Thực phẩm hữu cơ: Rộng cửa đầu ra?

LÊ LOAN| 22/05/2016 01:44

Thị trường thực phẩm hữu cơ (organic) đang tạo "hấp lực" lớn đối với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thực phẩm hữu cơ: Rộng cửa đầu ra?

Thị trường thực phẩm hữu cơ (organic) đang tạo "hấp lực" lớn đối với nhiều nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước. Các nhà bán lẻ đang quyết liệt tìm kiếm những sản phẩm có chất lượng tốt, độ an toàn cao, chứng tỏ nhu cầu của thị trường rất lớn.

Đọc E-paper

Mới đây, trong khuôn khổ hội thảo "Nhận diện sản phẩm nông nghiệp organic Việt Nam" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp thực hiện tại TP.HCM, đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Bộ NN&PTNT), Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ và Công ty CP Organic Life đã ký hợp đồng hợp tác 5 bên.

Đây được xem là kết nối có quy mô lớn lần đầu tiên tại Việt Nam nhằm tạo sự gắn kết làm gia tăng giá trị cho chuỗi thực phẩm organic, đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất. Bởi các DN cho rằng, nhu cầu về thực phẩm sạch, thực phẩm organic đang rất lớn ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo ông Lê Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Organic Life, các DN đi tiên phong trong lĩnh vực organic thường gặp khó khăn trong việc xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm, do đó Organic Life là đơn vị tập hợp các nhà sản xuất này, thành lập nên "ngôi nhà organic" - đơn vị đầu mối phân phối các sản phẩm, thực phẩm organic của các DN Việt Nam. Trong việc ký kết lần này, "ngôi nhà organic" có sự tham gia của Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNN cùng 10 DN tiên phong trong lĩnh vực hữu cơ cho đến thời điểm này.

Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Nguyễn Thành Nhân - TGĐ Saigon Co.op cho biết, mỗi ngày hệ thống Co.opmart tiêu thụ khoảng 150 tấn rau củ quả và trái cây. "Chính vì điều này, chúng tôi luôn mong muốn tìm thêm nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, độ an toàn cao để cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng (NTD). Hiện, Co.opmart đã dành một khu vực bày bán sản phẩm organic, trước mắt sẽ triển khai tại các Co.opmart ở TP.HCM", ông Nhân tiết lộ.

Có thể nói, cùng với sự hợp lực của các DN sản xuất và động thái hợp tác từ các nhà bán lẻ Việt Nam, sản phẩm organic Việt Nam xem như đã có thêm cầu nối với NTD.

>>Làm giàu từ gạo hữu cơ

Song, ở góc độ nhà bán lẻ, ông Nguyễn Thành Nhân khuyến cáo, giá thành sản phẩm organic còn khá cao, nhưng những lợi ích sản phẩm đem lại cho NTD là rất lớn. Do vậy, để thuyết phục NTD, nhà sản xuất phải đảm bảo đúng các tiêu chí organic như DN đã cam kết, như an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường, có chứng nhận của các tổ chức uy tín trên thế giới. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng nên cho ra các dòng sản phẩm hướng đến hữu cơ để NTD có thu nhập thấp cũng có thể tiếp cận được thực phẩm sạch.

Những khó khăn về đầu ra tại thị trường nội địa tuy chưa thể khẳng định là đã được giải quyết, song các nhà sản xuất Việt Nam vẫn có niềm tin để đồng hành cùng thực phẩm sạch, thực phẩm organic. Bởi theo chia sẻ của các DN thời gian qua, nghịch lý mà các DN sản xuất sản phẩm hữu cơ phải đối mặt là hàng hoá ở thị trường trong nước khó tiêu thụ, còn ở thị trường nước ngoài thì năng suất không đáp ứng đủ nhu cầu.

Theo ông Võ Văn Khải, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú (đơn vị sở hữu thương hiệu gạo Hoa Sữa), cùng với việc phát triển trang trại Viễn Phú 337ha để sản xuất nông sản, nuôi trồng thuỷ sản theo phương thức organic gồm các loại gạo chức năng (1.000tấn/năm), cá, rau quả (2.000 tấn/năm), nấm rơm (500 tấn/năm), Viễn Phú kỳ vọng nếu vùng trồng mở rộng được 10.000ha thì có thể hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất bột organic các loại, hay nhà máy phân bón hữu cơ. Bởi tới đây, sẽ có 7 DN Nhật Bản đến Viễn Phú để hợp tác phát triển gạo, tôm, cá, rau quả để xuất khẩu sang thị trường Nhật.

Ông Nguyễn Bá Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Organic Đà Lạt cho hay, DN của ông đang có nhiều đơn hàng xuất khẩu, nhưng có đơn hàng quá lớn, vượt năng lực sản xuất của Công ty. Phân tích vấn đề này, ông Hùng nói thêm, sở dĩ các DN Việt Nam luôn gặp khó trong sản xuất thực phẩm hữu cơ là do ở thị trường nội địa giá thành sản phẩm còn quá cao so với thu nhập của số đông NTD.

Hiện nay sản phẩm organic chỉ mới phục vụ cho nhóm người có thu nhập cao và trung bình, phân khúc NTD có thu nhập thấp đang bị bỏ ngỏ. Trong khi đó, tại thị trường xuất khẩu, do tính đa dạng về sản phẩm nên DN Việt Nam khó sản xuất được số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu khách hàng các nước.

Các DN kiến nghị Chính phủ nên có những chính sách ưu đãi dành cho các nhà sản xuất sản phẩm sạch, cũng như phải chế tài mạnh đối với những DN không đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm để thúc đẩy sự phát triển của nhóm thực phẩm sạch theo tiêu chí sức khỏe, sinh thái, cân bằng và quan tâm.

>>Kinh doanh rau organic: Đường đến đích còn xa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực phẩm hữu cơ: Rộng cửa đầu ra?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO