![]() |
Việt Nam đang chuẩn bị để xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên sang Liên bang Nga, sau khi Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Nga cho phép nhập khẩu. Ông Nguyễn Văn Long - Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mẫu chứng nhận kiểm dịch và các điều kiện thú y, an toàn thực phẩm, đã được phía Nga chấp thuận. Sản phẩm của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đã đáp ứng các yêu cầu theo thông lệ chung của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và cơ quan thú y của Nga.
Xuất khẩu thịt gà chế biến của Việt Nam tiếp tục tăng trong năm 2020, với chủ lực là Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Đồng Nai. Dự kiến, Koyu & Unitek sẽ xuất khẩu khoảng 3.625 tấn thịt gà chế biến, đạt kim ngạch 20 triệu USD. Cạnh đó, C.P Việt Nam sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Nhật Bản vào tháng 6/2020. C.P tin rằng có thể xuất khẩu 3.000 tấn thịt gà mỗi tháng vào thị trường Nhật Bản và sẽ mở rộng xuất khẩu sang các thị trường một số nước khác.
Trình độ chăn nuôi, quản lý an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm của Việt Nam đã có tiến bộ. Chăn nuôi gà trên cả nước tăng trưởng bình quân khoảng 6,5%/năm. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, xuất khẩu thịt gà của Việt Nam đạt trên 11 triệu USD. Tuy nhiên, để trở thành một nước sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế là không dễ dàng trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thị trường nhập khẩu đều siết chặt hơn các quy định nhập khẩu và năng lực nội tại ngành chăn nuôi và chế biến thịt gà còn nhiều hạn chế.
Việt Nam vẫn đi sau Thái Lan trong việc tiếp cận thị trường Nhật Bản, dù nhiều doanh nghiệp khẳng định giá thành sản phẩm tại các trang trại chăn nuôi gà theo chuỗi thực phẩm an toàn hiện ngang bằng Thái Lan. Mỗi năm, thị trường Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn thịt gia cầm, nhưng các nguồn cung chính vẫn chủ yếu từ Brazil, Thái Lan và Trung Quốc. Trong năm 2017, khi Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản cũng là lúc Thái Lan vừa kết thúc năm 2016 bằng việc xuất khẩu gần 700.000 tấn thịt gà sang Nhật Bản và các nước khác.
Chỉ một số doanh nghiệp lớn mới có đủ năng lực xuất khẩu được thịt gà đã qua chế biến. Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Nhơn (Bình Phước) - ông Vũ Mạnh Hùng cho biết, từ năm 2017, Hùng Nhơn đã xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản. Nhưng để đưa được sản phẩm vào thị trường này, Hùng Nhơn phải đầu tư rất lớn cho mô hình chăn nuôi sạch, ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến của Tập đoàn Big Dutchman - Liên bang Đức, hợp tác với Tập đoàn De Heus của Hà Lan để đảm bảo nguồn cung thức ăn chăn nuôi và Công ty CP Bel Gà về cung cấp gà giống.
Xuất khẩu thịt gà chế biến của Việt Nam ra thế giới liên tục tăng trong những năm gần đây, thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư lớn để phát triển đàn gà. Công ty Nông sản Phú Gia còn đưa nhân sự sang Hungary học hỏi kinh nghiệm của Tập đoàn Master Good có trên 100 năm kinh nghiệm chăn nuôi gà, nhằm triển khai mô hình liên kết chăn nuôi, chế biến thịt gà tại Thanh Hóa.
Mục tiêu xuất khẩu thịt gà được C.P Việt Nam đề ra trong nhiều năm, nhưng phải đến năm 2019, công ty này mới hoàn tất được chuỗi sản xuất theo mô hình khép kín, công suất 50 triệu con gà/năm, sau khi chi ra khoản đầu tư 200 triệu USD. Ông Vũ Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc C.P. Việt Nam tin rằng, đó là cách đưa sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đến gần người tiêu dùng Nhật Bản và thế giới.
Đến nay, đã có thêm một vài thị trường muốn nhập khẩu thịt gà từ Việt Nam, trong đó có vài nước EU. Theo ông Gabo - Giám đốc Công ty Jan Zandbergen của Hà Lan (một nhà nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi), Brazil, Thái Lan và Ukraina đang là các nhà cung cấp chính các loại thịt gà cho châu Âu. Tuy nhiên, nguồn thịt gà đến từ các nước này đang bị giới hạn bởi quota nhập khẩu vào EU. Cơ hội xuất khẩu thịt gà vào EU của Việt Nam là rất lớn khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, với thuế nhập khẩu giảm dần về mức 0% theo lộ trình.
Việt Nam vẫn có thể đạt được mục tiêu trở thành nước sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn của quốc tế, nếu doanh nghiệp tuân thủ triệt để quy định an toàn dịch bệnh của OIE và an toàn thực phẩm của Codex (Tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế), cũng như hàng loạt tiêu chuẩn kỹ thuật khác của nước nhập khẩu.