Thời trang nhanh: Cuộc đua của các nhãn hàng ngoại

Nguyễn Hoàng| 19/03/2020 01:00

Thị trường thời trang nhanh, kể từ thời điểm này phải tính đến việc chia lại thị phần khi Uniqlo triển khai kế hoạch mở hàng loạt cửa hàng tại Việt Nam.

Thời trang nhanh: Cuộc đua của các nhãn hàng ngoại

Tập đoàn Fast Retailing - đơn vị sở hữu Uniqlo, chỉ trong thời gian ngắn đã mở hai cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội, bất chấp thị trường thời trang đang ảm đạm do các tín đồ thời trang giảm mua sắm bởi dịch Covid-19. Ông Osamu Ikezoe - Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam cho biết: “Việc mở chuỗi cửa hàng tại Việt Nam nằm trong kế hoạch mở rộng kinh doanh của Uniqlo tại Đông Nam Á, trên kết quả khảo sát thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số và tỷ lệ người trẻ. Việt Nam là thị trường quan trọng trong chiến lược phát triển của Uniqlo. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ nhằm đảm bảo không có thất bại xảy ra trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam”. 

Đến nay, tỷ trọng sản xuất của từng nhà máy Uniqlo trên thế giới vẫn là bí mật. Cũng theo ông Osamu Ikezoe, sản xuất của Uniqlo chủ yếu tập trung ở Trung Quốc, nhưng cũng đã mở rộng sản xuất tại Việt Nam, Ấn Độ và một số quốc gia khác. Việt Nam là quốc gia mà Uniqlo đã sản xuất khoảng 3 tỷ USD hàng dệt may để xuất khẩu ra toàn cầu. Việc mở rộng hơn nữa sản xuất tại Việt Nam không chỉ đóng góp cho việc kinh doanh của Uniqlo tại đây mà còn đóng góp vào hoạt động của Uniqlo trên toàn cầu.

Thế nhưng, kế hoạch mở rộng hơn nữa sang thị trường các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam của Uniqlo không ít áp lực, dù đã chuẩn bị nguồn hàng, tính toán lượng hàng tồn kho và nhân sự. Ông Osamu Ikezoe cho hay, ở mức độ toàn cầu, Uniqlo đã chịu tác động nhất định bởi dịch Covid-19, trong đó có khó khăn về nguyên liệu đầu vào. Ông nói: “Tại Việt Nam, việc sản xuất và kinh doanh của công ty ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng trong các tháng 3 và 4 có thể chậm hơn kế hoạch”. 

Sự thay đổi quan điểm tiêu dùng, từ “mặc bền” sang “mặc đẹp”, đã thúc đẩy mảng thời trang nhanh ở Việt Nam hấp thụ nhiều sản phẩm nhập ngoại. Các thương hiệu gần như không cạnh tranh trực tiếp bởi hướng đi của các nhãn hàng khá riêng biệt. Tuy nhiên, Zara và H&M - hai thương hiệu có mặt sớm nhất và thành công nhất ở thị trường Việt Nam, trên một số phương diện vẫn được xem là đối thủ của Uniqlo. Zara - thương hiệu thời trang Tây Ban Nha vào Việt Nam năm 2016 nhưng đến nay chỉ cung cấp sản phẩm qua hai cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, thương hiệu H&M của Thụy Điển, thâm nhập thị trường Việt Nam năm 2017, đã phân phối sản phẩm qua 8 cửa hàng tại các thành phố lớn.

Theo thống kê từ Công ty Nghiên cứu Thị trường Statista, quy mô thị trường quần áo Việt Nam năm 2019 ước tính 5,6 tỷ USD với mức tăng trưởng kỳ vọng 8,8% mỗi năm cho giai đoạn 2019-2023. 

Áp lực cạnh tranh với Uniqlo còn lớn hơn nữa khi Cotton: On - nhãn hiệu thời trang lớn nhất của Úc, đã mang đến cho khách hàng tại Việt Nam cơ hội mua sắm thông qua cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM kể từ tháng 11/2019. Theo kế hoạch, một cửa hàng nữa của Cotton: On cũng sẽ sớm được mở tại Hà Nội. Ông James Lavdas - Tổng giám đốc Cotton On Group cho biết, tập đoàn của ông đã mở rộng ba thương hiệu thời trang sang Việt Nam, trong bối cảnh nhu cầu đối với thời trang đường phố và trang phục thường ngày ở Việt Nam ngày càng tăng.

Một thực tế, chỉ những thương hiệu thời trang có lợi thế, với tiềm lực tài chính lớn mới có thể mở rộng quy mô kinh doanh tại Việt Nam. Ông Osamu Ikezoe cho biết, việc Uniqlo có nhà máy sản xuất tại Việt Nam là điểm cộng để phát triển kinh doanh. Uniqlo không chủ trương cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu ngoại nhập hay nội địa, nhưng việc có nhà máy sản xuất và hệ thống bán lẻ sẽ giúp công ty của ông giành lợi thế. Việc sản xuất nhanh và sớm đưa sản phẩm vào thị trường cho phép Uniqlo giảm được nhiều chi phí và thời gian.

Đến nay, với chiến lược kinh doanh hiệu quả cùng thương hiệu chủ lực Uniqlo, Tập đoàn Fast Retailing đã mở ra nhiều thị trường mới, trở thành “đế chế” thời trang lớn thứ ba thế giới với doanh thu gần 20 tỷ USD trong năm tài chính 2019 với hơn 2.200 cửa hàng tại 24 quốc gia. Thế nhưng, thời trang là ngành biến động nhanh nhất. Uniqlo đã tạo được sự khác biệt nhất định ở mảng thời trang nhanh, nhưng việc có thành công tại thị trường Việt Nam hay không, vẫn cần thời gian cho câu trả lời. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thời trang nhanh: Cuộc đua của các nhãn hàng ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO