiềm năng gồm Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Philippines, Pakistan, Hong Kong, Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, đồng thời gọi vốn thành công 2 đợt 310 triệu USD nhưng cũng trong năm 2015, Foodpanda đã ngậm ngùi chấm dứt kinh doanh tại Việt Nam và thương hiệu này đã thuộc về Vietnammm.com.

Nguyên nhân cũng không ngoài lý do không kham nổi "cỗ máy xay tiền" của thương mại điện tử. Đại diện Foodpanda cho biết: "Dừng sân chơi này tại Việt Nam là cần thiết vì nếu duy trì, Foodpanda phải đầu tư thêm một khoản tiền lớn mà chưa thể có lãi".

Sau Foodpanda, Zalora - trang thương mại điện tử chuyên bán hàng thời trang của Rocket Internet cũng đã đổi chủ sang Central Group (Thái Lan), Lazada cũng được Alibaba mua lại. Và mới nhất là thất bại của hệ thống thương mại điện tử Lingo vào đầu tháng 8/2016. Lingo.vn từng đặt mục tiêu trở thành website thương mại điện tử số 1 Việt Nam, nhưng từ năm 2012 đến hết tháng 6/2016 đã lỗ khoảng 150 tỷ đồng và buộc phải đóng cửa.

Ngoài khó khăn về vốn, một trong những lý do chính khiến kinh doanh thương mại điện tử gặp nhiều trở ngại là chi phí vận chuyển, thanh toán. Theo ông Alexandre Dardy - Giám đốc Điều hành Lazada: "Thương mại điện tử Việt Nam đang gặp 2 thách thức chính: một là, ở các quốc gia khác, thanh toán qua thẻ tín dụng rất phổ biến trong khi người Việt vẫn chuộng cách trả tiền mặt khi nhận hàng. Hai là giá trị bình quân của giao dịch và tỉ lệ mua sắm trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á".

Tuy vậy, trong Hội thảo Brand Conference mới đây do Lazada tổ chức, ông Alexandre Dardy hào hứng chia sẻ: "Trong năm 2015, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam cho tất cả các ngành hàng đạt 4,7 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. So với các quốc gia khác thì doanh thu thương mại điện tử Việt Nam còn rất khiêm tốn, chỉ tương đương 1% so với thị trường Mỹ, 4% so với Nhật Bản và không bằng 50% so với Thái Lan. Nhìn ở góc độ tích cực, những con số này cho thấy tiềm năng phát triển còn rất lớn”.

Nỗ lực của người ở lại

Hiện người tiêu dùng Việt Nam mới bắt đầu quen với thương mại điện tử. Vì vậy, các DN phải chọn hướng đi phù hợp. Ông Alexandre Dardy chia sẻ: "Rào cản lớn nhất hiện nay của thương mại điện tử là niềm tin của người mua hàng. Vì vậy, Lazada đang tập trung vào việc kiểm soát quy trình chất lượng, loại bỏ sản phẩm chất lượng thấp, có tỷ lệ đổi trả cao, yêu cầu giấy xác nhận xuất xứ hàng hóa, đầu tư chính sách hậu mãi, đổi, trả hàng giảm xuống còn 1,5 tiếng đồng hồ”.

Khảo sát của Lazada thực hiện vào tháng 3/2016 cho thấy, hơn 82% khách hàng quan tâm đến chất lượng sản phẩm khi mua hàng trực tuyến. Việc tìm kiếm các thương hiệu lớn, tỷ lệ dịch chuyển mua hàng từ giá thấp sang mua hàng có giá trị lớn đang tăng. Vì vậy, Lazada đã ký kết hợp tác chiến lược với 40 nhà bán lẻ lớn, như Điện máy Chợ Lớn, Trần Anh, Home Center, Kangaroo, Sơn Kim, PNJ, Lock&Lock, Tuticare, Kid Plaza...

Từ ngày 11/11 - 12/12, Lazada sẽ có chương trình khuyến mãi lớn nhất năm mang tên "Cách mạng mua sắm" nhằm thu hút các thương hiệu tham gia và tạo cơ hội cho khách hàng trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Ông Shirasuka - TGĐ Shiseido Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ là thương hiệu cao cấp tiên phong trong đợt Cách mạng mua sắm lần này. Đây không chỉ là cơ hội để gia tăng doanh số”.

Trước đây, mô hình kinh doanh của Lazada là mua vào bán ra, nhưng nhận thấy mô hình marketplace theo hình thức B2C (từ DN đến người tiêu dùng) mang lại hiệu quả cao vì tạo được niềm tin nơi khách hàng nên đang đi theo hướng này và hiệu quả khả quan.

Đơn cử, 80% doanh thu của Lazada hiện nay là nhờ đóng góp của mô hình marketplace, trong khi doanh thu từ các cửa hàng của Lazada trên chợ này chỉ chiếm 20% . Ông Max Bittner - CEO của Lazada Group cho biết: "Nếu so sánh đơn hàng thời điểm này với năm ngoái thì Lazada đã tăng trưởng xấp xỉ 200%".

Trong khi Lazada cho rằng mô hình marketplace sẽ tạo lợi thế khác biệt với Tiki.vn thì ở vị trí so kè với Lazada, Tiki.vn cũng đang tập trung vào thế mạnh là chất lượng sản phẩm từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng, từ lúc chọn nhà cung ứng, xuất đơn hàng, giao hàng, chăm sóc khách hàng và hậu mãi. Theo đó, công ty này đã đầu tư mạnh cho đội ngũ kiểm soát hàng tại kho.

"Đó là lý do Tiki có hơn 60% khách hàng trung thành, đóng góp trên 2/3 vào doanh thu", ông Đỗ Nguyễn Minh Đức - quản lý thương hiệu Tiki khẳng định. Ông Đức cũng cho hay, đến thời điểm này, Tiki đang có gần 200.000 sản phẩm của hơn 2.500 nhãn hàng. Đặc biệt, 100% sản phẩm được giao đi từ kho của Tiki. Đây cũng là điểm khác biệt quan trọng của Tiki vì việc giao hàng tại kho sẽ kiểm soát được chất lượng sản phẩm".

Ông Trần Ngọc Thái Sơn - người sáng lập và CEO của Công ty CPO Tiki cho biết: "Năm 2016, thương mại điện tử Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi các DN định vị rõ ràng hơn, chiến lược kinh doanh phải cụ thể và nhất quán để tạo sự khác biệt cũng như sự tin tưởng của khách hàng. Vì vậy, thay vì dàn trải và để bị cuốn vào cuộc đua giảm giá, Tiki tập trung vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Tiki tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống Fulfillment - dịch vụ hậu cần riêng, thuê ngoài để giảm chi phí và thời gian đầu tư mà các trang thương mại điện tử thường bỏ qua".

Sau 15 tháng thử nghiệm ở Việt Nam với hơn 1,8 triệu lượt tải và hơn 3 triệu sản phẩm đăng bán, Shopee đã bước vào thị trường thương mại điện tử vào tháng 8/2016 theo mô hình C2C (từ người tiêu dùng đến người tiêu dùng). Chiến lược của Shopee là mở rộng danh mục khách hàng hướng đến các DN có thương hiệu lớn.

Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Vận hành và Tài chính Shopee Việt Nam cho biết: "Để thu hút đối tác gia nhập hệ thống, Shopee đang nỗ lực rút ngắn thời gian chuyển tiền thanh toán và hỗ trợ các chủ cửa hàng giảm 50% phí giao nhận, miễn phí đăng tin quảng cáo 4 lần/ngày, huấn luyện kỹ năng bán hàng, đặc biệt là không thu phí các chủ cửa hàng trong 2 năm".

Theo ông Pine Kyaw - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, hãng này đã đạt hơn 16 triệu lượt tải và có 46 triệu sản phẩm được đăng bán.

>[Infographic]18 triệu người Việt đang mua sắm online

>[Infographic] Lý do khách mua hàng trực tuyến bỏ cuộc

>5 điều khách hàng mong muốn từ website bán hàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương mại điện tử: Đông người vào, lắm kẻ ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO